Thứ Năm, 29/05/2014 16:49

Cho vay phân tán: Chớp nhoáng, lãi cực cao

Kết quả hoạt động của các công ty tài chính nước ngoài xem ra đã trụ vững tại thị trường tài chính Việt Nam. Đây là lý do để các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay phân tán (một hình thức cho vay tiêu dùng) để tìm lợi nhuận bù đắp tín dụng doanh nghiệp đang giảm mạnh. Điều đó cũng khiến các NH đang tìm cách thâu tóm công ty tài chính.

Lãi suất khủng

Mặc dù thâm niên hoạt động còn thua xa các NHTM trong nước, nhưng một số công ty tài chính nước ngoài đã hái được quả ngọt từ phân khúc tín dụng phân tán nhờ lãi suất cho vay cực cao. Trong đó phải kể đến Công ty tài chính PPF Việt Nam (Home Credit), vốn góp chỉ 550 tỷ đồng nhưng đạt mức lợi nhuận đáng kể.

Việc các NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng hiện nay cũng là giải pháp để góp phần kích cầu, nhưng cần phải thận trọng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3-2014 giảm còn khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ; đã cơ cấu lại nợ cho 6.500 khách hàng với số tiền đạt trên 156.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu lĩnh vực phi sản xuất chiếm khoảng 25% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu bất động sản hiện còn 5.877 tỷ đồng và các khoản vay tiêu dùng 2.100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 của Home Credit cho thấy, đến hết năm 2013 đạt hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay, còn lợi nhuận thuần đạt 711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 530 tỷ đồng, cao gấp 5 lần kết quả năm 2012. Như vậy, so với không ít NHTM trong nước, lợi nhuận thu về của Home Credit trong 2 năm qua đã vượt đáng kể. Để đạt được những kết quả này là nhờ nguồn thu từ hoạt động tín dụng phân tán tăng đồng hành với lãi suất tăng cao của các công ty tài chính.

Có thể dễ dàng nhìn thấy tại các trung tâm thương mại, trung tâm điện máy, các siêu thị… rất nhiều mặt hàng đều treo bảng bán trả góp, nhưng thật ra đó là hình thức cho vay phân tán. Thông thường một món hàng chỉ cần khách hàng trả trước 20%, phần còn lại chia đều trong 12 tháng với lãi suất 2%/tháng, tức 24%/năm.

Song trong 12 tháng đó không tính lãi suất giảm dần những tháng trước đã trả, thành ra lãi suất có thể lên đến trên 35%/năm. Nhưng đó chỉ là cách tính thông thường của các công ty tài chính, có những trường hợp đặc biệt lãi suất có thể lên đến 60-70%/năm. Song bù lại họ có thể cho vay những món hàng nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mà các NH không thể cho vay, lại phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

Hay như để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các NH mà đặc biệt là các NH nước ngoài đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức lương của khách hàng. Qua đó NH phát triển được dịch vụ thẻ nhưng cũng kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao (sau 45 ngày miễn, lãi hiện nay lên đến 35-40%/năm, đó là chưa kể phí).

Tính đến thời điểm cuối tháng 2-2014, Home Credit đã có 1,2 triệu khách hàng đang vay vốn tiêu dùng và mục tiêu năm nay tăng 50% số lượng khách hàng vay. Do vậy các công ty tài chính đối thủ tranh thủ mở rộng, lan tỏa thị phần để thu hút khách hàng vay vốn.

 

Vay tiêu dùng lãi suất cao là lẽ đương nhiên vì khoản vay không cần tài sản thể chấp, nhưng không vì thế các tổ chức tài chính được phép tính lãi suất quá cao. Thử nghĩ một khoản vay nhỏ mà khách hàng phải trả lãi lên đến vài chục phần trăm quả là gánh nặng lớn, trong khi đối tượng vay chủ yếu là thu nhập thấp. Vì thế, trước những lời mời vay tiêu dùng khách hàng cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu kỹ, bởi khi đã ký hợp đồng vay phải chấp nhận trả lãi cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH

Một trong những lý do được các công ty tài chính tranh thủ lấy khách hàng là trong bối cảnh nợ xấu tăng, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay NH, trong khi công ty tài chính hoàn toàn cho vay tín chấp, không cần chứng minh tài sản, chỉ cần chứng minh, hộ khẩu và hóa đơn tiền điện, nước hay điện thoại trùng với tên trong hộ khẩu (photo không cần công chứng) là giải ngân ngay trong 2 giờ. Trong khi với thủ tục và thời gian này là NH không thể.

NH chào thua vì quá rủi ro

Trong khi đó, với không ít NH, kể cả với những NH có thế mạnh trong việc tài trợ tín dụng, năm 2013 phải chịu lỗ thuần trong hoạt động tín dụng, do lãi biên thu hẹp khi lãi suất phải kéo giảm xuống còn 7-8%/năm đối với tổ chức và doanh nghiệp, thấp hơn cả với trần huy động; đối với các cá nhân lãi cho vay cũng chỉ 12-13%/năm mới thu hút được người vay.

Ngược lại, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 12-2013 của Home Credit đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng đến 83% so với cùng kỳ 2012, trong đó chủ yếu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Nhưng các khoản vay này thường chịu lãi suất cao gấp nhiều lần thông thường, không ít trường hợp lên tới 72%/năm.

Lý giải cho việc áp dụng mức lãi suất đầu ra khá cao, theo lãnh đạo một công ty tài chính, rủi ro đối với khoản tín dụng tiêu dùng rất lớn do chủ yếu vay tín chấp. Mặt khác, nguồn tiền cho vay chính của các công ty tài chính đến từ liên NH, vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD), thay vì huy động vốn giá thấp hơn từ thị trường dân cư như NH, nên lãi suất cho vay ra cũng phải đáp ứng để bù đắp được rủi ro.

Năm 2013 khoản vay trên liên NH của Home Credit tăng gần gấp 3 so với 2012 với hơn 4.700 tỷ đồng. Điều này được chứng minh qua kết quả hoạt động của NHTM Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) năm 2013, khi NH này thu về 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ cho vay tiêu dùng trong bối cảnh các NH bạn đều “te tua” vì lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Lãnh đạo của Sacombank cho rằng, cho vay phân tán tính an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn, rủi ro tiềm ẩn cao hơn. Ngay như một lãnh đạo NHNN cho rằng, hiện còn nhiều khoản vay phải chịu lãi suất trên 13%/năm và phần lớn rơi vào nhóm cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc chấp nhận để lãi suất vay tiêu dùng cao là hợp lý, bởi khoản vay này có mức độ rủi ro lớn và cũng là cách để giúp nền kinh tế tránh được nạn cho vay nặng lãi.

Miếng “bánh” thị phần

Ngay sau khi thủ tướng ban hành Nghị định 39 về việc công ty tài chính, cho thuê tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như: bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một NHTM, nhiều NHTM cho rằng đây cũng là cơ hội mở rộng thị phần bán lẻ thông qua việc cho vay tiêu dùng.

Trả góp lãi suất 0% chỉ là "chiêu" thu hút khách hàng

Thẻ tín dụng hứa hẹn sẽ là mảng đóng góp không nhỏ trong doanh thu của công ty tài chính, vì loại hình thẻ đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời cũng là cách để đơn vị phát hành thẻ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua thẻ.

Miếng “bánh” cho vay tiêu dùng còn lớn mà tiềm năng tăng trưởng chưa nhiều, nên các NH bắt đầu tìm cách thâu tóm công ty tài chính để có thể nhanh chóng mở rộng thị phần bằng con đường tắt, thay vì thành lập công ty tài chính hoặc mở rộng mạng lưới cho vay nhỏ lẻ.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt NHTM trong nước đã và đang lên kế hoạch mua lại công ty tài chính nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng nhiều tiềm năng. Như HDBank (NHTM Phát triển TPHCM) mua lại SGVF (thuộc tập đoàn của Pháp) trong năm qua để chuyển đổi thành HDFinace (năm qua HDFinace đóng góp đến 79 tỷ đồng lợi nhuận vào tổng lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế sau khi trích lập dự phòng của HDBank).

SHB (NHTM Sài Gòn-Hà Nội) đang lên kế hoạch thâu tóm thêm một công ty tài chính để tái cấu trúc đơn vị này thành công ty con trực thuộc NH sau khi sáp nhập thêm Habubank. MaritimeBank cũng hé lộ khả năng lập công ty tài chính chuyên biệt để phát triển cho vay tiêu dùng.

Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển, cho rằng đây là cơ hội để SHB phát triển mảng dịch vụ NH phục vụ tiêu dùng, một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng. SHB xây dựng mục tiêu đến năm 2015 trở thành NH bán lẻ đa năng và năm 2020 sẽ là tập đoàn tài chính.

Do đó, lúc này SHB chuẩn bị một đội ngũ chuyên nghiệp về tài chính và đầu tư. Một lãnh đạo cấp cao của Sacombank cho rằng, tiềm năng và dư địa cho vay tiêu dùng của một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam còn rất lớn để NH đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.

Ngay như Sacombank là một NH bán lẻ lâu nay, với tỷ lệ cho vay nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng dư nợ, trên 50%, nhưng chiến lược của Sacombank vẫn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đối với cho vay nhỏ lẻ.

Thực tế nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân Việt Nam rất lớn, nhưng “gõ cửa” NH để vay đối với những người lao động chân tay như công nhân rất khó, trong khi đó các công ty tài chính đang tấn công mạnh vào các đối tượng khách hàng này.

Home Credit cho vay với món nhỏ, thậm chí 5-10 triệu đồng, nhưng hiệu quả thu lại rất lớn nhờ lãi suất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, NH cũng phải thận trọng khi chạy đua cho vay tiêu dùng, vì rủi ro nợ xấu gia tăng. Số liệu đưa ra từ NHNN TPHCM đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính, cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt 21,96% và 37,53%.

Theo kế hoạch của NHNN, trong năm nay sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các định chế cho vay tiêu dùng lành mạnh hơn. Tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cho phép đối với các công ty tài chính được giới hạn ở mức 8%, để đảm bảo tính ổn định và tăng trưởng bền vững của ngành tài chính.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một công ty tài chính, đối với NH khi tỷ lệ nợ xấu 4-5% đã có khả năng đối mặt với rủi ro cao, nhưng ngược lại khi con số này lên 15% các công ty tài chính vẫn có thể hoạt động tốt.

Bảo Lâm

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Cổ đông lớn ngân hàng: Từ ngộ nhận đến... ngộ nhận (29/05/2014)

>   ACB và Vietinbank tiếp tục đổ trách nhiệm cho nhau (29/05/2014)

>   Cuộc cải tổ ngân hàng vẫn ngổn ngang "trăm mối tơ vò" (29/05/2014)

>   NamABank được NHNN tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 2013 (29/05/2014)

>   Sếp ngân hàng tính mua bảo hiểm sau vụ Bầu Kiên, Huyền Như (29/05/2014)

>   VietinBank bổ nhiệm Phó TGĐ Trần Minh Bình (29/05/2014)

>   Có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1-2% (29/05/2014)

>   Hơn 30.000 tỉ đồng nợ xấu đang chờ VAMC mua (29/05/2014)

>   Thiếu luật, cơ quan điều tra lúng túng? (28/05/2014)

>   NamABank - Chi nhánh Nha Trang vươn mình vững mạnh (27/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật