Chuyên gia Worldbank: Minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Quốc hội VN đang thảo luận dự thảo Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đây được xem là một cơ hội quan trọng nhằm tăng cường sự minh bạch về tình hình hoạt động và tài chính của DNNN, khối doanh nghiệp đang chiếm tới 1/3 GDP của VN.
Trong những năm gần đây, VN đã đạt được nhiều tiến triển trong việc cung cấp thông tin được công khai và trực tuyến. Một ấn phẩm gần đây của Tổ chức Arachnys Open Data Compass cho thấy VN đã là “một trong những nước đi đầu trong khu vực”, xếp thứ hai trong nhóm các quốc gia ASEAN xét về mức độ sẵn có của thông tin về doanh nghiệp trên mạng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công khai thông tin của DNNN, cùng với các cuộc cải cách khác, có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Công khai thông tin, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính, và có thể là công khai nội bộ hay bên ngoài (công bố ra công chúng).
TS Gregory Smith, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên của nhóm nghiên cứu hỗ trợ Chính phủ VN trong việc cải thiện hiệu quả DNNN, đặc biệt trong lĩnh vực thể chế về công khai thông tin và tìm hiểu các thông tin được DNNN công bố trên thực tế. Ông có nhiều nghiên cứu về chính sách tiền tệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm cải thiện cuộc sống con người. |
Tuy nhiên nhìn chung thông tin công bố của phần lớn DNNN là chưa đầy đủ về chất lượng, thiếu độ chính xác và tính kịp thời, nên khả năng giám sát của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của DNNN còn nhiều hạn chế. Nghị định 61 (tháng 6-2013) là một bước tiến trong việc công khai thông tin, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Các quy định hiện nay chưa đủ để đưa ra một khung pháp lý hiệu quả trong việc công bố thông tin. Đã có một số quy định về nghĩa vụ công khai thông tin tài chính và phi tài chính của DNNN, nhưng hướng dẫn còn chưa đồng bộ và khó thực hiện. Cũng còn nhiều vấn đề về việc thực thi, giám sát và mức độ chi tiết của yêu cầu, vì vậy trong thực tế nhiều DNNN công khai thông tin chủ yếu trên cơ sở tự giác.
Trong năm 2013, chúng tôi tìm kiếm trên mạng và thấy 89 DNNN của VN có trang web, trong đó có 11 tập đoàn và 12 tổng công ty. Mặc dù đã có nhiều DNNN công khai thông tin hữu ích, song vẫn còn phải cải thiện chất lượng thông tin.
Chúng tôi thấy chỉ có 9% cung cấp thông tin tài chính tổng hợp và chỉ 16% công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy dù có thể trên mạng không có thông tin nhưng các DNNN đều có thông tin cho mục đích nội bộ. Những thông tin này cần được chia sẻ rộng rãi, và hơn thế nữa phải cải thiện chất lượng thông tin để phục vụ mục đích giám sát và đánh giá. Năm nay chúng tôi dự định thực hiện hoạt động này một lần nữa để xem tình hình có được cải thiện không.
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện năm 2010, trong đó cho thấy gần như tất cả DNNN cung cấp báo cáo cho các bộ và cơ quan chủ quản, nhưng chỉ có 7% DNNN công khai lưu hành các báo cáo và chỉ 9% trong số 290 DNNN được nghiên cứu - sử dụng truyền thông đại chúng.
Điều thú vị là các DNNN cổ phần hóa công khai nhiều hơn với 32% sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng vào thời điểm nghiên cứu.
Điều này cho thấy DNNN cổ phần hóa công bố thông tin nhiều hơn, dù gần đây quá trình thoái vốn nhà nước đã chậm hơn dự kiến. Những DNNN đã cổ phần hóa như Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng Công thương, Vinaconex... là những ví dụ cho thấy có sự minh bạch hơn nhiều trong việc công bố thông tin từ sau cổ phần hóa.
Việc khuyến khích DNNN cung cấp thông tin đầy đủ hơn, có chất lượng hơn không chỉ tốt hơn cho chính các doanh nghiệp này, mà Chính phủ và mọi người dân đều có thể tham gia giám sát tình hình hoạt động và tài chính của DNNN dễ hơn.
TS GREGORY SMITH (chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới)
tuổi trẻ
|