Ngân hàng lên sàn: Chưa vội!
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần dứt khoát phải lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đã bốn tháng trôi qua mà 26 ngân hàng "ngoài sàn" vẫn chưa chuẩn bị kế hoạch niêm yết.
Không nóng chuyện lên sàn
Mùa họp đại hội đồng cổ đông ngân hàng sắp kết thúc. Rất nhiều ngân hàng đã công bố nghị quyết đại hội. Nhưng vấn đề nóng tại các đại hội năm nay là chuyện nhân sự ban lãnh đạo, chuyện nợ xấu, và chuyện lợi nhuận tăng trưởng ì ạch. Không có ngân hàng nào trình cổ đông phương án niêm yết cổ phiếu cho dù Thủ tướng đã chỉ đạo từ đầu năm.
Niêm yết cổ phiếu chưa phải nguyện vọng của nhiều ngân hàng trong năm nay
|
Hiện có 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các ngân hàng lớn mà cổ đông nhà nước nắm vai trò chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số ngân hàng TMCP lớn như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB, và một ngân hàng nhỏ vốn điều lệ 3000 tỉ đồng là Navibank. Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng này, tính theo mệnh giá, vào khoảng 134.000 tỉ đồng.
Nếu 26 ngân hàng còn lại cũng lên sàn thì giá trị niêm yết sẽ tăng thêm khoảng 150.000 tỉ đồng, còn cao hơn giá trị các cổ phiếu đã niêm yết.
Trước khi diễn ra thương vụ sáp nhập giữa Westernbank và PVFC, hai tổ chức tài chính này cho biết có nguyện vọng lên sàn sau tái cấu trúc, nhưng trong đại hội vừa qua, ngân hàng sau sáp nhập PVCombank cho biết đó là kế hoạch của hai năm tới, còn thời điểm hiện tại, ngân hàng cũng chưa tính đến việc niêm yết cổ phiếu.
Việc không muốn lên sàn của một số ngân hàng trong thời điểm này cũng không quá khó hiểu, khi mà điều này không mang lại nhiều lợi ích. Hiện tại, nhu cầu tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu không còn quá cấp bách. Trong khi tình hình chung của ngành ngân hàng trong năm 2014 vẫn là khó khăn và dự báo lợi nhuận sẽ sụt giảm thì việc lên sàn còn có thể khiến cổ phiếu đi xuống. Chưa kể các ngân hàng đang có nhu cầu bán cổ phần cho đối tác ngoại thì việc không lên sàn sẽ thuận lợi hơn.
Giải thích với đại hội đồng cổ đồng năm ngoái lý do vì sao trì hoãn chuyện lên sàn, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết việc lên sàn chỉ có mục đích tạo thanh khoản cho cổ phiếu, và minh bạch thông tin. Nhưng thực chất, hiện tại dù không lên sàn thì thông tin của DongA Bank vẫn minh bạch, còn thanh khoản của cổ phiếu nếu có thì tốt, nhưng nếu không, cổ đông cũng có thể trao đổi, mua bán tại công ty chứng khoán đang quản lý sổ cổ đông của ngân hàng. Trong khi thị trường chứng khoán chưa thật khởi sắc thì kế hoạch này nên tạm gác lại để tập trung mạnh vào tái cấu trúc ngân hàng và tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, ông tổng giám đốc này cho biết.
Tuy vậy, việc các ngân hàng có thể lên sàn được hay không ngoài phụ thuộc vào quyết định của cổ đông ngân hàng đó, thì các ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật
Thông tư số 26/2012/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN đối với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng cổ phần (TCTD). Trong đó có một số điểm đáng lưu ý như giá trị thực của vốn điều lệ đến thời điểm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định hiện hành; hoạt động kinh doanh có lãi trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán và báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán trong 02 năm liền kề trước năm đề nghị. Và tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 02 quý liền kề trước quí đề nghị…
Những điều kiện này khiến nhiều ngân hàng vừa hợp nhất, sáp nhập, hoặc đang trong lộ trình tái cơ cấu khó đáp ứng để niêm yết.
Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết cơ quan này đang xúc tiến kế hoạch gia tăng nguồn hàng cho thị trường chứng khoán năm 2014. Vị này cho biết ủy ban đã làm việc với NHNN mới đây về việc chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các NHTM. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận bước đầu đó là yêu cầu các ngân hàng đủ điều kiện niêm yết sớm lên sàn.
Vị này cho rằng các quy định về công bố thông tin, soát xét báo cáo tài chính 6 tháng sẽ là một trong những điều kiện khiến cho hoạt động của ngân hàng minh bạch hơn.
Không dễ hấp dẫn nhà đầu tư
Nhưng vị thế “vua” của cổ phiếu ngân hàng cũng đã giảm nhiều trong mấy năm trở lại đây. Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng cho dù thị trường chứng khoán tràn ngập cổ phiếu ngân hàng thì cũng không chắc sẽ nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu có, chỉ với các định chế tài chính lớn, muốn tham gia thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc rót vốn vào các ngân hàng.
Còn với các quỹ đầu tư, họ sẽ không bỏ vốn mua cổ phiếu các ngân hàng nhỏ, tình hình tài chính chưa cải thiện. Mà thực tế, theo ông này, nếu có niêm yết đi nữa, các ngân hàng này chưa chắc đã minh bạch, vì vẫn chịu sự chi phối của các nhóm cổ đông. Hiện tại vẫn có những ngân hàng đã niêm yết nhưng tình hình hoạt động ra sao cũng không thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính.
Chưa kể, nhiều ngân hàng hiện chỉ niêm yết một số lượng ít cổ phiếu, còn lại đều do nhà nước nắm giữ. Đây vẫn là ngân hàng niêm yết, nhưng thực sự vốn nhà nước chiếm rất lớn (trên 70%), nên tiếng nói của cổ đông nhỏ không được lắng nghe. Và vì vậy, sự minh bạch của các ngân hàng ra sao cũng rất khó biết.
Rồi tình hình kinh doanh của ngân hàng hiện nay đang rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cũng là rào cản nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng. Thậm chí như một số báo cáo của công ty chứng khoán, có thể đến đầu năm sau mới nên mua cổ phiếu ngân hàng, khi đó, khả năng tình hình kinh doanh của họ hy vọng đã được cải thiện hơn trước.
Hiện tại đa phần cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết vẫn đang giao dịch trên thị trường không chính thức OTC. Giá cổ phiếu các ngân hàng thường rất thấp, đa phần dưới mệnh giá và nhiều cổ phiếu không có thanh khoản.
Trong thời gian từ đầu năm đến nay, khi trên sàn niêm yết, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã tăng theo sóng của thị trường như VCB, Sacombank, dù mức tăng khá thấp, thì đa phần các cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên OTC bình chân như vại, và giá giao dịch chủ yếu dưới mệnh giá. Cổ phiếu có sức bật cao nhất trong vài tháng qua là PNB của Southern Bank khi mã này tăng từ mức khoảng 6.800 đồng/cổ phiếu từ đầu tháng 2 lên 10.600 đồng/cổ phíếu vào ngày cuối tháng 4 nhờ thông tin sáp nhập vào Sacombank đã đẩy cổ phiếu PNB tăng mạnh.
Thanh Thương
tbktsg
|