Thứ Năm, 05/06/2014 16:21

Họp báo quốc tế về biển Đông

Công bố trước quốc tế chứng cứ tàu Trung Quốc hung hãn

Trực tiếp: Tại buổi họp báo quốc tế chiều 5-6, Hãng tin Kyodo (Nhật) hỏi: Nhóm G7 vừa tuyên bố phản đối đòi chủ quyền bằng vũ lực. Phản ứng của VN? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình trả lời: Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của nhóm G7...

Sau phần cung cấp thông tin, ông Lê Hải Bình tuyên bố bắt đầu phần hỏi đáp cụ thể. Dưới đây là nội dung cuộc hỏi đáp:

Phóng viên nước ngoài trao đổi với nhau trước khi buổi họp báo quốc tế diễn ra

Các phóng viên đã bắt đầu đặt câu hỏi trong buổi họp báo. Báo Tiền Phong: Xin nêu vị trí mới và lý giải tại sao Trung Quốc lại di chuyển giàn khoan nhiều đến vậy?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Việc Trung Quốc sau khi đã hạ đặt giàn khoan, ngày 27-5 đã di chuyển. Đây là giàn khoan nước sâu, độ sâu khu vực Trung Quốc đặt rất sâu khoảng 1000m. Mục đích khi di chuyển đến vị trí mới, đến nay vị trí này đã ổn định.

- Ông Lê Hải Bình: Dù di chuyển thế nào, giàn khoan vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

* Báo Đại đoàn kết: Liên tiếp diễn ra việc tàu Trung Quốc đâm va, gây thương tích cho tàu, cán bộ VN. Xin cho biết đánh giá của Cục Kiểm ngư?

- Ông Hà Lê: Xin khẳng định các tàu cá VN bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản, gây thương tích cho ngư dân đều là tàu đang khai thác trên các ngư trường truyền thống của VN. Điều này là vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. Điều này đe dọa tài sản, tính mạng của ngư dân VN. Chúng tôi cực lực phản đối và đề nghị thế giới phản đối Trung Quốc…

* Hãng thông tấn AP: Xem video, chắc hẳn nhiều người VN phẫn nộ. Tại sao Chính phủ VN không cho người dân biểu tình trước cửa sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội?

- Ông Lê Hải Bình: Tôi nhất trí khi xem video, người dân VN sẽ phẫn nộ. Và tôi tin người dân thế giới, những người ủng hộ luật pháp quốc tế cũng sẽ phẫn nộ. Chúng tôi đang kiên trì biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng. Còn thông tin tại sao Chính phủ không cho người dân biểu tình. Xin khẳng định thông tin đó không có cơ sở. Người dân VN có quyền biểu thị yêu nước theo quy định của pháp luật.

* Báo Tuổi Trẻ: Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi các biện pháp đối thoại hòa bình với Trung Quốc nhưng Trung Quốc không hề tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ điều chỉnh hành vi theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo để gây áp lực khiến Trung Quốc xuống thang căng thẳng?

- Ông Trần Duy Hải: Hơn tháng qua, VN đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng. Nhưng Trung Quốc vẫn leo thang căng thẳng mới. VN sẽ tiếp tục, kiên trì biện pháp đấu tranh qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và hiến chương liên hiệp quốc. VN sẽ nỗ lực các biện pháp ngoại giao hơn nữa. VN cũng phải cân nhắc các biện pháp tiếp theo để bảo vệ quyền, lợi ích.

* Báo Tuổi Trẻ: Phát ngôn của Trung Quốc tại đối thoại Shangri-la có những thời gian cho thấy họ không tôn trọng phát ngôn của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản khi các nước này yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. VN đánh giá thế nào về vai trò cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an toàn hàng hải?

- Ông Trần Duy Hải: Thực tế, cộng đồng quốc tế có tiếng nói rất mạnh mẽ. Có lẽ đây là lần đầu tiên có những phản ứng mạnh mẽ như vậy về biển Đông trong nhiều năm trở lại đây. Tôi nghĩ tiếng nói đó có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.

* Báo Tuổi Trẻ: Chính phủ, Bộ Ngoại giao có ủng hộ và hỗ trợ cho Hội nghề cá Đà Nẵng và chủ tàu vừa bị đâm chìm kiện tàu TQ ra tòa quốc tế hay không?

- Ông Trần Duy Hải: Các vụ kiện quốc tế rất phức tạp. Nếu tàu VN kiện tàu Trung Quốc chỉ là kiện dân sự. Nhưng tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển VN không chỉ là dân sự nên vụ kiện như vậy không giải quyết được vấn đề. Nên sẽ phải chọn giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của VN.

* Hãng DPA (Đức): Xin hỏi về quyền biểu tình của người dân VN. Tôi đã chứng kiến một số người đến trước cửa sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội biểu tình thì cảnh sát đã ngăn cản. Cảnh sát cũng nói với tôi đây là hành động bất hợp pháp, yêu cầu phải rời đi vì lý do an ninh. Vậy quyền biểu tình theo pháp luật VN là như thế nào?

- Ông Lê Hải Bình: Đảng, Nhà nước VN luôn trân trọng sự biểu thị lòng yêu nước của người dân VN. Như mọi quốc gia, mọi hình thức biểu thị lòng yêu nước cũng phải đúng theo quy định của pháp luật. Các cuộc biểu tình cũng phải theo thủ tục như đăng ký thời gian, địa điểm, ngày giờ, nội dung. Về biểu tình VN đã có quy định như vậy.

* Hãng tin Kyodo (Nhật Bản): Nhóm G7 vừa có tuyên bố phản đối đòi chủ quyền bằng vũ lực. Xin cho biết phản ứng của VN?

- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi hoan nghênh nhóm G7 vừa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực… Chúng tôi tiếp tục mong muốn các quốc gia, các tổ chức tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế…

* Báo Đời sống Pháp luật: Có thông tin Trung Quốc đang đóng giàn khoan thứ hai. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi VN, liệu VN có kiện Trung Quốc nữa không?

- Ông Trần Duy Hải: Đến nay VN vẫn kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên đối thoại, xác định tính pháp lý của việc đặt giàn khoan, xem khu vực đặt là của ai. Nếu Trung Quốc rút ngay giàn khoan, VN hoan nghênh.

* Báo Vietnamnet: Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu công vụ VN cho thấy lực lượng VN yếu thế. Ông đánh giá thế nào ý kiến này? Nếu tàu Trung Quốc không rút giàn khoan, VN sẽ có biện pháp thế nào?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Về sự so sánh, xin nói ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển VN, các lực lượng chấp pháp như Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã kịp thời có mặt để ngăn chặn cả giàn khoan và tàu bảo vệ. Mặc dù tàu bảo vệ Trung Quốc sử dụng các phương tiện để tấn công tàu thực thi pháp luật, gây hư hỏng phương tiện nhưng các lực lượng VN vẫn kiên trì, kiềm chế vì chủ trương của nhà nước VN là xử lý vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Nên lực lượng của chúng tôi phải kiềm chế. Chính sự kiềm chế của chúng tôi là thực hiện mục tiêu nhà nước VN.

* VOV: Chúng ta đã sử dụng đường dây nóng VN - Trung Quốc. Đã có 30 cuộc đàm phán ở nhiều cấp độ và các cuộc tiếp xúc. Liệu có phải hiệu quả đường dây nóng không hiệu quả, thậm chí có ý kiến nói nó đã bị chết?

- Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu cả hai bên đều thiện chí, mong muốn giải quyết hòa bình. VN đã có nhiều nỗ lực, nhưng nếu thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng sẽ không đem lại kết quả.

* Báo Vnexpress: Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông. Có ý kiến nghi ngờ về tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Xin ông bình luận?

- Ông Trần Duy Hải: Việc làm Trung Quốc ở biển Đông, nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế VN đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Có thể thấy chính sách, tuyên bố của Trung Quốc chỉ trên lời nói, chứ không trên thực tế. Vì hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang đe dọa hòa bình, đó không phải hành động hòa bình, đó là hành động bạo lực. Cộng đồng quốc tế không thể tin được những lời nói suông.

... Buổi họp báo kết thúc lúc 17g20.

* Đúng 16g chiều 5-6, buổi họp báo quốc tế về tình hình mới nhất quanh biển Đông đã bắt đầu. Những người chủ tọa và tham gia trả lời báo chí trong cuộc họp báo đã vào vị trí của mình. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu khai mạc buổi họp báo

Đó là các vị:

- Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Hải Bình

- Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư

- Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia

- Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển

Mở đầu cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: "Đến nay đã hơn một tháng Trung Quốc đưa giàn khoan, nhiều tàu hộ tống, tàu quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Hành vi này của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế, bỏ qua tuyên bố ứng xử ở Biển Đông, bỏ qua các khuyến nghị chính đáng của cộng đồng quốc tế. Điều này tác động tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như thế giới."

"Thời gian qua VN đã kiên trì tiếp xúc, trong các cuộc tiếp xúc, VN vẫn luôn yêu cầu Trung Quốc phải đưa ngay giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN. Đáp lại, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục có hành vi hung hăng hơn, gây vụ việc hết sức nghiêm trọng và liên tục đưa ra luận điệu vu cáo, nêu chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa, thực chất là Hoàng Sa ở VN. Vì vậy, VN hôm nay thông báo tình hình, nỗ lực VN cũng như những bằng chứng về hành vi của Trung Quốc thời gian qua", ông Bình cho biết.

Tiếp theo đó, ông Trần Duy Hải nói: "Trong hơn một tháng qua, VN đã nỗ lực đối thoại, trao đổi với Trung Quốc dưới nhiều hình thức, nhiều cấp yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Đến nay có trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao cách ứng xử của VN, phê phán hành vi của Trung Quốc. Nhưng bất chấp thiện chí của VN, Trung Quốc còn phản ứng tiêu cực, vu cáo hơn.

Trên thực địa, Trung Quốc đã leo thang hành động, đã mở rộng, di chuyển giàn khoan ra vị trí mới. Trung Quốc cũng gia tăng tàu hộ tống, có lúc lên tới 140 tàu, gồm cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ cùng máy bay chiến đấu…

Các tàu Trung Quốc đã có hành vi hung hăng, chủ động tấn công, cố tình đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp, dân sự của VN làm nhiều cán bộ kiểm ngư bị thương, gây hư hỏng nhiều tàu.

Đặc biệt ngày 26-5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của VN đang đánh bắt bình thường, cách giàn khoan 17 hải lý. Tàu Trung Quốc còn ngăn cản tàu VN đến cứu hộ tàu cá bị đâm chìm.

Ngày 1-6, tàu Trung Quốc đã đâm thủng tàu cảnh sát biển 2016. Hành động đó làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông, gây bất bình trong dư luận VN. VN kiên quyết phản đối hành động này.

Bộ Ngoại giao VN đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và làm rõ tính pháp lý khu vực đặt giàn khoan.

Ông Ngô Ngọc Thu bổ sung: "Sau buổi họp báo ngày 7-5, đã có nhiều thông tin chuyển về từ thực địa. Hôm nay, chúng tôi xin tổng hợp diễn biến trên hiện trường hơn một tháng qua. Giàn khoan Hải Dương 981, thời điểm đầu đặt nằm sâu trong vùng đặc quyền của VN 80 hải lý. Trung Quốc khi di chuyển đến vị trí mới, nằm ở Đông Nam Tri Tôn 25 hải lý, vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN 57 hải lý. Từ khi đưa giàn khoan sang vùng đặc quyền kinh tế của VN, Trung Quốc thường xuyên duy trì đội tàu, đặc biệt Trung Quốc sử dụng cả tàu cá vỏ sắt có lượng giãn nước 200-400 tấn.

Số lượng tàu này có ngày lên đến 60 chiếc. Đặc biệt nghiêm trọng, Trung Quốc đưa đến 6 loại tàu chiến hiện đại của Trung Quốc, như khu trục tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét mìn và cả tàu đổ bộ… Ngoài ra Trung Quốc còn huy động máy bay hoạt động thường xuyên, trong đó có máy bay tuần thám biển, trinh sát, máy bay chiến đấu… Cao điểm, ngày 27-5, Trung Quốc sử dụng 9 lần tàu chiến đấu hỗ trợ giàn khoan di chuyển giàn khoan đến vị trí mới.

Phương thức hoạt động của tàu Trung Quốc là tổ chức thành vòng bảo vệ.

Vòng 1 khoảng cách 1-3 hải lý gồm tàu vận tải, dịch vụ. Vòng hai từ 5-7 hải lý gồm tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần. Vòng 3 gồm tàu chiến, tàu cá. Trung Quốc chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát tàu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư VN. Khi tàu VN tiếp cận giàn khoan để yêu cầu rời khỏi vùng biển VN, lập tức tàu Trung Quốc bao vây hai mạn, sử dụng tàu cơ động cao đâm thẳng vào tàu VN. Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng súng bắn nước phun trực tiếp vào tàu VN, với áp suất nước cao, gây vỡ kính, hỏng thiết bị đài chỉ huy…

Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng đèn pha công suất cao chỉa vào tàu VN, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ VN. Trung Quốc cũng đã đâm chìm tàu cá VN. Trong quá trình tàu cá VN cứu ngư dân, tàu Trung Quốc ngăn cản. Thời gian từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu của VN trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu Cảnh sát biển. Ngày 1-6, vào 16g30 phút, tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu 2016 của Cảnh sát biển, làm tàu này thủng 4 lỗ, cực kỳ nguy hiểm, nếu sâu chút nữa sẽ gây chìm tàu. Ngay hôm qua và sáng nay đã đâm va và phun nước vào tàu 630 của Kiểm ngư VN…

Về phía VN, VN đưa ra số lượng hạn chế tàu để xua đuổi việc xâm nhập trái phép. Trong quá trình hoạt động, tàu của VN thực hiện tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan bằng loa phóng thanh, biểu ngữ. Ngoài ra, VN không sử dụng hình thức khác. Dù bị tàu bảo vệ Trung Quốc đâm va, phun nước… nhưng lực lượng thực thi pháp luật VN luôn kiên trì, kiên quyết bảo vệ quyền tài phán của VN trên biển. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục có mặt trên biển để bảo vệ chủ quyền của VN.

Ông Ngô Ngọc Thu bắt đầu mời báo chí, ngoại giao đoàn xem video tàu TQ bao vây, đâm va vào tàu cảnh sát biển 2016 và hoạt động của TQ tại hiện trường.

* Trước đó, từ 15g15, các PV đã đổ về phòng họp Nhà khách Chính phủ (2 Lê Thạch, Hà Nội) và đến 15g45, hàng trăm máy quay, máy chụp hình đã bố trí dày đặc phòng họp báo.

Theo ghi nhận tại chỗ của PV Tuổi Trẻ, các PV quốc tế lẫn trong nước đang trao đổi một số thông tin trước khi bước vào họp báo.

Cẩm Văn Kình - Nguyễn Khánh - Hương Giang

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Sẽ có đại học Fulbright Việt Nam (05/06/2014)

>   Đuối lý, Trung Quốc quay sang đổ lỗi (05/06/2014)

>   Nghiên cứu xây thêm tuyến đường sắt khổ 1m trên trục Bắc - Nam (05/06/2014)

>   Những cơn sốt và chu kỳ tù tội của đại gia Việt (05/06/2014)

>   G7 ra tuyên bố chống vũ lực ở Biển Đông (05/06/2014)

>   Công bố clip tàu Trung Quốc khổng lồ đâm chìm tàu cá Việt Nam (05/06/2014)

>   Đại biểu chất vấn Thủ tướng về nhà thầu Trung Quốc (05/06/2014)

>   Đại biểu hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng Y tế về việc từ chức (05/06/2014)

>   BISUCO trả nợ nông dân 26 tỉ đồng (05/06/2014)

>   Đừng dựa vào nhu cầu ảo để xây sân bay (05/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật