Nâng vốn 10 lần, SCIC còn dùng tiền để gửi ngân hàng?
Vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ở mức 50.000 tỷ đồng và được tiếp tục tăng trong thời gian hoạt động.
Đây là nội dung Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC đã được Thủ tướng ký duyệt và có hiệu lực từ 6/8/2014, tờ Vnexpress đưa tin.
Vốn điều lệ tăng gấp 10 lần, lỗ sẽ giải thể
Cụ thể, vốn điều lệ của SCIC lên tới 50.000 tỷ đồng, gấp 10 lần mức vốn ghi trong điều lệ năm 2005. Trong quá trình hoạt động, tổng công ty sẽ được tăng vốn nếu được Nhà nước cấp, tiếp nhận từ các công ty nhận chuyển giao...
Chính phủ cũng cho phép SCIC được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ kinh doanh, song song với yêu cầu phải có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước.
Ngoài ra, văn bản quy định rõ hơn về các trường hợp SCIC bị giải thể, phá sản. Ngoại trừ bị kết thúc thời hạn hoạt động hoặc việc duy trì công ty không cần thiết, SCIC sẽ phải giải thể nếu kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp, có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn Nhà nước hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm. Trước khi ngừng hoạt động, tổng công ty phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trường hợp SCIC mất khả năng thanh toán nợ đến hạn phải trả dù đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết thì sẽ tiến hành phá sản theo quy định của pháp luật.
Hồi tháng 12/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, quy định đơn vị này này tiếp tục giữ vốn dài hạn tại 4 doanh nghiệp là Tổng công ty Tái Bảo hiểm quốc gia (VNREA), Viễn thông FPT (FPT Telecom), Dược Hậu Giang (DHG), Sữa Việt Nam (Vinamilk) và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp khác (chiếm hơn 1/3 số doanh nghiệp đã tiếp nhận vốn).
Theo tính toán, các doanh nghiệp được SCIC giữ lại đang là những khoản thu lớn nhất vì hàng năm mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, SCIC lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra 6%.
Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm.
SCIC có tăng gửi tiền ngân hàng?
Tuy nhiên, thực tế trong suốt năm 2012 và các năm trước đó, trong lúc các hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vì không tiếp cận được vốn, SCIC lại mang vốn nhà nước là 19.600 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Trước thực tế này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính vẫn cho rằng, SCIC làm đúng luật, thậm chí trong tình hình thị trường không thuận lợi thì đây là cách làm tỉnh táo để bảo toàn vốn của Nhà nước.
Trong một báo cáo của SCIC trước đó, đơn vị này đã hé lộ thông tin về một trong những nghiệp vụ đầu tư của một “siêu tổng công ty” chuyên đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - đó là gửi tiền ngân hàng để lấy lãi.
Báo cáo này nêu doanh thu tài chính năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy các khoản đầu tư tài chính khác hầu như không đáng kể, doanh thu tài chính của SCIC có được là tiền lãi gửi các ngân hàng. Với số tiền lãi thu về 1.568 tỉ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng)
Hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay.
Năm 2011, báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỉ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm.
Trước đó, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỉ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm...
Hà Anh
đất việt
|