Thứ Ba, 13/05/2014 13:58

Kiện Trung Quốc: Nhiệm vụ cấp bách

Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm. Hành vi dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia khác là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

* Trung Quốc lại yêu cầu Việt Nam “dừng quấy rối”

Đó là phân tích của tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển. Ông Giao cho rằng:

- Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm. Hành vi dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia khác là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đến nay, với việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HD 981), Trung Quốc đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế và Luật biển quốc tế. Căn cứ vào quy định của Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc.

Ông Hoàng Ngọc Giao

Ít nhất 2 vụ kiện

* Cơ chế giải quyết vụ kiện ở các tòa án quốc tế hiện quy định ra sao? Chúng ta nên bắt đầu như thế nào?

- Công ước Luật biển năm 1982 có hẳn một phần quy định rất chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp. Hiện nay, cũng không chỉ có Tòa án công lý quốc tế là nơi để các quốc gia có thể nhờ cậy giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đối với biển đảo còn có một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, đó là Tòa án luật biển được thành lập theo Công ước Luật biển năm 1982. Chúng ta cần nói rõ là ở biển Đông thì Trung Quốc có yêu sách về vùng biển và yêu sách về đảo, quần đảo. Đối với đảo, quần đảo là yêu sách về lãnh thổ, bao gồm đảo và phạm vi 12 hải lý tính từ đảo. Còn theo Công ước Luật biển năm 1982 với vùng mở rộng 200 hải lý thì quốc gia có quyền chủ quyền chứ không gọi là lãnh thổ. Như vậy, có thể thấy rõ hai vụ kiện. Một là vụ kiện liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa là vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ. Hai là vụ kiện về hành vi của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - thì lại là vụ kiện chống lại hành vi Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vụ kiện này cần phải đưa ra Tòa án luật biển quốc tế.

Nhưng Trung Quốc không chỉ chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà còn đưa ra nhiều yêu sách với phần lớn diện tích biển Đông, tức là cả một vùng nước rất rộng lớn. Họ đưa ra “đường lưỡi bò”, họ cấm đánh bắt hải sản, họ buộc tàu bè đánh cá phải xin phép... Các yêu sách này không những vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn của một số quốc gia khác. Ví dụ, với hành vi ra lệnh cấm các nước trong khu vực đánh bắt cá trên phần lớn diện tích biển Đông, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của công ước về quy chế pháp lý của các vùng biển. Nói cách khác, Trung Quốc đã ngang ngược phớt lờ các quy định về quyền của các quốc gia ven biển về vùng đặc quyền kinh tế. Có thể hình dung rằng Trung Quốc đã tự coi biển Đông như ao nhà của mình và tự ý áp đặt luật chơi. Với những hành vi như vậy, nó xâm hại đến tự do hàng hải và các quyền hợp pháp của các nước khác, thì quốc gia bị ảnh hưởng có thể kiện ra Tòa án luật biển theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nghĩa là không nhất thiết cả hai bên tranh chấp phải đồng ý thì mới giải quyết. Philippines đã vận dụng cơ chế này và Tòa án luật biển đang thụ lý vụ việc. Với việc Trung Quốc tuyên bố vùng phải xin phép đánh cá trên phần lớn diện tích biển Đông vừa rồi, chúng ta hoàn toàn có thể kiện ra Tòa án luật biển.

* Ông dự liệu thế nào về những khó khăn chúng ta phải đối mặt khi muốn đưa vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ ra Tòa án công lý quốc tế?

- Đến nay, Tòa án công lý quốc tế đã giải quyết rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Ví dụ như vụ tranh chấp ở biển Bắc giữa Đan Mạch, Na Uy; vụ tranh chấp giữa các nước châu Phi có bờ biển liền kề chồng lấn, gần đây là vụ tranh chấp khu vực đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia... Nói như vậy để biết các vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, việc đưa ra Tòa án công lý quốc tế về mặt thủ tục cũng có những khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là Trung Quốc không bao giờ muốn đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Vì vậy, ai cũng dự liệu được rằng nếu Việt Nam có nộp đơn thì tòa cũng không giải quyết được do Trung Quốc sẽ phản đối. Việt Nam cũng có thể khiếu nại vụ việc này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên họ có quyền phủ quyết.

Không chỉ ngoại giao mà còn phải qua con đường luật pháp

* Như vậy việc “mời” Trung Quốc ra Tòa án công lý quốc tế là không khả thi. Vậy chúng ta được gì nếu đơn phương đệ đơn kiện?

- Tôi cho rằng rất khó có khả năng để chúng ta đạt được mục đích là tòa thụ lý vụ kiện, bởi Trung Quốc sẽ phản đối. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt được nhiều mục đích khác. Trước hết là chúng ta có một bộ hồ sơ pháp lý đàng hoàng. Chúng ta thách thức Trung Quốc ra trước công lý quốc tế. Và khi đó dư luận quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi với Trung Quốc rằng nếu anh hành xử đúng pháp luật quốc tế thì tại sao lại từ chối thẩm quyền xem xét vụ việc tại tòa án? Tôi có thể khẳng định rằng khi chúng ta có được bộ hồ sơ pháp lý như vậy sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân Việt Nam và nhân dân quốc tế về những căn cứ pháp lý, lịch sử xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, nhân dân Việt Nam và quốc tế hiểu rõ rằng ai là người có đủ tư cách, có đủ căn cứ pháp lý để làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc đưa vụ kiện theo thủ tục trọng tài bắt buộc về việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm công ước khi ra lệnh cấm đánh bắt, lệnh buộc phải xin phép khi khai thác cá trên biển Đông, cũng như hành vi Trung Quốc hiện nay đang xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc đã đến lúc phải làm ngay, và có thuận lợi để làm. Lúc này, bị đơn là một, tức Trung Quốc, còn nguyên đơn bắt đầu có hai là Việt Nam và Philippines (tất nhiên hồ sơ pháp lý của Philippines sẽ khác của Việt Nam). Như vậy, chúng ta góp thêm một tiếng nói không chỉ để bảo vệ quyền của chính mình mà đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật biển quốc tế, tôn trọng “luật chơi văn minh” với các quốc gia khác trong các quan hệ liên quan tới biển Đông.

* Ai sẽ là người đứng ra khởi kiện?

- Theo pháp luật quốc tế, các quốc gia được đại diện bởi nhà nước, do đó việc khởi kiện phải đứng danh của Nhà nước và Chính phủ phải làm việc này. Tất nhiên thủ tục, hồ sơ pháp lý đối với một vụ kiện như thế này là rất phức tạp, công phu. Thông thường các nước đều phải lập ra một nhóm công tác chuyên tâm làm việc này, kể cả thuê các luật sư quốc tế để xây dựng hồ sơ. Nếu chúng ta có quyết tâm cao và ý thức rằng trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ được chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền chủ quyền của mình trên biển Đông thì con đường đấu tranh không chỉ dừng lại ở ngoại giao mà còn phải qua luật pháp. Như vậy, chúng ta cần có quyết tâm và bản lĩnh chính trị để đưa vụ này ra kiện. Chúng ta thấy rằng Philippines làm việc này chỉ trong thời gian ngắn, họ vừa nỗ lực ngoại giao vừa nỗ lực về pháp lý.

* Ông bình luận như thế nào về việc Trung Quốc luôn rêu rao rằng mình đúng nhưng lại không dám đối đầu với các vụ kiện thế này?

- Những nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ rằng họ vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, với tư tưởng đại Hán và chính sách nước lớn muốn thay đổi lại trật tự thế giới, đặt lại “luật lệ cuộc chơi”, thì hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của họ có thể được nhìn nhận rằng Trung Quốc đang nỗ lực phá bỏ các quy định của pháp luật quốc tế bất lợi cho lợi ích bá quyền của mình. Từ đó giúp áp đặt những “quy tắc và kiểu chơi” của họ trong quan hệ quốc tế.

Cũng không khó hiểu khi Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề ở biển Đông. Một mặt Trung Quốc sợ ánh sáng công lý quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc quyết tâm áp đặt “luật chơi” của họ. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc cũng không cảm thấy ngại ngùng hoặc lo ngại về uy tín quốc gia của họ, khi họ vô căn cứ đưa ra yêu sách chủ quyền của họ ở biển Đông, đối với đảo Senkaku của Nhật Bản, khi họ dùng các “học giả” và bộ máy truyền thông đưa tin không đúng sự thật về các hành vi gây rối, xâm chiếm của họ ở biển Đông. Do vậy trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng ta phải phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đấu tranh trên nhiều mặt trận: ngoại giao, pháp lý và tại hiện trường - hành động khéo léo và kiên quyết.

Lê Kiên

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Trung Quốc lại yêu cầu Việt Nam “dừng quấy rối” (13/05/2014)

>   Sự thật việc hàng trăm website bị "hacker TQ" tấn công (12/05/2014)

>   Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc chỉ chờ Việt Nam thiếu kiềm chế (12/05/2014)

>   VTV đã sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014 (12/05/2014)

>   Quan hệ Nga - Trung và ẩn số biển Đông (12/05/2014)

>   Máy bay Mỹ sẽ theo dõi hoạt động quân sự Trung Quốc (12/05/2014)

>   Báo chí quốc tế đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Việt Nam (12/05/2014)

>   Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả thích đáng (12/05/2014)

>   Ba câu hỏi quanh vụ giàn khoan HD-981 (12/05/2014)

>   Giàn khoan 981 phơi bày chiến thuật mới của Trung Quốc (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật