Thứ Sáu, 04/04/2014 14:50

MIC Thái Nguyên “lật kèo” bồi thường bảo hiểm xây dựng?

Thay đổi căn cứ tính toán, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên đã “lật kèo” khi giảm số tiền bảo hiểm công trình xây dựng do BQL các dự án huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) làm chủ đầu tư xuống còn 1/3 so với thông báo ban đầu.

Trụ sở Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên

Sau khi thông qua Biên bản thương thảo Hợp đồng bảo hiểm xây dựng lập ngày 17/1/2013, ngày 22/1/2013, ông Nguyễn Quốc Hội, đại diện BQL các dự án huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn và ông Trần Quang Minh, Giám đốc Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên, TCty CP Bảo hiểm Quân đội đã tiến hành ký kết Hợp đồng bảo hiểm xây công trình xây dựng đường giao thông nông thôn Khâu Lồm, Khuổi Tuấn ở xã An Thắng số 119/13/HĐ-KT.1.1/008-PKD01.

Theo hợp đồng này, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên nhận bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm mọi rủi ro về xây lắp gói thầu công trình “đường giao thông nông thôn Khâu Lồm, Khuổi Tuấn ở xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn” theo Quy tắc bảo hiểm xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 86/2007/QĐ-MIC ngày 24/10/2007 của Tổng giám đốc Cty CP Bảo hiểm Quân đội và các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm này và các phụ lục kèm theo.

Ngược lại, tổng số phí mà BQL các dự án huyện Pác Nặm phải nộp khi mua bảo hiểm công trình xây dựng đường giao thông nông thôn Khâu Lồm, Khuổi Tuấn là 84.749.917 đồng.

Hợp đồng cũng nêu rõ: Số tiền bảo hiểm giá trị xây lắp công trình được duyệt là: 20.178.551.746 đồng. Trong quá trình xây dựng, tuyến đường bị thiên tai gây thiệt hại thì bên A (BQL các dự án huyện Pác Nặm) sẽ được bảo hiểm tối đa 300 triệu đồng.

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 5, đêm ngày 3/8/2013, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất trên mái ta luy công trình đường giao thông nông thôn Khâu lồm, Khuổi Tuốn.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, ngày 05/8/2013, BQL các dự án huyện Pác Nặm đã có Văn bản số 125/CV-BQL gửi đến Cty Bảo hiểm MIC Thái Nguyên, TCty CP Bảo hiểm Quân đội thông báo về việc công trình bị sạt lở một số vị trí có khối lượng lớn và đề nghị Cty cùng các bên liên quan đến giám định hiện trường trong thời gian sớm nhất.

Ngày 13/8/2013, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên đã cử cán bộ đến kiểm tra, giám định thiệt hại. Tại Biên bản giám định số 43/2013/MIC- TSKT ngày 13/8/2013, xác định công trình đường giao thông nông thôn Khâu lồm, Khuổi Tuốn có 24 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 8.909,58m3, ước giá trị tổn thất lên tới 250 triệu đồng.

Ngày 19/12/2013, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên ban hành thông báo bồi thường số 43/2013/BT-KT.1.1/008-PQLĐL gửi BQL các dự án huyện Pác Nặm cho biết: Sẽ bồi thường cho bên mua bảo hiểm số tiền là 192,7 triệu đồng. BQL các dự án huyện Pác Nặm đã chấp thuận mức bồi thường này.

Tuy nhiên, đến ngày 25/2/2014, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên lại ban hành thông báo bồi thường, cũng số 43/2013/BT-KT.1.1/008-PQLĐT gửi cho BQL các dự án huyện Pác Nặm và cho biết, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên sẽ bồi thường cho bên mua bảo hiểm số tiền là 60,5 triệu đồng, thấp chưa bằng 1/3 mức bồi thường đã được thông báo ngày 19/12/2013.

Đáng lưu ý là, so với Thông báo bồi thường số 43/2013/BT-KT.1.1/008-PQLĐT ngày 19/12/2013, Thông báo bồi thường số 43/2013/BT-KT.1.1/008-PQLĐT ngày 25/2/2014 đã thay đổi căn cứ bồi thường khi “căn cứ vào điều khoản bổ sung 119, điều khoản về chi phí dọn dẹp hiện trường (giới hạn 20% giá trị tổn thất tối đa đến 2.000.000.000 đồng)”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hội, Trưởng BQL các dự án huyện Pác Nặm, theo hợp đồng đã ký giữa hai bên, khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại thì phía Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên phải bồi thường cả phần sạt lở và dọn dẹp hiện trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Trần Quang Minh, Giám đốc Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên lý giải nguyên nhân: Đây là sơ suất của đơn vị, “do cán bộ sơ ý không kiểm tra việc phân quyền về giải quyết nghiệp vụ TSKT năm 2013, đến ngày 25/12/2013 MIC Thái Nguyên chỉ được là đơn vị cấp 4 chỉ được phân quyền giải quyết 100.000.000 đồng trở xuống”.

Cứ cho rằng lý giải của ông giám đốc là đúng thì không lẽ đội ngũ cán bộ của Công ty bảo hiểm MIC Thái Nguyên lại yếu kém đến vậy, khi mà gần một năm trôi qua mới “nhớ” ra mình đã bị giảm phân quyền thanh toán? Và, tại sao khi phát hiện ra sơ suất có giá trị hàng trăm triệu này Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên không thương thảo lại với bên được bồi thường mà đã ra ngay thông báo và “đề nghị quý đơn vị xác nhận”?

Và, như vậy thú nhận này đã nghiễm nhiên khẳng định Thông báo bồi thường số 43/2013/BT-KT.1.1/008-PQLĐT ngày 19/12/2013 với số tiền 192,7 triệu đồng là hoàn toàn đúng. Việc bị giảm trừ còn 60,5 triệu đồng là bởi Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên không có quyền thanh toán trên 100.000.000 đồng/vụ mà thôi!?

Trước việc làm trên, dư luận tại các tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên cho rằng, nếu vụ “lật kèo” này thành công, Cty bảo hiểm MIC Thái Nguyên nói riêng và Cty CP Bảo hiểm Quân đội nói chung đã “tiết kiệm” chi được 132,2 triệu đồng (gấp đôi số tiền phải bồi thường) quả là một con số không hề nhỏ! Liệu MIC có còn là “điểm tựa vững chắc” đối với người dân và doanh nghiệp?

Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Thái Nguyên Nhân

xây dựng

Các tin tức khác

>   Quỹ bảo hiểm y tế 2014: Dự kiến chi vượt gần 3.000 tỷ đồng (20/03/2014)

>   Thị trường bảo hiểm 2014: Lạc quan trong khó khăn (12/03/2014)

>   Chậm đóng bảo hiểm một giờ, mất tiền tỉ (12/03/2014)

>   Manulife Việt Nam: Tổng doanh thu phí bảo hiểm gần 2,630 tỷ đồng (28/02/2014)

>   Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Doanh nghiệp vẫn “né” (25/02/2014)

>   Bảo Việt có thể phải trả 6 tỉ đồng cho vụ cháy Len Hà Đông (24/02/2014)

>   Bảo Việt có thể phải trả 6 tỉ đồng cho vụ cháy Len Hà Đông (24/02/2014)

>   BVH: Lãi ròng năm 2013 giảm 19% đạt 1,096 tỷ đồng (18/02/2014)

>   Đại lý bảo hiểm - “lỗ hổng” của doanh nghiệp (12/02/2014)

>   Xử lý nợ bảo hiểm doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines (11/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật