Vỡ Quỹ bảo hiểm, những báo động đáng sợ?
6 năm nữa, Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu bị thâm hụt. 20 năm nữa, quỹ này sẽ cạn kiệt đến mức âm quỹ. Cơ chế đóng ít, hưởng nhiều, trốn đóng, nợ đọng dồn ứ khiến cho quỹ an sinh xã hội lớn bằng ¼ ngân sách này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng.
Chỉ đủ trả lương hưu trong 8,5 năm/người
Với cảnh báo trên của Tổ chức lao động quốc tế ILO hồi năm 2012, rất có thể, những cán bộ, nhân viên trung niên đang làm việc hiện nay trong 20 năm nữa khi nghỉ làm sẽ chẳng nhận được một đồng lương hưu nào. Tất nhiên, đây chỉ là một viễn cảnh giả định, vì Quỹ bảo hiểm sẽ được ngân sách bảo lãnh. Dù vậy, cảnh báo này đã cho thấy, vỡ quỹ có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an sinh xã hội khó lường.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động thương binh và xã hội, số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người được hưởng lương hưu đang ngày càng giảm. Năm 1996, khi toàn dân bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ước cứ 217 người đóng bảo hiểm xã hội, có 1 người già được hưởng lương hưu. Nhưng năm 2007, chỉ có 14 người đóng cho 1 người hưởng và đến năm 2012, chỉ còn 9,3 người đóng bảo hiểm xã hội để 1 người hưởng lương hưu.
Thêm vào đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu lại dài. Nam giới hiện nghỉ hưu từ 60 tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 28 năm, đối với nữ, tuổi nghỉ hưu là 55 và số năm đóng bảo hiểm bình quân là 23 năm.
Sau tuổi nghỉ hưu trên, nam giới có thời gian hưởng lương hưu trung bình là 18,1 năm và nữ giới là 24,5 năm. Trên thực tế, với tuổi nghỉ hưu bình quân tính tới năm 2012 là 55,6 tuổi đối với nam và 52,6 tuổi đối với nữ thì thời gian nhận lương hưu thực tế có thể kéo dài tới hơn 23 năm đối với nam và hơn 27,5 năm đối với nữ.
Các cơ quan trên đã dự báo, với cơ chế đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay, cộng thêm cả lãi đầu tư khoảng thì số thu chỉ đủ chi trả cho 8,5 năm. Nói cách khác, nếu những người già thọ tới 78-79 tuổi thì Quỹ này sẽ bị thâm hụt hơn 10- 16,5 năm vì phải trả lương hưu mà không có nguồn thu.
Nguyên nhân chính ở đây là cơ chế đóng ít, hưởng nhiều và số người tham gia đóng ngày càng ít.
Thất thu gần trăm ngàn tỷ vì trốn đóng, nợ đọng
Một nguyên nhân đáng báo động khác khiến cho Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam rơi vào cảnh thu chi chật vật. Đó là tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp.
Hiện cả nước có khoảng trên 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, số doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ quan thuế là gần 400.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội chỉ có 150.000. Nhu vậy, có đến 50-75% doanh nghiệp đang trốn đóng bảo hiểm.
Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, có khoảng 16 triệu người lao động là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ghi nhận có 11 triệu người đang thực sự tham gia, bằng 68,8% số người phải tham gia bảo hiểm. Với các con số trên, ước khoảng 5 triệu người đang trốn đóng bảo hiểm.
Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chia sẻ, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn trích phí bảo hiểm khi trả lương cho người lao động nhưng lại trốn đóng, chiếm dụng. Ước số thu Quỹ "thất thu" ở đây vào khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. Con số này đã bằng 1/3 số thu Quỹ hiện nay.
Một nguồn thất thu khác nữa phải kể đến là tình trạng đóng bảo hiểm mang tính hình thức, dựa trên mức lương tối thiểu của Nhà nước chứ không dựa trên thu nhập thực tế, với mức cao hơn nhiều.
Bộ Lao thương binh và xã hội cho biết, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động khối DN ngoài nhà nước là 2,8 triệu đồng, nhưng thu nhập thực tế là 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch lên tới 1 triệu đồng/người thì số thu bảo hiểm xã hội đã "mất" khoảng 24.000 tỷ đồng.
Bên cạnh tình trạng trốn đóng này, Quỹ bảo hiểm xã hội đang bị nợ tới 11.000 tỷ đồng, tính tới tháng 4/2014. Trong đó, có khoảng 7.400 tỷ đồng là nợ bảo hiểm xã hội, 500 tỷ đồng là nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỷ đồng là nợ bảo hiểm y tế.
Có thể thấy, tính tổng các khoản trên, Quỹ bảo hiểm xã hội đang bị hụt mất 91.000 tỷ đồng. Con số này bằng tới 60% số thu Quỹ mỗi năm và cũng có nghĩa, tương ứng khả năng trả lương hưu cho hàng triệu người già hiện nay.
Song, ông Liệu cũng khẳng định, thời điểm hiện tại thì chưa vỡ Quỹ, nhưng trong tương lai thì hoàn toàn có thể xảy ra, nếu như cơ chế đóng- hưởng bất cập và tình trạng trốn, nợ bảo hiểm tiếp tục kéo dài. Một hệ thống giải pháp đồng bộ đang được tính toán để khắc phục sớm trong dự thảo luật BHXH sửa đổi như phải có chế tài buộc chủ doanh nghiệp tuân thủ nghiêm việc đóng bảo hiểm cho người lao động, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu với thời gian đóng gần nhau hơn hay như điều chỉnh lại công thức tính hưởng lương hưu.
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|