Thứ Năm, 26/06/2014 11:09

Mua nợ xấu: Khối ngoại e dè vì luật chưa rõ

Trái ngược với những dự báo khá sáng sủa về việc Cty quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) khi tổ chức này đang tỏ rõ động thái bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài để xem tiến hành bán lại nợ, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài “có máu mặt” trên thị trường tỏ vẻ không hay biết và cũng chưa biết nên hy vọng như thế nào về việc tham gia câu chuyên mụa bán này.

Diễn biến nợ xấu từ năm 2007-2013

Xoay quanh khối nợ mà VAMC đã mua và đang tìm cách xử lí thời gian qua, tạm thời có 3 thông tin được cho là mang đến tín hiệu tích cực trên thị trường này:

Tín hiệu tốt ?

Thứ nhất, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC đã cho biết hiện có một số DN tiềm năng quan tâm mong muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam và thực tế VACM đang xem xét hợp tác với một số DN tiềm năng, đồng thời đã kí kết hợp đồng bảo mật thông tin với hai Cty là Cushman & Wakerfield (C&W) và Alvarez and Marsal (A&M). Hai Cty này đang tiến hành khảo sát thực tế.

C&W và A&M được biết là hai trong số ít những Cty tư nhân tư vấn Bất động sản lớn nhất thế giới, chuyên nghiệp về các dịch vụ quản lí và xử lí tài sản, đặc biệt bất động sản. Thông tin này cho thấy VAMC đã xác định trọng tâm số tài sản đáng được xử lí trong khối tài sản nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hang nói chung, và VAMC nói riêng đã mua được, chính là bất động sản.

Bên cạnh đó, thông tin thứ hai chính là danh mục 10 tài sản đảm bảo tại các tỉnh Hài Dương, Hảo Phòng, Đà Năng và TP Hồ Chí Minh với tổng trị gía 7.800 tỷ đồng, tương đương 1/6 tổng giá trị nợ xấu mà VAMC đã mua được thời gian vừa qua. Tuy giá trị danh mục tài sản đầu tiên dự kiến chào bán khá nhỏ, so với giá trị VAMC đang nắm giữ và đặc biệt càng bé hạt tiêu so với tổng nợ xấu của hệ thống ngân hang, song ít nhiều thị trường bao gồm các nhà đầu tư quan tâm và muốn mua nợ xấu cũng không còn phải “lò mò” không biết những tài sản có khả năng chào bán là có… hình dạng gì (!), nó nằm ở đâu, thuộc khu vực nào...

Thứ ba là thông tin về thời điểm chính thức bán những khoản nợ đầu tiên của VAMC: Quí 3 năm nay. Chỉ còn non mười ngày là bước sang quí 3, VAMC chỉ còn rất ít thời gian hoặc, trước khi có thông tin dự kiến, mọi thứ đã sẵn sang trên vạch xuất phát?!

Mơ hồ cơ chế

Mặc dù các thông tin kể trên có vẻ khá là cụ thể, song thực tế nhiều nhà đầu tư ngoại lại không hề nghĩ vậy. Một giám đốc đầu tư của một Quỹ đầu tư ngoại nói với DĐDN: Thực ra, ông hoàn toàn chưa hình dung được tín hiệu hoàn toàn tích cực từ các thông tin kể trên. “Với thông tin thứ nhất, VAMC chưa công bố rõ họ kí kết hợp tác với hai Cty tư nhân C&vW và A&M với những nội dung gì. Phải chăng hai Cty này sẽ khảo sát và tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua họ như một môi giới trung gian để tiếp cận mua nợ xấu? Nói như vậy là những Cty muốn “nộp đơn” mua nợ xấu lên VAMC, nếu không qua hai Cty này thì sẽ không… có cửa? Còn nếu ngược lại đúng là phải qua hai Cty này, thì bên nào chịu phí? Ngoài ra, danh mục 10 tài sản đảm bảo gồm gồm các dự án mà VMAC đã lên là chung cư, cao ốc, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp… cụ thể là những dự án nào, trị giá như thế nào, hiện vẫn rất mơ hồ chung chung. Tại sao VAMC không công bố danh mục này ở website của Cty hay các phương tiện thông tin đại chúng? Hoặc giả ngược lại, chúng tôi vẫn biết rằng nhiều dự án trong đó liên quan đến vận mệnh và danh tiếng các DN đang gắn bó sản xuất kinh doanh với các dự án đó, thì tại sao VMAC không làm mã số các dự án, mô tả chi tiết dự án để chào bán, như cách nhiều tổ chức đang chào bán các DN mà không hề gây đánh động đến DN với thị trường và vẫn đạt hiệu quả công khai, thu hút người quan tâm tham gia?”, ông này đặt một loạt câu hỏi.

Cũng trao đổi với DĐDN, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất đối với việc mua nợ khó đòi tại Việt Nam hiện nay có thể gói gọn trong hai chữ “rõ ràng”. “Phải rất rõ ràng thì nhà đầu tư nước ngoài mới có thể tham gia mua bán nợ xấu, mặc dù họ - những nhà đầu tư nước ngoài lớn – đang rất quan tâm vấn đề mua lại nợ khó đòi. Ai cũng muốn được mua, cơ cấu lại và bán trực tiếp cho nhà đầu tư trong nước hoặc các đơn vị đầu tư khác. Song nợ khó đòi là một sản phẩm. Sản phẩm phải rõ ràng, phải trả lời được các câu hỏi người mua muốn mua thì bằng cách nào, hình thức ra sao, ai sẽ đi thu hồi nợ… thì họ mới mua. Nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề Luật. Chưa rõ ràng thì họ sẽ khó thúc đẩy sự quan tâm đó, ông Don Lam nói.

Cần tiếng nói bên thứ ba

Rõ ràng với khung khổ pháp lý của Việt Nam hiện tại, với Dự thảo Sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản trong đó có nội dung về việc cho phép người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh bất động sản như người Việt Nam chưa thể chính thức được thông qua, thì trong số tất cả các vấn đề đầy dấu hỏi mà nhà đầu tư nước ngoài đặt ra với VAMC, mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện sở hữu/ kinh doanh tài sản nợ xấu – tài sản bất động sản. Nếu không xử lí được vấn đề này, có vẻ mọi chuyện sẽ khó hanh thông.

Vì lẽ đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên viên Ngân hang BIDV cho rằng sự có mặt của bên thứ ba là cần thiết. Một Quỹ có tư cách pháp nhân Việt Nam, theo hình thức tư nhân hoặc cổ phần không thuộc sở hữu Nhà nước nhưng có thể đại diện trung gian cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ các tài sản đảm bảo là bất động sản, sẽ là mã khóa quan trọng để giải mã vấn đề khúc mắc mà nhà đầu tư nước ngoài còn “vướng”, và cơ chế của VAMC, dưới sự vận hành của luật pháp Việt Nam, lại chưa cho phép.

Cùng với đó, một Hội đồng thẩm định, định giá độc lập là điều cần thiết. Hội đồng đó, hoặc đơn giản là những nhà tư vấn định giá nước ngoài phải là những tổ chức có uy tín, tiếng nói của họ có khả năng thuyết phục các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế, giúp nhà đầu tư rút gọn thời gian thẩm định, định giá dự án, như vậy mới có cơ hội các khoản nợ của VMAC sớm được đưa ra thị trường, ông Andy Hồ khẳng định.

Tuy nhiên, những vấn đề nói trên cơ bản cũng mới chỉ giải quyết chuyện cơ chế trước mắt. Về lâu dài, theo Giám đốc CTCP Đầu tư King Long, thạc sĩ Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, các nhà quản lí cũng nên tính đến những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho vấn đề tái cơ cấu nợ xấu sau bán. Chẳng hạn, với những trường hợp nhà đầu tư muốn mua nợ xấu là tài sản thuộc dự án đầu tư bệnh viện, thì xem xét cân nhắc để hỗ trợ cơ chế cấp phép, triển khai xây dựng..., cho dự án đó, trên từng đặc thù dự án, sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được triển vọng tái cấu trúc nợ tốt hơn hoặc mua bán sang tay khoản nợ tốt hơn. “Chính sách khuyến mãi nôm na “bia kèm lạc” như thế này sẽ rất hữu ích”, Thạc sĩ Hoàn khẳng định.

Mở rộng ra, cơ chế chính sách này có lẽ cũng nên được cân nhắc, xem xét cho từng giai đoạn và danh mục tài sản cụ thể, và thậm chí là tạo tiền lệ người mua bắc cầu từ các ngân hàng – những chủ thể bán nợ xấu cho VAMC thời gian qua – tới những ngân hàng đang có mong muốn mua bán nợ xấu và có năng lực kết nối với các nhà đầu tư quốc tế. “ Ngân hàng trong nước cũng hoàn toàn tham gia thị trường mua nợ từ VAMC, bởi họ đang rất dồi dào thanh khoản. Tất cả đều là chuyện hoàn toàn có thể, tại sao không?”, ông Andy Hồ nhấn mạnh.

Thị trường quyết định

“Có khoảng 60-70% nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm mua nợ xấu của VN, ngoài vấn đề cơ chế thì hiện nay họ cũng còn băn khoăn là sẽ mua với giá bao nhiêu”, trao đổi với DĐDN, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng BIDV cho biết.

- Mặc dù đã quá chậm nhưng VAMC cũng đã mua được 49.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc chuẩn bị bán ra khoảng 1/6 khối nợ đó, một cách “từ tốn” như khi mua, liệu có thể nói là do VAMC hiện vẫn đang vướng một số vấn đề chưa xử lí được?

Theo tôi được biết VAMC đang vướng mắc hai vấn đề. Thứ nhất gom về rồi thì VAMC cũng đang chưa biết nên và được bán với giá nào, đồng thời là bán cho ai. Từ đó cho thấy Chính phủ, NHNN thực sự cần phải tạo ra cơ chế để mua bán nợ. Cơ chế sao cho có hiệu quả nhất. Ở Hàn Quốc và Malaysia trước đây đã xây dựng cơ chế đó và tiến hành hiệu quả, với giá bán có thể thấp hơn giá đã mua. Ngoài ra liên quan đến xử lí tài sản đảm bảo. Hiện nay Luật của VN không cho phép nước ngoài được sở hữu tài sản bất động sản ở VN.

- Do VAMC mua bán nợ bằng trái phiếu, nên có thể hy vọng mặc dù vốn điều lệ hẹp, song VAMC vẫn sẽ thừa sức để mua tiếp các khoản nợ xấu đang có trên thị trường, song song với nghiên cứu và triển khai quy trình bán nợ?

Tôi cho rằng VAMC phải nghiên cứu tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù VAMC áp dụng phương pháp mua nợ bằng trái phiếu, không cần dùng 2.000 tỷ đồng để mua nợ xấu nhưng khi vốn điều lệ của họ được tăng lên thì tiềm lực tài chính, độ tin cậy của họ với nhà đầu tư cũng tăng lên. Đặc biệt về lâu dài nếu Nhà nước muốn có một hình thức xử lí nợ xấu, chẳng hạn như chứng khoán hóa, thì niềm tin của nhà đầu tư đối với VAMC càng phải được tăng cường.

- Nhiều nhà đầu tư ngoại băn khoăn về giá mua nợ từ VAMC. Người mua tất nhiên muốn mua giá thấp theo giá thị trường và với mức giá VAMC đã mua 70% giá trị sổ sách các khoản nợ, nếu bán thấp hơn có khả năng VAMC sẽ chịu lỗ. Ai sẽ gánh lỗ này?

Trong chuyện liên quan đến xử lí nợ xấu, phải nhiều bên cùng chịu. Chính phủ, ngân hàng, người đi vay đều phải gánh chịu một phần như một cách chia sẻ tổn thất. Nếu không chấp nhận bán với giá thị trường thì sẽ rất khó bán, bởi giá trước đây chúng ta mua là theo giá sổ sách, chưa phản ánh hết được các khó khăn và yếu tố chất lượng của khoản nợ xấu đó. Kinh nghiệm của các nước đều phải chấp nhận bán chỉ ở mức giá 30-40% để xử lí nợ xấu.

- Đổi lại, nếu VAMC được mua theo giá thị trường và tổ chức tín dụng phải chấp nhận bán với giá trị trường, có khả năng sẽ giảm thiểu lỗ và tăng sức hấp dẫn của các khoản nợ xấu?

Thực tế VAMC khi ra đời cũng đã có hai phương án: Một là mua theo giá thị trường, hai là mua theo giá sổ sách. Nhưng tại thời điểm đó có lẽ chúng ta làm hơi chặt quá. Khi mua theo giá thị trường thì phải xin ý kiến Chính phủ, các thủ tục theo đó sẽ thực hiện rất lâu. Do đó quan điểm của tôi và cũng là một cách tháo gỡ là nên cho phép VAMC mua theo giá thị trường.

- Giá thị trường của nợ xấu thường được đánh giá dựa trên các yếu tố nào, thưa ông? Và thông lệ quốc giá thì nợ xấu được giá trị nợ xấu được mua ở mức cao nhất là bao nhiêu?

Tùy vào ba điều kiện: 1, Thủ tục pháp lí khoản nợ; 2, Chất lượng tài sản đảm bảo; 3, Dòng tiền còn lại của khoản nợ xấu. Thông thường chỉ được 30-50% giá trị.

- Liệu nợ xấu VN có khả năng đạt mức giá đó?

Với 30-40% chiết khấu giá, chắc chắn nợ xấu VN rất… hấp dẫn. Có khoảng 60-70% nhà đầu tư đang quan tâm mua nợ xấu của VN, vấn đề chỉ còn là giá bao nhiêu. Nếu chúng ta bán với giá 70% - mức giá mà VAMC trước đây đã mua và nay đang chào, thì mức giá đó đối với họ không hấp dẫn, thậm chí tương đối cao, vì họ biết rằng chất lượng các tài sản không phải là hoàn toàn tốt.

- Việc bán khoản nợ qua một quỹ có tạo điều kiện các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp được tái cơ cấu tài sản nợ đã mua, theo ông?

Theo tôi cần linh hoạt. Có những khoản nợ đã mua trực tiếp, không liên quan nhiều đến tài sản bất động sản tại VN thì nhà đầu tư nước ngoài có thể trực tiếp tái cơ cấu, còn nếu là tài sản bất động sản tại VN thì có thể thông qua một quỹ để quỹ thay mặt nhà đầu tư nước ngoài quản lí quỹ đó tại VN. Khi luật pháp chưa cho phép thì thông qua bên thứ ba là hợp lí. Đó cũng là kinh nghiệm Hàn Quốc đã làm tương tự cách đây khoảng 15 năm.

- Vì sao VAMC không thực hiện đấu giá? Và điều đó có đảm bảo minh bạch, thưa ông?

Đây mới là bước thí điểm, nên là quá trình thuận mua vừa bán trước tiên. Về lâu về dài thì sẽ bán đấu giá. Ổn rồi, mới bắt đầu triển khai rộng rãi.

Nếu không chấp nhận bán với giá thị trường thì sẽ rất khó bán, bởi giá trước đây chúng ta mua là theo giá sổ sách, chưa phản ánh hết được các khó khăn và yếu tố chất lượng của khoản nợ xấu đó.

Với nhà đầu tư nước ngoài, không minh bạch họ sẽ không mua. Thứ hai, giá bán cũng được công khai vì nhà đầu tư nước ngoài cũng phải công khai với cổ đông của mình, thậm chí họ cũng phải bán lại cho nhà đầu tư khác.

- Liên quan đến vấn đề giá và định giá, ông có cho rằng hợp tác với một vài đơn vị trung gian là đủ?

Để tiếp cận một tài sản đảm bảo, nhà đầu tư cần thời gian thẩm định. Chúng tôi đang khuyến nghị thành lập tổ chức định giá độc lập, định giá tài sản đảm bảo, tạo chuẩn về giá cho nhà đầu tư nước ngoài tham khảo. Đơn vị này tất nhiên cần có những đại diện chuyên nghiệp, đáng tin cậy, đó có thể là những tổ chức, các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Điều đó vừa tạo niềm tin, đưa ra cách làm bài bản, tránh những thất bại không cần thiết, đồng thời cũng tạo áp lực thay đổi. Trên cơ sở định giá, họ có thể tư vấn cho Chính phủ chấp nhận bán nợ xấu ở một mức giá thấp hơn giá mua, nhưng tư vấn đó là khách quan thì dễ thuyết phục thay đổi.

- Xin cảm ơn TS!


Lê Mỹ

dđdn

Các tin tức khác

>   Đề xuất nới biên độ, để tỷ giá lên xuống nhiều lần trong năm (26/06/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán đôla (25/06/2014)

>   5 tháng đầu năm, PVcomBank lãi 31,6 tỉ đồng (25/06/2014)

>   Dự án qua đi, khách hàng ở lại với ngân hàng (25/06/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu mới bình ổn tỷ giá (25/06/2014)

>   Giảm kỳ vọng lợi nhuận từ găm giữ USD (25/06/2014)

>   TPHCM: Cho vay vốn vẫn rất chật vật (24/06/2014)

>   Tỷ giá USD/VND sẽ có tín hiệu mới? (24/06/2014)

>   Giá USD nhích dần lên (24/06/2014)

>   Chủ tịch ngân hàng thế hệ 6x: Ông chủ các Tập đoàn lớn! (24/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật