Kịch bản nào cho xuất khẩu hàng nông, thủy sản?
Thị trường xuất khẩu (XK) hàng nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải giành thế chủ động nếu như Trung Quốc áp dụng bất kỳ các biện pháp tiêu cực nào đến các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trung Quốc - Thị trường xuất khẩu lớn
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XK của cả nước trong tháng 5 ước đạt 12 tỉ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 58,508 tỉ USD, trong đó riêng tháng 5, mặt hàng nông, thủy sản đạt 1,829 tỉ USD, đưa nhóm mặt hàng này đạt 8,916 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. So với cùng kỳ năm 2013, các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay là: Hạt tiêu, đạt 669 triệu USD, tăng 47,7%; cà phê đạt 1,995 tỉ USD, tăng 31,3%; rau quả đạt 475 triệu USD, tăng 28,4%; thủy sản đạt: 2,899 tỉ USD, tăng 28,1%...
Thực tế nhiều năm nay, mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, XK hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc (bao gồm cả mặt hàng gạo) đạt 4,14 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc).
Nhìn về tổng thể, bên cạnh các phương pháp, giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thì nghiên cứu và cơ cấu lại các khu vực thị trường XK tiềm năng xem ra là việc làm cấp thiết hiện nay. Tiếp nữa là các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm cũng cần phải được xúc tiến nhanh chóng, kịp thời. Đây không chỉ là giải pháp tình huống mà còn là sự chủ động cho các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong dài hạn. |
Năm tháng đầu năm nay, tuy có những biến động nhưng kim ngạch XK hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng.
Điều này cho thấy, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam không đòi hỏi quá khắt khe, chủng loại phong phú, số lượng lớn, vì thế tương đối thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhất là một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: Sắn, cao su, thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu….
Cần phải cơ cấu lại thị trường
Tuy hàng nông, thủy sản của chúng ta đã thâm nhập và chiếm lĩnh được nhiều thị trường trên thế giới nhưng với thực tế hiện nay: Trung Quốc NK tới 70 - 75% toàn bộ giá trị XK cao su; đứng thứ 4 về thị trường XK thủy sản của Việt Nam; trên 1/3 sản lượng gạo; 67% lượng Thanh Long, gần 100% sản lượng sắn… nếu có sự tác động tiêu cực nào tới các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới “đầu ra” của những mặt hàng nông, thủy sản. Vì vậy, Việt Nam phải có những kịch bản để chủ động ứng phó được trong mọi tình huống.
Thứ nhất, kể cả nếu không khó khăn về thị trường XK thì vấn đề “kích cầu” tiêu dùng trong nước càng phải đẩy mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hàng loạt mặt hàng như: gạo, đường, rau quả, thủy sản... hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Điều này cũng phù hợp với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động 5 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tích cực thuyết phục đó thì thực tế cũng thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế mấy năm nay khó khăn, người dân phải thắt chặt chi tiêu, đã vậy, với mức giá từ người sản xuất đến người tiêu dùng luôn chênh lệch rất cao (do qua nhiều nấc trung gian) thì khó có thể kích cầu tiêu dùng nội địa. Ví dụ, có những thời điểm người dân trồng dưa hấu chỉ bán 200 đồng/kg nhưng tại Hà Nội, người tiêu dùng vẫn phải mua ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg. Tương tự mặt hàng: Cà phê, thủy sản, gạo, thanh long… cũng như vậy. Đó là chưa kể tới mặt hàng cao su, chủ yếu còn ở dạng thô, không có điều kiện tiêu thụ trong nước.
Quỳnh Minh
công thương
|