TP.HCM: Tín hiệu tích cực từ thu ngân sách
Tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM ngày 15-5 về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn Thành phố, các đơn vị ngành Tài chính báo cáo kết quả thu ngân sách đạt khá.
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, kinh tế -xã hội TP.HCM 4 tháng đầu năm 2014 có sự tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu bắt đầu có xu hướng tăng trở lại (tăng 3% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kì năm 2013) vượt qua khó khăn giảm liên tục trong quý I.
Quang cảnh buổi làm việc
|
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4 đạt 51.794 tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kì năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm đạt trên 204.513 tỉ đồng, tăng 12,1% so với cùng kì năm 2013.
Chương trình bình ổn thị trường triển khai có hiệu quả góp phần kìm giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,04% so với tháng 3, so với tháng 12-2013 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,14%.
Ngành công nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng cao hơn so cùng kì. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố 4 tháng đầu năm ước tăng 5,2% so với cùng kì năm trước. Quy mô sản xuất công nghiệp Thành phố tiếp tục được mở rộng, có dấu hiệu khởi sắc. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỉ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 4,2% so với cùng kì.
Tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có chuyển biến tốt.Tính chung, tổng số vốn đầu tư đăng kí cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 128 dự án với tổng vốn đầu tư 765,4 triệu USD, tăng 120% về vốn so với cùng kì năm trước.
Thu ngân sách đạt khá
Đánh giá về kết quả thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng qua, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết đã có sự chuyển biến tích cực, kết quả tương đối khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt khá so với dự toán và tăng cao hơn so với cùng kì năm trước. Đặc biệt, thu từ khu vực kinh tế tăng đến 20,62% so với cùng kì. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh có sự phục hồi, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tổng thu ngân sách 4 tháng của Thành phố ước đạt 85.854 tỉ đồng, tăng 18,74% so với cùng kì năm 2013, đạt 37,94% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 49.244 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kì, đạt 39,65% dự toán; thu từ khu vực kinh tế đạt gần 37.000 tỉ đồng, tăng 20,62% so với cùng kì năm 2013, đạt 42,15% dự toán.
Lí giải về tác động tăng nguồn thu, bà Đào Thị Hương Lan cho rằng, do tình hình kinh tế- xã hội Thành phố tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định, một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phát triển tốt, tăng hơn so với cùng kì. Các doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới tăng về số lượng và số vốn đăng kí. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất tăng cao so với cùng kì năm trước, như: xăng dầu tăng 36%, ô tô tăng 49%, kim khí điện máy tăng 15%, điện thoại di động tăng 68%... cũng là yếu tố tác động dẫn đến tăng nguồn thu.
Theo ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thu ngân sách tăng còn có sự tác động từ cơ chế chính sách, như: Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Quản lí thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng đối với người nộp thuế có tổng thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỉ đồng trở xuống được chuyển từ kê khai hàng tháng sang kê khai hàng quý. Theo đó, số thuế giá trị gia tăng của quý IV năm 2013 được nộp trong tháng 1-2014 dẫn đến tăng nguồn thu trong 4 tháng năm 2014.
Việc điều chỉnh mức nộp phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi điều chỉnh giảm từ 15% xuống 10% cũng đã kích thích sức mua ô tô trong 4 tháng qua. Qua đó, số thu phí trước bạ tăng cao (gần 30%) so với cùng kì năm 2013.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, mặc dù kết quả thu, chi ngân sách của Thành phố 4 tháng qua đạt khá so với dự toán và cùng kì năm trước, nhưng tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: sản xuất kinh doanh còn khó khăn, sức mua của người dân giảm, thị trường bất đống sản chưa chuyển biến rõ nét…
Vì vậy, trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xã hội nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Thành phố.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chủ động thực hiện các giải pháp quản lí, khai thác và bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu. Trong đó, tăng cường công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; đôn đốc thu kịp thời số thuế phát sinh và số nợ thuế vào ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thu ngân sách Nhà nước. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền thương mại… nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, trốn thuế.
Thu Dịu
hải quan
|