Mua bán nợ với nước ngoài: Coi như đóng lại?
Với việc Quốc hội thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) và loại bỏ một số quy định dự kiến bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản, thị trường mua bán nợ với nhà đầu tư nước ngoài vốn đã khó, nay lại càng không có lối thoát.
Nợ xấu ở VN chủ yếu liên quan tới bất động sản; nhưng luật (sửa đổi) không cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất nên họ không thể mua lại các khoản nợ xấu này như thông lệ quốc tế.
|
Tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho báo giới hay là VAMC đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế có nhu cầu mua bán nợ tại Việt Nam và đã ký kết hợp đồng với hai công ty Cushman Wakefield và Alvarez & Marsal để khảo sát thị trường mua bán nợ. VAMC thậm chí đã lên danh mục 10 tài sản đảm bảo với tổng giá trị là 7.800 tỉ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, khu công nghiệp... tại TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để nhà đầu tư ngoại tham khảo và lựa chọn.
Đến nay, VAMC đã mua 47.401 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhưng chỉ mới xử lý được 8.712 tỉ đồng, tức là nợ mua về hơn một năm mới xử lý được 18,37%. Đặt trong mục tiêu năm nay, VAMC phải xử lý được 2.500 tỉ tiền nợ và tiếp tục mua hàng chục ngàn tỉ nữa, thị trường mua bán nợ phải có dòng chảy thì hoạt động của VAMC mới không bị ngừng trệ. Nếu chỉ mua vào mà không bán ra, hoặc bán ra ít với quy mô nhỏ, tại thị trường trong nước như hiện nay sẽ không thể giải quyết cục nợ xấu vẫn tiếp tục phình to.
Cho dù hàng đã có sẵn, chủ trương mua bán nợ xấu với khối ngoại được chào đón, nhưng với việc Quốc hội thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) và sửa lại những quy định với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia kinh doanh bất động sản tại thị trường Việt Nam, thị trường mua bán nợ với khối ngoại coi như vẫn đóng chặt như trước.
Thứ nhất là Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ, theo đó các chủ nợ (từ chủ nợ nhỏ nhất đến chủ nợ lớn nhất) đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều này gây khó khăn gì cho thị trường mua bán nợ? Nó cho thấy, khi các chủ nợ họp lại với nhau để quyết định “số phận” con nợ thì không chủ nợ nào có quyền quyết định áp đặt hay chi phối mà phải đạt được sự đồng thuận hoàn toàn mới có thể tiến hành các biện pháp tái cơ cấu nợ, mua bán nợ. Ví dụ, 85% số chủ nợ đã đồng ý tái cơ cấu nợ, bán nợ của họ cho người mua mới, bất kể là nhà đầu tư nội hay ngoại để cứu sống doanh nghiệp mà 1% số chủ nợ không đồng ý tái cơ cấu, vẫn yêu cầu thực hiện việc phá sản thì doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục phá sản. Việc mua bán nợ coi như bị tắc.
Trên thực tế đã xảy ra chuyện này. Theo một chuyên gia mua bán nợ, năm 2008, một quỹ đầu tư của Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch mua lại nợ xấu của một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Nếu thành công, họ sẽ lên kế hoạch tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Tiếc rằng, khi họp hội nghị chủ nợ, chỉ vài chủ nợ nhỏ không chấp thuận chuyện tái cơ cấu, không ký vào thỏa thuận tái cơ cấu nợ nên doanh nghiệp vẫn phải mở thủ tục phá sản. Từ năm 2008 tới nay, doanh nghiệp này cũng chưa phá sản xong do vướng mắc nhiều quy định và cơ hội bán lại nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn.
Thứ hai là nợ xấu của Việt Nam chủ yếu là nợ xấu liên quan bất động sản. Phải khơi thông được các quy định ở lĩnh vực này thì nhà đầu tư ngoại mới có thể vào. Họ trông chờ Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ mở rộng quyền tham gia thị trường nhưng dự kiến đó đã bị rút lại. Tại dự thảo sửa đổi luật này, Bộ Xây dựng và Chính phủ dự định cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất từ chủ đầu tư các dự án bất động sản xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê và cho thuê mua. Song, khi đưa ra thẩm định, quy định trên lại không phù hợp với Luật Đất đai vì theo luật này, tổ chức, cá nhân người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn Việt kiều chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất...
Muốn tham gia thị trường bất động sản, nhà đầu tư ngoại chỉ có cách liên doanh với doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam để các tổ chức, cá nhân người Việt đứng ra mua lại các khoản nợ đó mới được.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại muốn tham gia thị trường mua bán nợ cũng phải chịu những quy định của Luật Quản lý ngoại hối, với điều kiện quản lý rất chặt ngoại tệ vào - ra. Nếu nhà đầu tư ngoại chuyển tiền vào để tham gia liên doanh mua nợ nhưng vì lý do nào đó mà không giải ngân được toàn bộ số tiền thì việc chuyển phần tiền còn lại về nước cũng không đơn giản chút nào. Đồng vốn bị ách lại cũng khiến nhà đầu tư ngoại phải e ngại rất nhiều trước khi ra quyết định.
Ngọc Lan
TBKTSG
|