Những cơn sốt và chu kỳ tù tội của đại gia Việt
Qua những cơn sốt chứng khoán, vàng, nhà đất, ngân hàng... đã có hàng loạt đại gia lên đời hoành tráng. Nhưng rồi, khi cơn sốt tàn, 'những quả bóng' vỡ, không ít người lao đao vì dính lao lý, tù tội. Như một chu kỳ, sau mỗi cơn sốt dường như báo hiệu một cung vận hạn của đại gia.
Chu kỳ vận hạn
Theo kế hoạch ngày 9/6, Tòa án sẽ ra phán quyết với các bị cáo trong vụ án bầu Kiên. Ông Kiên có thể phải chịu án tù lên tới cả chục năm đối với 4 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép.
Hàng loạt các nhà lãnh đạo DN trong đó không ít người được giới đầu tư nhắc đến như các đại gia nổi danh cũng vướng vòng lao lý như ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang...
Tội danh của bầu Kiên và các đồng phạm mang rất nhiều dấu ấn của những cơn sốt của một thời bùng nổ của thị trường. Một vụ án mà cả một dàn lãnh đạo cao cấp, trong đó có những người được mệnh danh là ông trùm, người là CEO giỏi trong những lĩnh vực nóng rẫy thời gian qua như: vàng, chứng khoán hay ngân hàng... đều dính sai phạm.
Tội danh của bầu Kiên và các đồng phạm mang rất nhiều dấu ấn của những cơn sốt của một thời bùng nổ của thị trường
|
Trong những năm gần đây, giới đầu tư đã chứng kiến rất nhiều doanh nhân sớm nổi tiếng và giàu nhanh khi trúng đậm sau mỗi cơn sốt nhưng rồi lại lao đao dính vào lao lý, tù tội.
Trường hợp ông Phạm Văn Thụ - Tổng giám đốc Công ty công nghiệp Thái Sơn bị khởi tố vì hành lừa đảo với tổng số tiền lên tới gần 570 tỉ đồng; đại gia tôm cá Phương Nam vỡ nợ ngàn tỷ phải bỏ trốn... hay như trường hợp của Huỳnh Thị Huyền Như phải lĩnh án vì lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng khi say máu đầu tư chứng khoán, nhà đất và tiền tệ. Rồi hàng loạt đại gia nhà đất bị tù tội sau cơn sốt nhà đất...
Khó có thể kể hết nguyên nhân sa cơ của từng đại gia nhưng dường như có một điểm chung của những vụ đổ vỡ này đều gắn với những 'cơn sốt' trên thị trường. Chu kỳ đi xuống và vận hạ khó khăn của họ thường gắn liền với sự xì hơi của những quả bóng: chứng khoán, nhà đất hay vàng sau một thời kỳ khá dài sốt nóng với giá BĐS tăng vùn vùn, TTCK tăng chóng mặt, vàng liên tục đi lên và lãi suất NH có thời điểm lên tới vài chục phần trăm...
Ở thời kỳ đầu, đi cùng với những cơn sốt này, người ta cũng dễ dàng nhận ra rất nhiều đại gia mới xuất hiện hoành tráng với những dự án lớn cả ngàn tỷ hay tỷ USD. Những cuối chu kỳ, khi thị trường BĐS, TTCK lao dốc, sự đi xuống của giá vàng cùng với sự vỡ lở những trục trặc của hệ thống NH... trở thành nguyên nhân chính nhấn chìm những DN lớn mạnh nhanh và tưởng chừng không bao giờ "chết", hay những cú vỡ nợ, lừa đảo của những đại gia hoành tráng dường như không bao giờ tiêu hết được tiền.
Rủi ro công thức giàu nhanh
Rất nhiều doanh nhân đã suy sụp trong khoảng 2-3 năm qua sau khi những cơn sốt hạ nhiệt. Lãi suất cao khiến hàng loạt các đại gia BĐS, các đại gia xây dựng, chứng khoán vốn sống dựa vào đòn bẩy tài chính, vay rất nhiều tiền từ NH cho hoạt động kinh doanh của mình để rồi vỡ nợ và rơi vào tình cảnh bi đát.
Như một chu kỳ, sau mỗi cơn sốt dường như báo hiệu một cung vận hạn của đại gia
|
Thời gian qua, liên tiếp có những vụ bắt giam, khởi tố các ông chủ DN xây dựng, DN BĐS về tồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng ma, dự án bánh vẽ, dự án trên giấy do khó khăn không kiếm tiền được trên thị trường.
Giới đầu tư chứng kiến nhiều đại gia phải vào viện, bỏ biệt thự đi trồng rau, làm thợ hồ, vào viện tâm thần, thậm chí tự tử... Nhiều đại gia là ông chủ của những tập đoàn hàng nghìn tỷ đồng, đứng hàng đầu trên một lĩnh vực như gỗ, cà phê... phải đứng nhìn DN chìm dần. May mắn hơn có đại gia phải xin gia hạn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế... để sống sót qua vận hạn.
Cách đây 15-20 năm, nhiều người hẳn còn nhớ những vụ án nổi tiếng liên quan tới những nhân vật doanh nhân hàng đầu thời bấy giờ như Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng, hay Thanh Hương ... Những vòng quay vay tiền, đầu tư, kiếm tiền, lời-lỗ đã khiến họ rơi vào vòng lao lý, tù tội.
Trong phần lớn các đại gia sa cơ nói trên, một điểm chung là đa phần các doanh nhân này phát triển DN của mình rất nhanh dựa trên nguyên tắc đòn bẩy tài chín, vay vốn NH với một tỷ lệ rất cao để đầu tư nóng.
Từ các vụ án trên cho đến điển hình vụ Bầu Kiên, giới đầu tư vẫn nhắc nhau về một công thức tạo tiền quy mô lớn để được giàu nhanh nhưng đi cùng với nó là những rủi ro chết người.
Trên thực tế, nhiều nhà quản lý, các chuyên gia đã cảnh báo tình trạng tiền ảo, mối quan hệ lằng nhằng, sở hữu chéo chằng chịt, hệ thống công ty con như mạng nhện... của nhiều đại gia mà mục đích là để làm tăng quy mô, tăng khả năng vay tiền NH để làm giàu nhanh.
Cùng với đó, sự phát triển của nhiều hình thức huy động vốn mới, nhiều sản phẩm chứng khoán mới... đã giúp cho những người có trình độ nhưng dã tâm tận dụng để thu lợi nhanh chóng cho mình.
Vòng quay của đồng tiền, của lợi nhuận có thể khiến nhiều con người tỉnh tảo có thể rơi vào vùng tối sai phạm. Trong cơn sốt hay khi quả bóng đang được thổi căng, tất cả đều hào hứng đua theo cuộc chơi ngàn tỷ và liều mạng bỏ qua mọi quy định pháp luật để kiếm lợi nhanh chóng.
Và chính vì thế, khi cơn sốt đi qua và quả bóng vỡ không ít đại gia giàu nhanh đã phải lao đao khi thua lỗ, vỡ nợ, thậm chí dính vào lao lý tù tội. Chuyện đó, lặp đi, lặp lại khiến không ít người cảm thấy ớn lãnh khi nghĩ đến những cơn sốt và vận hạn sắp đến.
Mạnh Hà
vietnamnet
|