Thứ Ba, 13/05/2014 18:00

Lao động nam nghỉ thai sản: Trách nhiệm hơn với gia đình

Theo báo cáo "Chế độ thai sản cho nam và nữ tại nơi làm việc: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam có chế độ nghỉ thai sản cho các bà mẹ ngang hàng với các nước phát triển nhưng lại không có chế độ nghỉ thai sản dành cho các ông bố. Trong khi đó, gần một nửa các quốc gia trên toàn cầu khuyến khích các bậc làm cha tham gia nhiều hơn trong và sau quá trình con chào đời.

Chế độ nghỉ thai sản cho nam giới sẽ khuyến khích các ông bố san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình

Báo cáo này vừa được công bố tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm nay ngày 13/5 và đã chỉ ra sự thay đổi tích cực về thời gian nghỉ thai sản. Qua so sánh pháp luật lao động của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ với những tiêu chuẩn mới nhất của ILO, báo cáo nêu rõ không có quốc gia nào cắt giảm thời gian nghỉ thai sản từ năm 1994 đến nay.

Theo báo cáo, nam giới tại Việt Nam không được nghỉ thai sản trong khi chế độ thai sản cho cha đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi (sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc trong tháng Năm này) lần đầu tiên đề cập đến chế độ nghỉ thai sản cho lao động nam.

Nếu dự thảo luật nhận được sự đồng tình của Quốc hội, lao động nam sẽ được nghỉ 5-7 ngày hưởng nguyên lương tùy vào việc vợ sinh thường hay phải phẫu thuật.

Ông Gyorgy Sziraczki nhận định: “Việc công nhận quyền làm cha của nam giới cũng như trách nhiệm của họ phải san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình sẽ giúp xóa bỏ những quan điểm xã hội truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tại gia đình.”

Báo cáo cũng đề cập tới việc Bộ Luật Lao động 2012 tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 đến 6 tháng giúp chế độ nghỉ thai sản của Việt Nam trở thành một trong những nước có thời gian nghỉ dài nhất ở châu Á. Trước đó, khu vực châu Á chỉ có 4 quốc gia đạt hoặc vượt tiêu chuẩn nghỉ thai sản 14 tuần do ILO quy định là: Mông Cổ 120 ngày, Bangladesh 16 tuần, Singapore 16 tuần và Trung Quốc là 14 tuần.

Giám đốc ILO Việt Nam ông Gyorgy Sziraczki cho rằng nếu thời gian nghỉ thai sản quá ngắn, các bà mẹ có thể muốn ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe nên chưa cảm thấy sẵn sàng quay trở lại làm việc và có thể bị loại khỏi thị trường lao động vì lý do này.

Mặt khác, ông Gyorgy Sziraczki cũng nhấn mạnh: “Thời gian nghỉ quá dài cũng có thể tác động không tốt đến sự gắn bó của phụ nữ với công việc được trả lương và khả năng thăng tiến của họ, cũng như dẫn đến nguy cơ phân biệt đối xử với lao động nữ trong quá trình tuyển dụng, mang thai và nghỉ thai sản. Đó là một con dao hai lưỡi!”

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 58% quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang trợ cấp thai sản bằng tiền mặt thông qua bảo hiểm xã hội trong đó có Việt Nam. 1/4 các nước khác lại quy định chủ lao động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trả trợ cấp thai sản cho người lao động.

Có một thực tế, tại Việt Nam, các điều khoản về chế độ thai sản chỉ có thể áp dụng cho gần 30% lực lượng lao động và việc khu vực phi chính thức, bao gồm cả ngành nông nghiệp vẫn còn quá lớn là một vấn đề đối với việc thực thi pháp luật.

Đến nay, ILO đã có 3 công ước về bảo vệ thai sản được thông qua vào năm 1919, 1952 và 2000. Các công ước này quy định việc phòng ngừa tiếp xúc với những nguy hại về an toàn và sức khỏe trong quá trình mang thai và cho con bú, quyền được trả trợ cấp thai sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em và thời giờ nghỉ cho con bú, bảo vệ chống phân biệt đối xử và sa thải liên quan đến thai sản, cũng như quyền được đảm bảo khi trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản.

Đến năm 2013, ít nhất đã có 78 trên tổng số 167 quốc gia quy định hình thức nghỉ phép nhất định dành cho các bậc làm cha khi con mình chào đời. Đó là một sự tiến bộ bởi vì vào năm 1994, chế độ nghỉ thai sản dành cho nam giới chỉ tồn tại ở 40 trên tổng số 141 quốc gia.

Chế độ thai sản dành cho các bậc làm cha được áp dụng phổ biến nhất tại các nền kinh tế phát triển, châu Phi, Đông Âu và Trung Á.

Hiện nay, Việt Nam không năm trong số 66 quốc gia (trên tổng số 185 quốc gia và vùng lãnh thổ) đã cam kết thực hiện ít nhất 1 trong 3 công ước trên. Tuy nhiên, các điều khoản quy định trong bộ Luật Lao động và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các công ước của ILO để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của bà mẹ và trẻ em Việt Nam.

Hồng Kiều

vietnam+

Các tin tức khác

>   Ô nhiễm ở dự án bò sữa TH True Milk: 700 hộ dân phải di dời (13/05/2014)

>   Đề nghị đưa Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an LHQ (13/05/2014)

>   Kiện Trung Quốc: Nhiệm vụ cấp bách (13/05/2014)

>   Trung Quốc lại yêu cầu Việt Nam “dừng quấy rối” (13/05/2014)

>   Sự thật việc hàng trăm website bị "hacker TQ" tấn công (12/05/2014)

>   Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc chỉ chờ Việt Nam thiếu kiềm chế (12/05/2014)

>   VTV đã sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014 (12/05/2014)

>   Quan hệ Nga - Trung và ẩn số biển Đông (12/05/2014)

>   Máy bay Mỹ sẽ theo dõi hoạt động quân sự Trung Quốc (12/05/2014)

>   Báo chí quốc tế đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Việt Nam (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật