Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Doanh nghiệp vẫn “né”
Sau 3 năm thực hiện thí điểm, những ưu việt của hình thức bảo hiểm xuất khẩu đã được khẳng định với số lượng hợp đồng tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, so với kim ngạch xuất khẩu từ 120-130 tỷ USD mỗi năm thì doanh thu của hoạt động này chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Sau 3 năm triển khai thí điểm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia BHTDXK còn rất thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu
|
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là loại hình BH tự nguyện, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm cung cấp dịch vụ mới thì mô hình này còn hướng cho thương nhân xuất khẩu sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa rủi ro trong quá trình thanh toán. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thí điểm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia BHTDXK còn thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, không đạt được mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2013 đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm. Hiện có 7 DNBH được lựa chọn triển khai nghiệp vụ này gồm: Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, Bảo Việt Tokio Marine, QBE Việt Nam, AIG Việt Nam và Công ty bảo hiểm Liên hiệp.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, sau thời gian thí điểm đã có 46 hợp đồng bảo hiểm được ký kết, trong đó có 23 hợp đồng BHTDXK và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp; tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, và tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng. |
Thực tế, cả giai đoạn 2011- 2013, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, trong đó năm 2011 giá trị được bảo hiểm là 2.328 tỷ đồng, tương đương 0,12% kim ngạch xuất khẩu; năm 2012 là 3.485 tỷ đồng, tương đương 0,14% và năm 2013 là 6.779 tỷ đồng, tương đương 0,26%. Không những thế, số lượng mặt hàng tham gia BHTDXK cũng rất hạn chế, chỉ có một số ít trong 23 mặt hàng thuộc 2 nhóm ngành hàng là đối tượng được khuyến khích tham gia thực hiện mua bảo hiểm.
BHTDXK khác với bảo hiểm thương mại truyền thống mà phụ thuộc rất lớn vào bên thứ ba, nên các DNBH thông thường không dám mạo hiểm với sản phẩm này. Ngoài ra, số lượng khách hàng tham gia BHTDXK chưa nhiều. Do vậy, tỷ lệ tổn thất đối với BHTDXK trong giai đoạn đầu triển khai tương đối cao. Một nguyên nhân nữa khiến BHTDXK chưa thực sự phát triển là dù liên quan chặt chẽ với ngân hàng nhưng các ngân hàng cũng chưa yêu cầu tổ chức sản xuất, xuất khẩu phải có BHTDXK như một khoản bảo đảm tiền vay.
Kiến nghị cơ chế hỗ trợ
Để hoạt động BHTDXK thực sự hỗ trợ cho DN và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, các bộ, ngành liên quan đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn cho mô hình này. Bộ Tài chính đã đề nghị các DNBH hoàn thiện quy tắc, điều khoản BHTDXK và triển khai hoạt động này theo nguyên tắc tự nguyện; nhà nước không tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm cho thương nhân. Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các DNBH thực hiện BHTDXK tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho thương nhân về mô hình này. Tiếp đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi xây dựng chính sách chế độ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu nhà nước hoặc tín dụng thương mại đưa nội dung quy định này trong cơ chế chính sách.
Ngoài ra, để khuyến khích các DN tham gia BHTDXK, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi áp dụng cho các DN theo hướng cho phép các DN nếu tham gia BHTDXK thì không phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Thùy Linh
công thương
|