Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014:
Khó xử lý nợ xấu kiểu “tay không bắt giặc”
Sáng 28-4, tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều ý kiến cho rằng kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, tăng trưởng rất mong manh.
Theo các chuyên gia, các điểm nghẽn của nền kinh tế như chất lượng lao động, đặc biệt là nợ xấu chưa được giải quyết một cách căn cơ, đang là vật cản cho sự phục hồi của nền kinh tế. Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN và UNDP phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày 28 và 29-4.
Các chuyên gia cho rằng nợ xấu ngân hàng vẫn đang là điểm nghẽn gây cản trở sự phục hồi của nền kinh tế
|
Tăng trưởng kinh tế rất mong manh
PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, lo ngại: Nhìn vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế quý sau luôn cao hơn quý trước thì nhận thấy có sự tốt lên rõ rệt. Nhưng ở một góc nhìn khác, bức tranh kinh tế lại không tươi hồng như vậy. Trên thực tế nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn kéo dài. Theo quy luật hằng năm, quý 1 tăng trưởng thấp nhất và tăng dần vào quý 2, quý 3, lên quý 4 sẽ đạt đỉnh và lại rơi xuống mức tăng thấp nhất vào năm sau. “Một quy luật không bình thường và chẳng giống ai. Đó là tính chu kỳ lạ lùng đối với hầu hết các nền kinh tế thế giới hiện đại, nhưng lại không hề xa lạ đối với nền kinh tế VN” - ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch Quốc hội):
Phải tăng việc làm và thu nhập
Để đánh giá tương đối chính xác tăng trưởng kinh tế hiện nay ở mức nào thì phải đồng thời căn cứ vào các con số do các bộ ngành báo cáo và đi thực tế khảo sát. Như thế người dân mới tin. Đơn cử như việc ai cũng biết doanh nghiệp chủ yếu sống dựa vào vốn vay ngân hàng, trong khi tín dụng quý 1 không tăng mà kinh tế tăng gần 5% là thế nào?
Muốn có thông tin một cách đầy đủ về đời sống thực tế như thế nào thì bên cạnh những con số, chúng ta nên hỏi vợ con, người thân hằng ngày. Để kinh tế tăng trưởng một cách bền vững thì các chỉ tiêu bắt buộc phải tăng là tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập, GDP, xuất khẩu, nhập khẩu... Và các chỉ số dứt khoát phải giảm là thất nghiệp, lạm phát...
|
Còn theo TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong hơn bốn tháng đầu năm xuất hiện các nhân tố như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đã có dấu hiệu ấm dần, thể chế đang được tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung với việc sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp như Luật doanh nghiệp... “Tuy nhiên, dấu hiệu tăng trưởng kinh tế là quá mỏng manh, chỉ cần một chính sách không đúng, tác động nhẹ từ bên ngoài hay bị thiên tai, lũ lụt thì ngay lập tức cả khu vực, thậm chí cả nền kinh tế sẽ phải vô cùng vất vả để chống đỡ” - ông Kiêm nhận định. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng “nền kinh tế như người thiếu sức sống, lờ đờ không khỏe và cũng chẳng yếu”.
Ông Nguyễn Đình Cung, quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng để kinh tế ổn định, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp thì giải pháp là Nhà nước phải giảm chi, giảm mua trái phiếu chính phủ. Như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có thể có cơ hội tiếp cận được tín dụng. Để thực hiện được việc này, Quốc hội phải kiên quyết yêu cầu giảm bội chi ngân sách may ra mới có dư địa khơi thông dòng chảy của khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông Cung, nếu chi tiêu của Nhà nước vẫn thấy cần tăng thì phải cơ cấu lại tài sản nhà nước.
Cần xử lý nợ xấu bằng tiền tươi thóc thật
Nợ xấu vẫn là vấn đề nóng nhất được các đại biểu bàn thảo và phân tích sôi nổi tại diễn đàn. Đánh giá nợ xấu, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng đây là điểm nghẽn của nền kinh tế suốt ba năm nay mà vẫn chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Hệ quả của việc chậm trễ giải quyết nợ xấu một cách rốt ráo khiến mỗi năm có hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị phá sản, và số doanh nghiệp phá sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo ông Thiên, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, cứu được doanh nghiệp thì yêu cầu thực tiễn đặt ra là phải có cơ chế chính sách cho việc mua bán nợ, phải thiết lập hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ.
Ngoài ra, ông Thiên đề nghị phải xử lý bằng tiền tươi thóc thật, chứ không thể xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) qua mua bán bằng trái phiếu đặc biệt của công ty này. “Tiền tươi để mua bán và xử lý nợ xấu, đánh tan cục máu đông của nền kinh tế nên được lấy từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chứ không cái giá phải trả sẽ rất lớn nếu vẫn tiếp tục để nợ xấu ở mức cao. Hơn nữa, với tư duy như vậy khi xác định đây là tình thế đặc biệt để cứu cộng đồng doanh nghiệp” - ông Thiên nói.
Đồng tình, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc xử lý nợ xấu không thể theo kiểu “tay không bắt giặc”. Theo ông Doanh, điều kiện hiện nay để mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt qua VAMC thì không biết đến bao giờ VN mới xử lý được nợ xấu.
Tuy nhiên TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng khó có tiền tươi để xử lý nợ xấu. Hai vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là xử lý tài sản đảm bảo và câu chuyện liên quan đến thị trường mua bán nợ khi sợ nước ngoài thao túng. Nhất là việc bán nợ giá bao nhiêu thì ông Lực cho rằng nên để thị trường quyết định. Thực tế các nước họ cũng đã làm như vậy nhiều năm nay rồi.
Lê Thanh
tuổi trẻ
|