Thứ Sáu, 20/06/2014 19:16

Điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, ngày 14/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Nghị định 42) thay thế Nghị định số 110.

Luật Cạnh tranh, Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Nghị định 110) và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan tới quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã tạo nên khung pháp lý để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động bán hàng đa cấp và cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng tiến hành quản lý, kiểm tra và xử lý các hoạt động bán hàng đa cấp trái pháp luật, nhằm đưa hoạt động bán hàng đa cấp đi vào nề nếp, phát triển đúng pháp luật.

Trong thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp đã có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt đã thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, thậm chí lừa đảo gây hậu quả, tác động xấu tới nhiều mặt của xã hội. Điển hình là các vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp như Golden Rock năm 2006, Colony Invest năm 2007, Diamon Holiday năm 2011, MB24 năm 2012 đã thông qua việc cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính, đẩy nhiều người tham gia vào trình trạng vỡ nợ, trắng tay vì mất tiền...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc nêu trên (như quảng cáo, thổi phồng mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời rất cao, lợi dụng tính hám lợi của người dân...), trong đó có nguyên nhân do khung pháp lý về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam còn tồn tại“khoảng trống'' rất lớn. Cụ thể, các quy định của Luật Cạnh tranh, Nghị định 110 chỉ áp dụng đối với các hoạt động bán hàng hóa theo phương thức đa cấp mà không điều chỉnh đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp. Vì vậy, các doanh nghiệp khi tổ chức kinh doanh cung ứng dịch vụ đa cấp như bán gói du lịch, bán gian hàng điện tử, sim thẻ điện thoại hay huy động tài chính theo phương thức đa cấp... đã không phải thực hiện việc xin cấp Giấy phép đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do pháp luật không điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ đa cấp. Cùng với đó là một loạt các quy định liên quan đến hoạt động cung ứng bán hàng đa cấp đều chưa có chế tài cụ thể như quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ đa cấp hay việc xử lý đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ đa cấp...

Để khắc phục bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp nói chung và cung ứng dịch vụ đa cấp nói riêng, ngày 14/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Nghị định 42) thay thế Nghị định số 110. Nghị định 42 có hiệu lực từ ngày 25/6/2014. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số điểm mới về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo Nghị định 42.

Về phạm vi điều chỉnh

Điểm mới nổi bật của Nghị định 42 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả việc cung ứng dịch vụ theo phương thức kinh doanh đa cấp. Theo Nghị định 42, việc cung ứng mọi loại hình dịch vụ theo phương thức kinh doanh đa cấp không được phép thực hiện, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Theo Bộ Công thương, quy định này là cần thiết xuất phát từ các nguyên nhân sau: (i) Hậu quả của hoạt động cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp trong thời gian vừa qua là rất lớn, gây thiệt hại về tài chính cho rất nhiều người tham gia; (ii) Đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ là sản phẩm dịch vụ không xuất hiện trong giao dịch giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ nên mô hình kinh doanh này có nhiều điểm tương đồng với mô hình kinh tự tháp các sản phẩm dịch vụ không được chấp nhận trong các giao dịch của mạng lưới bán hàng đa cấp (một mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo). Do đó, Nghị định 42 chỉ cho phép đăng ký kinh doanh đa cấp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trong trường hợp đã có pháp luật điều chỉnh toàn diện đối với hoạt động cung ứng dịch vụ như kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Về vốn pháp định và tăng số tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Nghị định 42 đã dành riêng một điều quy định về vốn pháp định áp dụng với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh phải xem xét yêu cầu về vốn pháp định trước khi cấp hoặc thay đổi giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp để phù hợp với các quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, vốn pháp định của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản ký quỹ tại ngân hàng của doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng được quy định là 5 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với mức 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. Nghị định 42 cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc ký quỹ, sử dụng tiền ký quỹ và rút tiền ký quỹ.

Quy định mới này đã tạo ra cơ chế sàng lọc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời gian vừa qua nhằm đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải là những doanh nghiệp có khả năng tài chính, có đủ tiềm năng kinh doanh, từ đó tạo điều kiện doanh nghiệp làm ăn chân chính, không chạy theo đồng tiền để thực hiện hoạt động kinh doanh đa cấp không đúng bản chất, làm hại đến quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp và người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng dây chuyền đến toàn xã hội.

Về cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được Nghị định 42 giao cho Bộ Công thương thay vì các Sở Công thương theo quy định trước đây. Việc quy định như vậy sẽ tạo sự tập trung, thống nhất và đồng bộ trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, các quy định về trách nhiệm thông báo hoạt động liên quan tới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp bán hàng đa cấp cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương được điều chỉnh cho phù hợp với việc thay đổi cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định 42. Đồng thời, Nghị định 42 có quy định cụ thể cơ chế quản lý doanh nghiệp bán hàng đa cấp thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát.

Bên cạnh đó, Nghị định số 42 bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp lần đầu có thời hạn hiệu lực 05 năm, có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 05 năm.

Về tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Nghị định số 42 sửa đổi và bổ sung một số quy định về tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp rồi không hoạt động để chờ bán lại giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tạm ngừng hoạt động trong thời gian không quá 12 tháng. Quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoài ra, khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

Nghị định 42 cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong các trường hợp: (i) khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi hoặc hết hiệu lực; (ii) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối; (iii) Doanh nghiệp bị xử phạt về một số hành vi vi phạm; (iv) Doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; (v) Tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp quá 12 tháng liên tục...

Về tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, đào tạo giới thiệu về sản phẩm, cơ hội kinh doanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do các hoạt động này liên quan tới nhiều người có thể sẽ tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp nên cần phải có cơ chế quản lý, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy trình, tuyên truyền đúng với nội dung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó, Nghị định 42 sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi. Theo đó, khi tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa bán hàng đa cấp, giới thiệu cơ hội kinh doanh và kỹ năng kinh doanh ở bên ngoài trụ sở, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo cho Sở Công thương nơi tổ chức các hoạt động đó để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, Nghị định 42 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong việc tổ chức các khóa đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp sau khi ký hợp đồng. Người tham gia bán hàng đa cấp không phải trả phí cho các hoạt động đào tạo này, ngoại trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp

Bên cạnh những quy định cấm tại Điều 48 Luật Cạnh tranh, Nghị định số 42 đã sửa đổi và bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp cho phù hợp với sự phát triển của thị trường và yêu cầu về quản lý nhà nước. Cụ thể, các hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: (i) không cho phép kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ trừ trường hợp pháp luật cho phép; (ii) không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; (iii) doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; (iv) doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp; (v) doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được ký nhiều hợp đồng với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp để tránh tác động tiêu cực của mô hình nhị phân; (vi) không được mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới trừ các trường hợp tập trung kinh tế và cấm doanh nghiệp xúi giục hoặc tiếp tay cho người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi bị cấm...

Ngoài ra, người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp./.

sbv

Các tin tức khác

>   TP.HCM sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức trên 9,5% (20/06/2014)

>   Xuất khẩu tôm sang Nhật: Việt Nam dẫn đầu (20/06/2014)

>   Việt Nam xuất khẩu 200.000 tấn gạo cho Malaysia (20/06/2014)

>   Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tổ chức kiểm toán Vinalines (20/06/2014)

>   Từ 21/6 giá sữa bột cho trẻ em 0-6 tuổi nằm trong tầm kiểm soát (20/06/2014)

>   Samsung tính tăng vốn 1 tỷ USD, Bắc Ninh đã “bật đèn xanh” (20/06/2014)

>   Thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam sẽ tạo 50.000 việc làm cho Mỹ (20/06/2014)

>   Chưa thể thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng Nam Bộ (20/06/2014)

>   “Đói” thông tin (19/06/2014)

>   Niềm tin kinh doanh vẫn còn mong manh (19/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật