Trung Quốc tiếp tục bẻ cong sự thật về biển Đông
Bất chấp làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi bẻ cong sự thật về tình hình biển Đông và các diễn biến liên quan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục luận điệu dối trá
|
Theo Tân Hoa xã, mới đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trơ trẽn tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề nói rằng “Trung Quốc có hành vi khiêu khích” khi trao đổi qua điện ngoại với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Bà Hoa khẳng định ông Kerry chỉ nói Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp biển Đông và “không có ý định đưa ra phán xét nào về vấn đề chủ quyền”. Nhưng trên thực tế, hôm qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã khẳng định rõ ràng: “Ngoại trưởng Kerry nói việc Trung Quốc điều giàn khoan và nhiều tàu tới biển Đông là hành vi khiêu khích”.
Vẫn với giọng điệu dối trá, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ “không có gì phải lo ngại” về các căng thẳng trên biển Đông. Trước đó phía chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ đã thể hiện sự quan ngại về những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc.
Hành động này một lần nữa cho thấy sự dối trá, đổi trắng thay đen của chính quyền Trung Quốc. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng mở cuộc họp báo tố ngược tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, dù phía Việt Nam đã công khai mọi bằng chứng phản ánh rõ ràng hành vi hiếu chiến của Trung Quốc.
Nhưng sự dối trá đó cũng không che lấp được sự thật, cộng đồng quốc tế đã tiếp tục lên án Trung Quốc.
Theo báo Sydney Morning Herald, ngày 14-5 Bộ Ngoại giao Úc tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên biển Đông. Phía Úc nhấn mạnh có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, do đó kêu gọi các bên kiềm chế, không leo thang căng thẳng.
Úc yêu cầu các nước khu vực giải thích rõ các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển LHQ (UNCLOS). Úc kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt tiến bộ trong việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Theo TTXVN, mới đây giáo sư Artha Nantachukra, chuyên gia về Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan (Thái Lan) đánh giá mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông, kiểm soát toàn bộ tuyến hàng hải khu vực để chiếm lợi thế trước các nước, trong đó có Mỹ và Nhật.
Ông nhận định Trung Quốc đã tính toán kỹ khi đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam trong thời điểm cộng đồng quốc tế đang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. “Nhưng các hành động độc tôn này sẽ khiến Trung Quốc tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế, khu vực và sẽ phải hứng chịu những hậu quả cả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế”- giáo sư Artha nhận định.
Tờ báo uy tín của Mỹ là Wall Street Journal cũng đăng bài viết nhận định Trung Quốc “sẽ phải trả giá vì các hành vi hiếu chiến”. WSJ cho rằng việc Trung Quốc bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế sẽ khiến uy tín quốc tế của Bắc Kinh suy sụp.
“Việc uy tín quốc tế của Bắc Kinh bị tổn hại sẽ càng tăng lên nếu các nước Đông Nam Á khác cũng quyết định kiện Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc không muốn bị xem là kẻ vi phạm luật pháp quốc tế” - WSJ viết.
Nguyệt Phương
tuổi trẻ
|