Dệt may tham gia TPP: Không ai đầu tư vào hầm lò nếu còn than lộ thiên
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu chấp nhận “quy tắc xuất xứ lỏng” thì Việt Nam vẫn chỉ làm gia công, không bao giờ nghĩ đến việc đầu tư thêm để nâng cao giá trị gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dệt may là một trong những lợi ích cốt lõi của Việt Nam khi tham gia Hiệp đinh kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Mỹ là thị trường lớn đối với dệt may Việt Nam. Do vậy, đoàn đàm phán Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Trước mắt, với những quy định khắt khe của Mỹ và một số nước, hai bên vẫn đang đưa ra bàn luận để tìm tiếng nói chung.
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vải, mặc dù vải Việt Nam có thể sản xuất được nhưng chất lượng không đáp ứng được xuất khẩu. Với thực tế này, sau nhiều vòng đám phán, Mỹ đưa ra sáng kiến “nguồn cung thiếu hụt”, tức là có thể cho Việt Nam nhập khẩu vải từ đối tác thứ ba nhưng dựa trên những danh mục sản phẩm theo chuẩn phía họ cung cấp vào thị trường Việt Nam, xem đó là loại vải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.
Phương án này này có thể tạo ra “nguyên tắc xuất xứ lỏng” - Việt Nam chỉ cần nhập vải về và cắt may rồi được hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lo ngại rằng, chính điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở việc làm gia công mà không có động lực để đầu từ mạnh mẽ vào dệt may. “Nếu chấp nhận “quy tắc xuất xứ lỏng” thì Việt Nam vẫn chỉ làm gia công, không bao giờ nghĩ đến việc đầu tư thêm để nâng cao giá trị gia tăng”, Thứ trưởng khẳng định.
Thêm vào đó, dệt may là ngành thu hút lực lượng lao động đông đảo và nhân công rẻ, nếu cứ mãi chỉ làm gia công thì dệt may Việt Nam sẽ dần dần chịu sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực, cụ thể là Myanmar.
Vì vậy, để phát triển toàn diện ngành dệt may, không còn cách nào khác là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, chủ động về nguồn nguyên liệu sợi, nhuộm; đầu tư cơ sở sản xuất, tránh sản xuất kiểu “mì ăn liền”.
Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” mới nghe qua có vẻ rất khắt khe nhưng để được hưởng ưu đãi thì chúng ta phải đầu tư. “Không người nào đầu tư và hầm lò nếu còn than lộ thiên và không ai sẽ đầu tư vào dệt, sợi, vải để nâng cao giá trị gia tăng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nếu còn “nguyên tắc xuất xứ lỏng””, vị lãnh đạo Bộ Công Thương ví von.
Trên thực tế, việc đầu tư vào dệt, nhuộm gặp khó khăn bởi cần vốn đầu tư lớn đồng thời các địa phương gần như không ủng hộ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vẫn lạc quan khi cho rằng dệt, nhuộm vốn đầu tư đắt nhưng không phải chúng ta không có tiền. “Tôi tin rằng khi doanh nghiệp đã nhìn thấy đầu ra họ sẽ sẵn sàng đầu tư”, ông Khánh nói.
Việc ô nhiễm môi trường đối với các dự án dệt, nhuộm trước đây là do chúng ta chưa thực hiên quy chuẩn trong việc xử lý môi trường. Khi thực hiện quy định nghiêm ngặt về xử lý môi trường vẫn có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm.
Phan Thu
hải quan
|