Cổ đông lớn ngân hàng: Từ ngộ nhận đến... ngộ nhận
Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, suy nghĩ như con trẻ, suy luận như con trẻ; nhưng nay là người trưởng thành, tôi đã bỏ những đặc tính của con trẻ...(1)
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm đang diễn ra tại Hà Nội. Có thể nói đây là vụ án kinh tế chạm đến nhiều ngóc ngách nhất của hoạt động ngân hàng, chứng khoán, vàng mà những tình tiết được công khai trước tòa không chỉ đầy kịch tính mà còn có cả các yếu tố “bi hài” nhất. Vụ xét xử kéo dài đến ngày 6-6-2014 và chưa ai có thể tiên liệu án sơ thẩm sẽ là gì.
Nhiều ngân hàng Việt Nam bị ru ngủ trong hội chứng Peter Pan - một chứng bệnh tâm lý theo đó người đã vào tuổi trưởng thành nhưng không chịu lớn, nghĩa là vẫn ở trong tâm thế với hành vi và cảm xúc của người chưa trưởng thành
|
Bên cạnh bị cáo chính là ông Nguyễn Đức Kiên, một tên tuổi được xem là sáng giá trong cộng đồng ngân hàng, còn có các thành viên thường trực của hội đồng quản trị có bản lĩnh và am hiểu nghiệp vụ và những nhân sự điều hành cứng tay của một ngân hàng được đánh giá có uy tín khá cao là Ngân hàng Á Châu (ACB). Tất cả từng một thời ngồi trên những chiếc ghế ấm của ngân hàng nhưng giờ đang ngồi trên những chiếc ghế lạnh của tòa án với những tình cảnh khó khăn mà trước đây họ chưa lường hết. Một sự việc thật đáng tiếc và thật đáng buồn. Một sự đứt đoạn của sự nghiệp. Một chuỗi mắt xích những khủng hoảng.
Không biết từ bao giờ và từ đâu mà trong hoạt động ngân hàng ở nước ta nảy sinh suy nghĩ hễ cổ đông lớn là đương nhiên có đặc quyền tham gia quản lý và điều hành ngân hàng bất chấp trình độ chuyên môn, quá trình đào tạo, thậm chí bất chấp cả nhân cách đạo đức vốn là yếu tố tạo niềm tin trong hoạt động tín dụng. |
Từ vụ việc chưa có hồi kết này, nhìn lại những biến động và biến cố liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng từ năm 2008 đến nay, chúng ta có thể hình dung nhiều tổn thất niềm tin về ngân hàng nói riêng cũng như những tổn thương lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong thị trường tín dụng. Rõ ràng vụ án bầu Kiên đang dấy lên trong xã hội nhiều vấn đề nhức nhối đồng thời xuất hiện những ngộ nhận xám xịt về hoạt động tài chính ngân hàng của chúng ta.
Từ một ngộ nhận đến những nhầm lẫn và nhiều sai lầm?
Tại sao lại là ngộ nhận xám xịt? Bởi trong chừng mực nào đó, những gì phơi bày trước tòa cũng chỉ mới giúp xã hội biết và hiểu một phần bề nổi của những rối rắm mà thôi. Đó chính là vấn đề những cổ đông lớn trực tiếp tham gia quản lý và điều hành các ngân hàng thương mại, đặc biệt ngân hàng tư nhân. Không biết từ bao giờ và từ đâu mà trong hoạt động ngân hàng ở nước ta nảy sinh suy nghĩ hễ cổ đông lớn là đương nhiên có đặc quyền tham gia quản lý và điều hành ngân hàng bất chấp trình độ chuyên môn, quá trình đào tạo, thậm chí bất chấp cả nhân cách đạo đức vốn là yếu tố tạo niềm tin trong hoạt động tín dụng. Đây là một sự “ngộ nhận mặc nhiên” đầu tiên và và phổ biến trong hệ thống.
Chính sự “ngộ nhận mặc nhiên” này đã làm mờ nhạt hoặc xóa bỏ “làn ranh phải có” giữa hội đồng quản trị (chủ sở hữu) với ban quản lý-điều hành (giới chuyên gia - chuyên viên). Đây là làn ranh quan trọng nhất trong tuyến đầu ngăn chặn rủi ro của bất cứ định chế tài chính chính thống nào. Khi “làn ranh phải có” không còn vì bất cứ lý do nào - dù chỉ tạm thời - thì định chế tài chính đó chắc chắn sẽ tự rơi vào những “vùng rủi ro khó kiểm soát” và đi nhanh vào “vùng rủi ro không thể kiểm soát”.
Thật đáng tiếc, “làn ranh phải có” này đã chưa bao giờ “phải có” trong hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, nơi mà các cổ đông lớn là những thể nhân hoặc nhóm các thể nhân.
Thế thì hệ lụy lâu dài của sự “ngộ nhận mặc nhiên” với các định chế tài chính là gì?
Ngân hàng Việt Nam chưa chịu lớn?
Vào mùa Giáng sinh năm 2012, sau ba tháng xảy ra “biến cố Nguyễn Đức Kiên và Ngân hàng Á Châu”, một bạn đồng nghiệp tham gia điều hành một ngân hàng khá lớn trong nước đã đặt một câu hỏi thật nhức nhối thuộc loại “giải pháp năm mới” (new year resolution): đã 20 năm, tại sao ngân hàng vẫn chưa chịu lớn?
Không lớn, hiểu được. Chưa lớn, có thể hiểu. Chưa chịu lớn, nên hiểu như thế nào cho đúng?
Có điều gì bất ổn mà chỉ trong thời gian chưa đầy ba năm từ 2011-2013, hơn 200 người ở cấp quản lý điều hành, nhân viên ngân hàng đã bị kết án tù, đặc biệt có cả trường hợp tử hình, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Theo dõi những đối chất và tình tiết của vụ xét xử sơ thẩm Huỳnh Thị Huyền Như - VietinBank vừa qua và vụ xét xử sơ thẩm đang diễn ra hiện nay với ông Nguyễn Đức Kiên - Ngân hàng Á Châu hẳn chúng ta đã biết được phần nào những lý do và dữ liệu để có thể trả lời câu hỏi nêu trên của anh bạn đồng nghiệp.
Nhiều ngân hàng Việt Nam bị ru ngủ trong hội chứng Peter Pan (Peter Pan Syndrom)(2) - một chứng bệnh tâm lý theo đó người đã vào tuổi trưởng thành nhưng không chịu lớn (sống) nghĩa là vẫn ở trong tâm thế với hành vi và cảm xúc của người chưa trưởng thành. Đây là hội chứng mà ngôi sao ca nhạc Micheal Jackson mắc phải và đã qua đời.
Hãy giã từ Peter Pan và ngộ nhận xám xịt
Cũng là một thành viên đã trực tiếp và đang gián tiếp tham gia trong hệ thống tài chính ngân hàng - thị trường vốn từ năm 1991, tôi cho rằng từ năm 2009-2014 là giai đoạn xáo động nhất của lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam.
Từ năm nay đến cuối năm 2015 sẽ có nhiều ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng kỷ niệm sinh nhật 15 năm hoặc 25 năm. Đối với một nền kinh tế non trẻ muốn vươn lên thì chưa đủ, nhưng với mỗi định chế tài chính ngân hàng như ở Việt Nam thì chừng ấy thời gian cũng đã đủ để có cái nhìn nghiêm túc về chính mình, để trưởng thành. Và nơi bắt đầu nên chính là Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện chức năng hỗ trợ, dẫn dắt cho toàn hệ thống bằng những chính sách và biện pháp giúp cải thiện trình độ quản lý của các ngân hàng thương mại.
Tuy chậm nhưng không quá trễ để bắt đầu một quá trình giã từ Hội chứng Peter Pan, giã từ sự “ngộ nhận mặc nhiên”. Đâu đó đã có một lời khuyên dạy chí lý: Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, suy nghĩ như con trẻ, suy luận như con trẻ; nhưng nay là người trưởng thành, tôi đã bỏ những đặc tính của con trẻ...
(1) Kinh thánh Tân ước. 1 Cô-rinh-tô 13
(2) Nhân vật chính trong tiểu thuyết và vở kịch thần tiên “Thằng bé không chịu lớn” năm 1904 của James Matthew Barrie người Scotland.
Lê Trọng Nhi
tbktsg
|