Thứ Tư, 04/06/2014 10:38

HSBC: Vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam

Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất cho vay trên thị trường mở ở mức 5% đến cuối năm

Theo HSBC, đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là khi khối đầu tư công và tư trong nước đang giảm. Điều này phần nào phản ánh quá trình cải cách đang diễn ra khi Chính phủ cố gắng giảm thiểu sự kém hiệu quả của đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh.

Khối doanh nghiệp tư nhân cũng đang trong quá trình thoái nợ khiến cho nhu cầu đầu tư cũng yếu hơn. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng.

Số vốn FDI vào Việt Nam khá lớn so với GDP, tỷ lệ đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn FDI đang có ở Việt Nam, đa phần đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan. Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ.

Vì thế HSBC chỉ ra rằng, tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế nhưng với một số ngành như dịch vụ du lịch thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Du khách đến từ Trung Quốc hiện đang chậm lại nhưng được dự đoán lượng du khách này sẽ trở lại con số bình thường trong những tháng tới. Cụ thể, tính từ đầu năm, tổng số khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam tăng 26%. HSBC dự đoán con số này sẽ giảm trong tháng 6 nhưng sẽ trở lại bình thường trong tháng 7.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam. Trong khi chưa thể đánh giá đầy đủ về sự tác động dài hạn, nhiều khả năng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như đáp ứng được yêu cầu của hiệp ước TPP.

Theo HSBC, ở một chừng mực nào đó, Việt Nam đang ở ngã tư đường. Xuất khẩu của Việt Nam đang dần chiếm thị phần trên thị trường quốc tế nhờ vào các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế thông qua các hiệp ước như hiệp ước Giao thương tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương (TPP) và cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, giảm sự thiếu hụt lao động lành nghề và tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng và liên kết với các công ty nước ngoài.

Mối lo ngại bây giờ là liệu vốn đầu tư mới có tiếp tục đổ vào Việt Nam khi cả khối đầu tư công và tư nhân đang giảm, đầu tư nước ngoài rất quan trọng cho việc tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đầu tư. Chỉ có một số ít quốc gia có thể phát triển kinh tế chỉ dựa trên đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư trong nước trong thời gian tới cần phải hiệu quả hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào FDI, HSBC lưu ý.

Việt Nam – Trung Quốc: Mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1

Về mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam, HSBC cho rằng chỉ đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. Tuy nhiên hàng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn.

Xuất khẩu từ Việt Nam qua Trung Quốc, vốn chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012. Các nguyên vật liệu thô như cao su, dầu thô, than đá và trái cây là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Là một đối tác xuất khẩu quan trọng, mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc mạnh hơn ở chiều nhập khẩu bởi nhiều nguyên vật liệu sản xuất của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc.

Nguyên nhân là do Việt Nam sử dụng nhân công giá rẻ và đất đai màu mỡ là yếu tố cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các nhà lập pháp Việt Nam quan ngại về tỷ lệ ít nguyên liệu nội địa dùng cho sản xuất nhưng họ chỉ mới áp dụng vài biện pháp cứng rắn để khắc phục điều này. Sự kiện gần đây cho thấy nhiều khả năng sẽ tác động đẩy nhanh tiến trình cải cách chính sách để gia tăng nội lực trong việc liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, HSBC nhận định.

Ngoài ra, ngành Dệt may và May mặc đặt chỉ tiêu đạt mức nội địa hóa 60% vào năm 2015. HSBC cho biết nỗ lực này là cần thiết cho Việt Nam trong việc giảm sự phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu đầu vào đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TPP, đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa cao hơn cho các mặt hàng xuất khẩu.

Cuối cùng, HSBC kết luận, điểm sáng trong tình hình này có lẽ là Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế. Rõ ràng trái banh đang nằm trên sân của Chính phủ. Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ lực cầu trong nước. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến tháng 5 chỉ mới ở mức 1.3%. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ lãi suất cho vay trên thị trường mở ở mức 5% đến cuối năm. Tuy nhiên vấn đề của Việt Nam không phải ở lãi suất mà là ở cơ cấu của nền kinh tế.

Sanh Tín

Công Lý

Các tin tức khác

>   Coi cái giá phải trả trước mắt là chi phí đầu tư cho lâu dài (04/06/2014)

>   Công ty Ấn Độ tiếp tục thăm dò dầu khí trên biển Đông (04/06/2014)

>   Nhiều người Việt Nam thích cho thuê tài sản lẫn nhau (04/06/2014)

>   Kiến nghị lùi thực hiện nghị định về cá tra (04/06/2014)

>   Xuất khẩu dệt may đạt hơn 7,4 tỉ USD (04/06/2014)

>   Tập đoàn của Hàn Quốc xây nhà máy sợi đầu tiên ở Việt Nam (04/06/2014)

>   Không có chuyện Nhật dừng dự án ODA với Việt Nam (03/06/2014)

>   Xuất khẩu nông, thủy sản đang chững lại (03/06/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản tăng, VASEP vẫn "than" khó với liên bộ (03/06/2014)

>   Dự án bauxite “có thể sẽ không cần chuyên gia nước ngoài” (03/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật