Xuất khẩu cà phê tăng tốc
Sau 2 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do giá và lượng xuất khẩu giảm mạnh, trong tháng 3-2014 xuất khẩu cà phê đã tăng tốc trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2014 dự báo tăng 20% với năm 2013.
Giá tăng trở lại
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013 cả nước đã XK được trên 1,3 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,7 tỷ USD, giảm 24,8% về khối lượng và 25,9% về kim ngạch so với năm 2012. Giá bình quân cà phê XK năm 2013 chỉ còn 2.090 USD/tấn, giảm mạnh so với năm 2011 khi giá bình quân đạt 2.189 USD/tấn và năm 2012 là 2.120 USD/tấn.
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2014, lượng cà phê XK đạt khoảng 327.000 tấn với kim ngạch 615 triệu USD với mức giá XK tháng 1-2014 chỉ là 1.703 USD/tấn. Vì giá thấp nên tuy lượng cà phê XK tương đương cùng kì năm 2013 nhưng kim ngạch giảm 9,6%. Theo VICOFA, từ đầu năm đến nay do tình hình hạn hán kéo dài ở Brazil, nhất là khu vực Minas Gerais, vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil; kết hợp hiện tượng El Nino đang đe dọa lên vụ mùa của một số nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, cộng với lượng tồn kho có chứng nhận trên 2 sàn New York và London đang giảm mạnh sẽ là điều kiện thuận lợi làm cho giá cà phê tăng trở lại. Vì vậy mà trong tháng 3-2014, giá cà phê XK đã tăng trở lại đạt xấp xỉ 1.881 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam - TGĐ Công ty CP Tập đoàn Intimex kiêm Phó chủ tịch VICOFA dự báo năm 2014 chắc chắn ngành cà phê nước ta sẽ phục hồi và phát triển thành công. Dự kiến năm nay sẽ XK khoảng 1,5 triệu tấn, giá trị đạt được sẽ hơn mức 3 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013 và giá XK sẽ trên mức 2.000 USD/tấn.
Cần tăng cường tạm trữ
Theo ông Đỗ Hà Nam, do giá cà phê XK tăng nên trong nước giá thu mua sẽ tăng lên và không dưới 40.000 đồng/kg. Lời khuyên dành cho nông dân là không nên bán ra nếu giá dưới mức 40.000 đồng/kg, nếu trên mức này thấy có lợi thì nên bán vì trữ hàng chờ giá là đúng nhưng phải hợp lý, nếu ngâm lâu sẽ lỡ mất cơ hội. Lời khuyên này cũng dành cho chính DN cà phê, nên bán giá cao để mua vào giá tốt cho nông dân.
“Hàng năm cà phê Việt Nam được XK sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 thị trường lớn chiếm 80% sản lượng. Ngoài các thị trường chính như Hoa Kì, EU, Nhật Bản thì hiện nay Trung Quốc và Nga là 2 thị trường mới nổi có nhu cầu tiêu thụ cà phê rất lớn mà DN XK cà phê cần đẩy mạnh khai thác”, ông Đỗ Hà Nam cho biết.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch VICOFA cho biết những khó khăn về sản xuất đối với ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới là: vấn đề quy hoạch sản xuất cà phê, tái canh cà phê, chất lượng cà phê, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và sử dụng giống cà phê mới.
Ngoài ra, ngành cà phê Việt Nam thiếu một tổ chức đủ sức mạnh gắn kết trong chuỗi giá trị giữa DN, sản xuất thu mua và XK. Do sản xuất cà phê phân tán có 461.000 hộ trồng cà phê, trên 100 DN XK. Đội ngũ doanh nhân kinh doanh cà phê chưa được đào tạo đạt trình độ quốc tế trong việc nắm bắt, phân tích thị trường gắn kết với nhau để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả tránh rủi ro, thua lỗ. DN cà phê phải vay tới 90% vốn ngân hàng với lãi suất cao, ngắn hạn nên hiệu quả kinh doanh thấp.
Để khắc phục những khiếm khuyết này, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VICOFA cho biết trong thời gian tới Hiệp hội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính như: tiếp tục tham gia và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án phát triển bền vững cho cà phê Việt Nam (ổn định diện tích khai thác 570.000 ha, nâng cao năng suất để giữ sản lượng 1,3-1,4 triệu tấn, XK trên 1 triệu tấn/năm, giữ thị phần XK khoảng 17% cà phê nhân của thế giới); triển khai chương trình tái canh cây cà phê; tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người trồng cà phê hái cà phê chín trên 80%.
Đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị cà phê XK theo hướng chế biến sâu như cà phê hòa tan, rang; nâng mức tiêu thụ trong nước lên 15% sản lượng so với 9% hiện nay. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước; thực hiện sản xuất VietGAP, chứng chỉ 4C, UTZ và R.A. Ban hành tiêu chuẩn cà phê Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Quang Duy
Hải Quan
|