Thứ Hai, 12/05/2014 13:16

Ba câu hỏi quanh vụ giàn khoan HD-981

“Một điều gì đó mang tính nền tảng đang diễn ra trong hành vi chính sách đối ngoại của Trung Quốc”...

Tờ Foreign Policy của Mỹ vừa đưa ra ba câu hỏi xung quanh vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu nước sâu HD-981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đó là, Trung Quốc đang tìm cách đạt mục đích gì? Liệu vụ việc này có thể dẫn tới xung đột quân sự? Và vụ việc này có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á?

Tạp chí chuyên về chính sách ngoại giao này cũng đưa ra những câu trả lời ngắn gọn cho các câu hỏi trên.

Thứ nhất, giới quan sát cảm thấy khó hiểu trước hành vi gây hấn của Bắc Kinh vì hành vi này dường như không phù hợp với các tiếp cận trước đó của Bắc Kinh trong các mối quan hệ khu vực, đồng thời rất có thể “phản đòn”.

Với câu hỏi thứ hai, những gì đang xảy ra có thể biến thành xung đột.

Và thứ ba, ý muốn của Mỹ về duy trì ảnh hưởng trong khu vực có thể tùy thuộc vào cách mà Washington xử lý tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như việc liệu các quốc gia khác trong khu vực có tin Washington sẵn sàng đương đầu với một Trung Quốc đang nổi lên.

Căng thẳng trên biển Đông đã gia tăng mạnh trong hơn một tuần qua. Ngoài việc Trung Quốc cố tình hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam, căng thẳng trong khu vực còn được đẩy lên khi Philippines bắt một tàu cá của Trung Quốc và tống giam 11 ngư dân trên con tàu này, chuẩn bị đem số ngư dân này ra xét xử theo pháp luật Philippines.

Theo đánh giá của bài viết trên Foreign Policy, lâu nay, Bắc Kinh vẫn cho rằng, với chính sách xoay trục về châu Á, Mỹ đã “khuyến khích” các nước trong khu vực này có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc so với thời điểm mấy năm trước.

“Cần phải chỉ ra rằng, hàng loạt những bình luận sai trái và vô trách nhiệm gần đây từ nước Mỹ - vốn phớt lờ những sự thật về các vùng nước liên quan - đã khuyến khích hành vi nguy hiểm và gây hấn của một số quốc gia”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước.

Trước dó, Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục đưa ra những tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc trên biển Đông, nói rằng những hành động như vậy “gây phương hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Đối với một quốc gia đã dành 30 năm để thuyết phục láng giềng rằng mình đang tìm kiếm một “sự nổi lên hòa bình” về sức mạnh kinh tế lẫn chính trị như Trung Quốc, thì hành động cứng rắn là hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi dùng khoảng 80 tàu bảo vệ bờ biển và tàu hải quân để bảo vệ giàn khoan này, đang đặt ra những câu hỏi lớn - Foreign Policy viết.

Và vấn đề đầu tiên được đặt ra: Trung Quốc đang nghĩ gì?

“Một điều gì đó mang tính nền tảng đang diễn ra trong hành vi chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, ông David Lai, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc trường US Army War College trực thuộc quân đội Mỹ, nhận xét. “Người Trung Quốc đang chuyển từ chỗ ‘giấu mình, tránh xuất hiện’ sang chủ động hơn”.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, hành vi ngang ngược Trung Quốc trên biển Đông xuất phát từ những lo ngại của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc nền kinh tế nước này đang giảm tốc và bong bóng địa ốc có nguy cơ nổ. Sự sa sút về kinh tế có thể kéo theo bất ổn chính trị, làm suy giảm sự ủng hộ của người dân đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Ổn định chính trị trong nước có lẽ là lợi ích quan trọng nhất mà Trung Quốc theo đuổi với chiến lược biển trong khu vực của họ”, ông Peter Dutton, người đứng đầu Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc trường US Naval War College thuộc Hải quân Mỹ, nhận xét.

Ông Dutton nhận thấy sự tương đồng giữa những gì đang diễn ra trên biển Đông với cách Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và phong trào bài Nhật trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông năm 2012. “Đây là một cơ hội để tạo không gian chính trị trong nước bằng cách đẩy chủ đề chủ nghĩa dân tộc vào vị trí tỏa sáng nhất, thay đổi trọng tâm của sự chú ý”, ông Dutton nói.

Câu hỏi lớn tiếp theo đặt ra là liệu vụ HD-981 có khả năng dẫn tới những diễn biến nghiêm trọng hơn? Có hai lý do dẫn tới lo ngại như vậy, theo Foreign Policy. Thứ nhất, không giống như Philippines và Nhật Bản, Việt Nam không có thỏa thuận quân sự chính thức nào với Mỹ, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không lo chuyện Washington buộc phải vào cuộc. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu quân sự với nhau nhiều lần trong lịch sử hàng nghìn năm, gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Cho tới gần đây, nhiều nhà quan sát vẫn lo ngại nghĩa vụ quân sự của Mỹ với Nhật Bản có thể lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột với Trung Quốc vì những nghĩa vụ này bao trùm cả quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông là Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc đã có những bước đi giảm căng thẳng với Nhật Bản, bao gồm việc cử các phái đoàn ngoại giao tới Tokyo và giảm các cuộc tuần tra cả đường không lẫn đường thủy xung quanh quần đảo tranh chấp.

“Tôi sẽ không thấy lo nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Philippines. Nhưng Việt Nam có năng lực hoàn toàn khác và họ có một lịch sử khác trong quan hệ với Trung Quốc”, ông M. Taylor Fravel, một chuyên gia về tranh chấp trên biển ở châu Á thuộc Viện Công nghệ Masachusetts của Mỹ, nhận định.

Còn câu hỏi thứ ba, liệu vụ HD-981 có ảnh hưởng như thế nào với Mỹ? Trong chuyến thăm Nhật mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obam nhấn mạnh rằng, sự đảm bảo an ninh của Tokyo đối với Washington bao hàm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, trên biển Đông, Mỹ chưa hề có một thỏa thuận quốc phòng hay liên minh nào với Việt Nam. Washington cũng không đưa ra lập trường khẳng định quốc gia nào nắm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Suốt nhiều năm qua, Mỹ chỉ nhấn mạnh rằng, nước này muốn duy trì tự do hàng hải trong khu vực và kêu gọi các quốc gia sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Đáng kể nhất là việc Tokyo và Washington ủng hộ quyết định của Philippines về đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp biển đảo.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, cho dù không muốn tham gia trực tiếp vào vấn đề biển Đông, thì điều đó cũng không có nghĩa là Washington sẽ tránh được việc tham gia.

“Đây thực sự là một thách thức cho Mỹ. Một trong những mục tiêu của Mỹ ở khu vực này là trấn an đồng minh, đối tác và bạn bè. Và nếu chúng tôi không tham gia, thì khi đó việc trấn an này sẽ trở thành một mối nghi ngờ”, chuyên gia Dutton thuộc trường Naval War College nói.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Giàn khoan 981 phơi bày chiến thuật mới của Trung Quốc (12/05/2014)

>   Hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất! (12/05/2014)

>   Chuyên gia Nga: "Hành động của Trung Quốc hết sức nguy hiểm" (12/05/2014)

>   Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu Việt Nam (12/05/2014)

>   Hàng trăm website bị hacker Trung Quốc tấn công (11/05/2014)

>   TQ tiếp tục sử dụng tàu, máy bay bảo vệ giàn khoan 981 (11/05/2014)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hòa bình ở Biển Đông bị đe dọa (11/05/2014)

>   Casino, không dễ nói “No!” (11/05/2014)

>   Hãng sữa lại lách luật tăng giá (11/05/2014)

>   Không phải vụ Bầu Kiên, vụ Huyền Như mới là đại án tham nhũng? (11/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật