Nước giải khát không cồn ở Việt Nam như “công chúa ngủ trong rừng”?
Một thương nhân dí dỏm ví von, ngành hàng nước giải khát không cồn ở Việt Nam, hấp dẫn như “công chúa ngủ trong rừng”. Nàng sẽ được đánh thức bởi hoàng tử mang tên thị trường.
Ngành công nghiệp nước giải khát không cồn Việt Nam bao gồm các sản phẩm nước khoáng đóng chai, nước trà xanh, cà phê uống liền đóng chai, nước ép hoa quả, nước dinh dưỡng, nước tăng lực và nước ngọt có gas.
Trong những năm gần đây, các hãng đua nhau cho “ra lò” thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng, chứng minh về sự lớn mạnh của ngành nước giải khát Việt Nam
|
Thương hiệu lớn đua sức cạnh tranh
Trong những năm gần đây, các hãng đua nhau cho “ra lò” thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng, chứng minh về sự lớn mạnh của ngành nước giải khát Việt Nam. Nếu như thời điểm năm 2006, Tân Hiệp Phát “trúng đậm” với sản phẩm nước giải khát Trà xanh 00 lần đầu tiên có mặt tại thị trường thì chỉ vài năm sau, thị trường này bị chia nhỏ bởi hàng chục nhãn hàng trà của các thương hiệu lớn như Real Leaf (Coca Cola), Vfresh (Vinamilk), Lipton Pure Green (Pepsi), C2 (URC), Thiên Trà Vedan (Vedan). Sự “nhập cuộc” của những tập đoàn lớn vốn không thuộc ngành sản xuất đồ uống, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này.
Theo nghiên cứu của Vinaresearch (công ty TNHH nghiên cứu thị trường W&S), năm 2013, 86% số lượng người chọn những thức uống bổ dưỡng vì mục đích bổ sung vitamin và mục đích đẹp da, thay vì những lý do thông thường như là tiêu dùng do thói quen hay là được bán rộng rãi trên thị trường.
Còn Euromonitor (tập đoàn nghiên cứu thị trường toàn cầu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ) lại chỉ ra rằng, vào năm 2013, một lon Pepsi hay Coca Cola có giá khoảng 5.000 đồng, trong khi một chai nước trà xanh hoặc nước ép hoa quả có giá tới 7.000 đồng. Vì lý do sức khỏe, người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng “móc hầu bao” - trả một giá cao hơn để sử dụng nước uống dinh dưỡng so với những thức uống có gas khác.
Đồng thời, với sự phát triển của các sản phẩm mới với lợi nhuận cận biên cao đã khiến nhiều công ty tham gia vào thị trường như Tập đoàn T&T với nhà máy sản xuất nước collagen làm đẹp da vào cuối năm 2013. Sự “góp mặt” của những đối thủ mới tinh này, chứng tỏ thị trường nước uống có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.
Sự hấp dẫn của ngành giúp nhiều doanh nghiệp “phất như diều gặp gió”. Đơn cử, nhà máy nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh (thuộc công ty TNHH một thành viên nước khoáng và thương mại dịch vụ Quảng Ninh) với sản phẩm nước chanh muối Faith. “Doanh nghiệp mới xây dựng thị trường trong vòng 4 năm, tới nay đã có hơn 1.000 đại lý và nhà phân phối ở miền Bắc, chỉ tính riêng một sản phẩm này, DN cung cấp cho thị trường Hà Nội đạt doanh số 30 tỷ đồng/tháng, giờ không có nhu cầu mở thêm đại lý ở Hà Nội nữa”, một cán bộ lãnh đạo của công ty bật mí.
Hay như thương hiệu trà xanh C2, anh Trần Minh Khoa, chủ đại lý chuyên phân phối sản phẩm này tại quận Bình Tân và Bình Chánh (TP HCM) tiết lộ, trong đợt nắng nóng vừa qua, doanh số đã đạt tới 12 tỷ đồng.
Gia nhập TPP và thách thức
Tốc độ tăng trưởng của ngành nước giải khát Việt Nam được hỗ trợ bởi xu hướng dịch vụ ăn nhanh đang gia tăng tại Việt Nam. Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng của fast food (đồ ăn nhanh) ở Việt Nam đạt 17% năm 2013, cao hơn so với 15% đạt được năm 2012. Dự kiến trong 5 năm tới, dịch vụ ăn nhanh vẫn tăng với tốc độ trung bình 7%, tạo cơ hội tốt cho sản lượng nước giải khát, đặc biệt là nước ngọt có gas được tiêu thụ với số lượng lớn.
Còn theo nghiên cứu của công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbanksc), năm 2013, tổng doanh thu ngành nước giải khát không cồn là 11,870 tỷ đồng, sản lượng bán ra 2.083 triệu lít; tăng trưởng giai đoạn năm 2009-2013 là 19,35%, trong đó xuất khẩu đạt hơn 2 triệu lít; dự kiến tăng trưởng giai đoạn 2014-2018 sẽ là 14,2%, với số lượng doanh nghiệp sản xuất là 135 doanh nghiệp.
Việc tham gia ký hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cho ngành đồ uống có nhiều cơ hội mới như gia tăng xuất khẩu do các nước TPP xóa bỏ thuế quan theo cam kết, được áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ hội thu hút đầu tư từ phía các doanh nghiệp Mỹ và các nước TPP khác vào ngành đồ uống Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, TPP cũng mang đến nhiều thách thức khi ngành đồ uống phải đón nhận sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Việc giảm thuế thu nhập khẩu từ 30% đối với nước giải khát có gas xuống 0% đã đưa nước giải khát Việt Nam vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Thêm vào đó, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam cũng làm giảm thị phần của các doanh nghiệp nội địa làm giàu từ “miếng bánh” béo bở này.
Mai Hoa
pháp luật tphcm
|