Chưa thể thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng Nam Bộ
Trong khi doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (TDPS) truyền hình số mặt đất khu vực Bắc Bộ đang gấp rút hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép để đi vào hoạt động thì tại khu vực Nam Bộ, hai đài Truyền hình TP.HCM và Đài PTTH Vĩnh Long vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung với nhau.
Miền Bắc: Đúng tiến độ
Cục trưởng Cục Tần số (Bộ TT&TT) Đoàn Quang Hoan cho biết, tại thời điểm này, Đài PTTH Hà Nội và Đài PTTH Hải Phòng đã gửi công văn báo cáo việc hai đài này sẽ cùng với ba đối tác nữa là Hanel, Công ty cổ phần dịch vụ truyền thanh - truyền hình Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển truyền hình Hà Nội thành lập nên Công ty TDPS truyền hình đồng bằng Sông Hồng. Hiện các bên đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thành lập và đề án cũng đã được trình lên Bộ TT&TT.
Sau khi được cấp phép, doanh nghiệp sẽ triển khai phát sóng các kênh quảng bá cho 14 đài PTTH thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ theo đúng lộ trình đã đề ra của Đề án số hóa truyền hình.
Đại diện Công ty Sông Hồng cũng khẳng định, nếu được cấp phép, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua sắm trang thiết bị để có thể phát sóng truyền hình số mặt đất ngay trong năm 2014, chậm nhất là đầu năm 2015. Trung tâm phát sóng sẽ đặt tại Mễ Trì (Hà Nội), gồm một cột ăngten cao 25m do Đài PTTH Hà Nội chuyển giao. Mạng truyền dẫn từ các đài truyền hình địa phương về Hà Nội "cũng đã sẵn sàng, không còn vướng mắc gì", vị này cho biết. Đến đầu năm 2016, Công ty Sông Hồng sẽ tiếp tục triển khai phát sóng tại Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ninh...và tiến hành nâng cấp Trung tâm phát sóng tại Hà Nội để có thể đáp ứng nhu cầu của giai đoạn 2 Đề án Số hóa truyền hình. Đáng chú ý, Công ty Sông Hồng sẽ thành lập một trung tâm thứ yếu tại địa bàn Hải Phòng để dự phòng, backup cho Trung tâm Hà Nội.
Tuy vậy, theo ông Hoan, do quy định phải ngừng phát sóng truyền hình analog mặt đất tại 5 Thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31/12/2015 nên các doanh nghiệp TDPS khu vực cần phải phát sóng trước 1 năm để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Chính vì thế, Cục Tần Số kiến nghị Bộ TT&TT xem xét, phê duyệt hồ sơ xin cấp phép của Công ty Sông Hồng trong tháng 6/2014 để Công ty này có thể kịp triển khai phủ sóng đúng theo thời hạn quy định.
Miền Nam: Vẫn loay hoay
Theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng phê duyệt, ngoài 3 doanh nghiệp TDPS Trung ương là VTV, VTC và AVG, hai khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ sẽ thành lập riêng 2 doanh nghiệp TDPS khu vực. Mục đích là để tận dụng hệ thống mạng lưới địa phương, tránh lãng phí, đầu tư chồng chéo trong quá trình triển khai.
Tuy nhiên, trong khi tình hình ở khu vực Bắc Bộ diễn ra tương đối suôn sẻ thì tại khu vực Nam Bộ, mặc dù Bộ TT&TT đã nhiều lần làm việc với hai đài TP.HCM và Vĩnh Long để tháo gỡ các vướng mắc, nhưng cho tới thời điểm này, quan điểm của hai đài vẫn còn rất khác nhau. Thậm chí, ông Hoan còn lo ngại rằng "rất khó có khả năng thành lập được doanh nghiệp chung giữa hai đơn vị này".
Vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ Đài Truyền hình TP.HCM đề nghị được là đơn vị chủ trì xin cấp phép thiết lập mạng, trong khi Đài PTTH Vĩnh Long đề nghị được đồng đứng tên trong giấy phép, hoặc đề nghị Bộ cấp 2 giấy phép thiết lập mạng TDPS cho 2 đơn vị. Tất cả những yêu cầu này, theo Cục Tần số, đều không phù hợp với Chủ trương của Đề án Số hóa nên không thể phê duyệt.
Tuy nhiên, để không bị quá chậm tiến độ so với khu vực Bắc Bộ, Cục Tần số cho biết sẽ cố gắng tiếp tục vận động để 2 Đài hợp tác thành lập doanh nghiệp TDPS chung. Dù vậy, hạn chót để thành lập doanh nghiệp và hoàn thành hồ sơ xin cấp phép sẽ là ngày 30/9/2014. Quá thời hạn này, nếu hai đơn vị vẫn không ngồi lại được với nhau, Bộ sẽ tiến hành cấp giấy phép cho một doanh nghiệp khác thông qua hình thức thi tuyển. Nhược điểm của phương án hai là thời gian thi tuyển dài, quy trình phức tạp, có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai số hóa giai đoạn 1.
Trong thời gian chờ thi tuyển, Bộ TT&TT sẽ tạm thời giao VTV truyền tải các kênh chương trình truyền hình quảng bá đang được phát trên sóng của TP.HCM, Cần Thơ.
Đồng tình với cách giải quyết này, đại diện Cục Phát thanh - Truyền Hình thậm chí còn tỏ ra kiên quyết hơn khi đề xuất, nếu thi tuyển quá phức tạp thì Bộ có thể giao luôn cho doanh nghiệp TDPS Trung ương để rút ngắn thời gian, thay vì chỉ giao VTV "trám sóng" tạm thời như đề xuất ở trên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định rằng, thị trường phía Nam phát triển rất mạnh nên chắc chắn về lâu dài, các Đài đều muốn tham gia Đề án số hóa và việc không tìm được tiếng nói chung lúc này chỉ là tạm thời. Tuy phía VTV có nguyện vọng được "phát sóng lâu dài" nhưng quan điểm của Thứ trưởng Thắng vẫn là chỉ "trám sóng tạm thời", không đòi hỏi nhà đài phải đầu tư máy móc, trang thiết bị để làm dài hơi.
T.C
vietnamnet
|