Thứ Bảy, 28/06/2014 15:31

Tỷ giá - cần cái nhìn đa chiều

Cuối cùng thì tiền đồng cũng đã “bất ngờ” bị phá giá nhẹ (hay tỷ giá được điều chỉnh).

Trước đó cho đến tận tuần mới đây, chưa nói gì đến ý kiến phản đối việc phá giá của nhiều chuyên gia, ngay chính các quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nhiều lần tuyên bố một cách rất thống nhất rằng hoàn toàn không hoặc chưa thấy có lý do gì để phá giá vì “cung cầu ngoại tệ hết sức dồi dào”, không có gì biến động bất thường, vì tài khoản thanh toán đang thặng dư lớn, vì quỹ dự trữ ngoại hối đã và đang tăng mạnh, vì những áp lực phá giá nếu có chỉ là do tin đồn, do đầu cơ trục lợi...

Trên hết, họ cực lực phản đối ý kiến của một số ít người kiến nghị phá giá để kích thích xuất khẩu vì tỷ giá đã bất động quá lâu trong khi chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ lớn dẫn đến tiền đồng bị lên giá thực ở mức lớn, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, tăng nhập siêu.

Lưu ý rằng thực tế tiền đồng lên giá thực so với đô la Mỹ cũng chính là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi tháng 9-2013 tại New York, khi ông cho biết Chính phủ có kế hoạch “hạ giá đồng Việt Nam tối đa 2% vào cuối năm (2013)”.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia và quan chức NHNN, phá giá không làm tăng xuất khẩu, mà, ngược lại, thậm chí làm tăng nhập siêu vì hàm lượng đầu vào nhập khẩu của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có tỷ trọng cao. Họ còn cho rằng phá giá sẽ làm cho lạm phát tăng lên. Hơn nữa, phá giá làm cho lòng tin vào tiền đồng suy giảm, gây bất ổn định vĩ mô.

Và rồi điều gì phải đến đã đến. Phá giá đã phải diễn ra như đã thấy. Điều đáng nói là lý do để phá giá lần này được chính NHNN đưa ra là để “hỗ trợ xuất khẩu”, điều mà mới đó chính họ còn ra sức bác bỏ. Chưa hết, để trấn an dư luận về lo ngại phá giá làm tăng lạm phát, điều mà chính họ cảnh báo trước đây, NHNN tuyên bố rằng phá giá không làm tăng lạm phát.

Còn riêng về chuyện lòng tin vào tiền đồng, NHNN dường như vớt vát rằng đợt phá giá này là nằm trong kế hoạch để cho tỷ giá biến động không quá 1-2% trong năm nay. Nhưng e rằng hành động phá giá diễn ra không lâu ngay sau những lời tuyên bố mạnh mẽ không phá giá của NHNN (vì “không có lý do gì để phá giá”) mới chính là cái làm sứt mẻ lòng tin của công chúng vào lập trường chính sách của NHNN nói chung, vào tiền đồng nói riêng.

Minh chứng là đã có nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng bày tỏ sự ngạc nhiên, bất ngờ với đợt phá giá lần này khi họ từng bị thuyết phục bởi những biện hộ cứng rắn của NHNN cho việc không điều chỉnh tỷ giá trước đó.

Việc quyết định có phá giá hay không không chỉ dựa vào quan hệ cung cầu ngoại tệ có thiếu hụt, căng thẳng hay không, mà còn phải dựa vào những yếu tố khác, trong đó có việc tiền đồng có lên giá thực (ở mức lớn) so với đô la Mỹ làm ảnh hưởng bất lợi đến cán cân thương mại hay không.

Những diễn biến trên cho thấy đã có sự biến chuyển theo hướng tích cực trong nhận thức về tỷ giá của NHNN. Và dư luận dường như cũng đã có sự biến chuyển tương tự khi không còn nghe thấy mấy lời phàn nàn, phê phán chuyện phá giá của NHNN từ giới chuyên gia nữa, mà thay vào đó là sự tán đồng.

Nhận thức này, cụ thể là việc quyết định có phá giá hay không không chỉ dựa vào quan hệ cung cầu ngoại tệ có thiếu hụt, căng thẳng hay không, mà còn phải dựa vào những yếu tố khác, trong đó có việc tiền đồng có lên giá thực (ở mức lớn) so với đô la Mỹ làm ảnh hưởng bất lợi đến cán cân thương mại hay không.

Cũng từ nhận thức thống nhất nói trên, mọi giải thích và lập luận liên quan đến tỷ giá phải xuất phát từ góc nhìn đa chiều bao hàm các yếu tố về quan hệ cung cầu ngoại tệ, về tương quan lạm phát trong và ngoài nước, về sức ép của tỷ giá lên thâm hụt thương mại, về cơ sở để gây dựng và củng cố lòng tin vào tiền đồng... Chỉ có như vậy thì chính sách về tỷ giá của NHNN mới có tính thực tiễn và sức sống lâu dài hơn trong nền kinh tế.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng MB bị lừa hàng chục tỷ đồng vì cho vay thế chấp thẻ cào (27/06/2014)

>   Tăng thanh khoản cho tài sản thế chấp (27/06/2014)

>   Sacombank dành 74.4 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại Gò Vấp TPHCM (27/06/2014)

>   Xử lý sở hữu chéo: Vướng mặc cả, vướng tư duy nhiệm kỳ (27/06/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước chọn dẫn dắt hay chạy theo thị trường? (27/06/2014)

>   NamABank ký kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (26/06/2014)

>   “Bom nổ chậm” ở tín dụng ngoại tệ (26/06/2014)

>   Điều chỉnh tỷ giá: Nhiều doanh nghiệp được lợi (26/06/2014)

>   Mua nợ xấu: Khối ngoại e dè vì luật chưa rõ (26/06/2014)

>   Đề xuất nới biên độ, để tỷ giá lên xuống nhiều lần trong năm (26/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật