Thứ Hai, 28/04/2014 08:33

Số liệu nợ xấu vênh nhau: Bên cộng, bên trừ!

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2014 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, cơ quan chức năng công bố hai số liệu nợ xấu đến hết tháng 2/2014: nếu do tổ chức tín dụng tự báo cáo là 3,86% còn theo cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này là 9,71%. Có phải đang có chuyện “lập lờ” về nợ xấu?

* Các ngân hàng đang 'ôm' 308.000 tỉ đồng nợ xấu

Theo ông Đào Quốc Tính, Phó chánh Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2/2014, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự báo cáo là 3,86%, tương đương 122 nghìn tỷ đồng nhưng con số này chưa cộng số nợ đã được tạm gác lại nhờ vào Quyết định 780.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm trên tương đương từ 9% - 10%/tổng dư nợ toàn hệ thống

Bên thì cộng, bên thì trừ!

Trên thực tế, nếu tính riêng số nợ đã được tạm hoãn nhờ vào việc tái cơ cấu từ Quyết định 780 thì con số nợ xấu phải thêm là 185 nghìn tỷ đồng, cộng cả hai khoản nói trên là 308 nghìn tỷ đồng, tương ứng 9,71%.

“Nói cách khác, tổ chức tín dụng chỉ tính riêng số nợ xấu ngoài Quyết định 780, còn với Cơ quan Thanh tra thì chúng tôi nhìn nhận đó cũng là nợ xấu và phải được cộng vào. Thế nên mới có chuyện vênh số liệu như vậy”, ông Tính giải thích.

Cũng liên quan đến việc công bố số liệu nợ xấu, tại một cuộc họp gần đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm trên tương đương từ 9% - 10%/tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong khi, tỷ lệ nợ xấu do hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đưa ra lên tới 15%.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đến thời điểm này, đã mua được trên 45 nghìn tỷ đồng và đang tiến hành phân loại, đánh giá xem khoản nào cần tái cơ cấu, khoản nào bán và khoản nào “ngon ăn” thì để thu hồi.

“Chúng tôi đã phân loại được số nợ xấu tại hơn 900 khách hàng có nợ xấu. Trong đó, đã cơ cấu nợ cho 145 khách hàng với trị giá 14 nghìn tỷ đồng; xử lý qua phát mại tài sản được 6.800 tỷ đồng của trên 300 khách hàng; bán nợ thí điểm 1.400 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, VAMC đã điều chỉnh lãi suất phải trả cho khoản vay thuộc nợ xấu VAMC đã mua của 26 khách hàng với giá trị 2.200 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 450 tỷ đồng từ các khoản nợ đã mua.

Ngoài ra, đại diện VAMC cũng đề nghị cần trao quyền xử lý các khoản nợ xấu cho doanh nghiệp đặc biệt này ở mức cao hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, bán tài sản bảo đảm, tránh đề nợ xấu dồn toa.

Trên thực tế, kiến nghị trên không phải không có cơ sở vì trong điều kiện kinh doanh hiện nay, tốc độ tăng nợ xấu chưa thể hãm một cách bền vững vì điều kiện kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn.

Các tổ chức tín dụng làm gì để giảm nợ xấu?

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã triển khai một số giải pháp xử lý nợ xấu trong ngắn hạn, trong đó, giải pháp nâng tỷ lệ dự phòng rủi ro, đặt mục tiêu lợi nhuận thấp đi được các ngân hàng triệt để áp dụng.

Tại kỳ đại hội cổ đông của Vietcombank mới đây, hầu hết các chỉ tiêu đều để mức tăng trưởng cao: tổng tài sản tăng 11%, tổng dư nợ tăng 13% nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 5.500 tỷ đồng, giảm 4,23% so với năm ngoái.

Lý do chính ở đây là từ 1/6 tới, các tổ chức tín dụng phải áp dụng Thông tư 09 về trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao hơn so với trước. Thế nên, khoản tiền kiếm được mà Vietcombank phải dành cho khoản mục này lên tới 5 nghìn tỷ đồng, vì thế, lợi nhuận buộc phải giảm đi.

Không riêng gì Vietcombank, ngay từ 2013, ABBANK chấp nhận giảm lợi nhuận trước thuế khi chỉ đạt 191 tỷ đồng so với con số tổng dư nợ cấp ra cho khách hàng là 37.558 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp so với số vốn bỏ ra và không đạt kế hoạch nhưng thà như vậy để “tấm đệm dự phòng rủi ro” dày thêm, còn hơn là lợi nhuận cao hơn một chút nhưng dự phòng mỏng, đại diện ABBANK cho biết.

Cùng với đó, rất nhiều ngân hàng đã rất khắt khe khi duyệt tín dụng. Mặc dù các ngân hàng ra rả kêu là không ai vay nhưng đó là chỉ đối với khách hàng có khả năng tài chính và dòng tiền tốt, thị trường tiêu thụ vẫn được duy trì; còn với doanh nghiệp yếu kém, doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm còn lâu mới tiếp cận được khoản vay.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), biện pháp dài hơi, mang tính bền vững nhất để ngăn phát sinh và giảm nợ xấu hiện tại vẫn là khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay nói cách khác là vực dậy tăng trưởng tín dụng.

Và để đạt được mục tiêu này, ngoài việc giảm lãi suất, đưa tất cả các khoản vay cũ về lãi suất thấp hơn (đến 3/4, có 5,5% tổng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm; 16,62% tổng dư nợ có lãi suất trên 13% - PV) thì các ngân hàng còn rất tích cực thu nợ. Cụ thể, tốc độ tăng doanh số cho vay và thu nợ đều cân đối với nhau, có nghĩa, cho vay bao nhiêu, khi đến hạn đòi được bấy nhiêu.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước còn làm việc với các bộ ngành đẩy mạnh tín dụng vào 5 lĩnh vực trụ cột.

Theo bà Hồng, tính đến 22/4, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,62% và trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 12% - 14% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang hối thúc giải ngân nhanh gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản 30 nghìn tỷ đồng; triển khai và mở rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; “liên kết 4 nhà” đối với thị trường bất động sản.

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ ngành giải quyết một số nút thắt trong hoạt động tín dụng như giải quyết vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm; triển khai thí điểm cho vay liên kết, cho vay theo chuỗi, triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng lãi suất 5%/năm trong 10 năm cho vay đóng mới tàu phục vụ đánh bắt xa bờ; triển khai cho vay tái canh cây cà phê...

Nguyễn An Thơ

vneconomy

Các tin tức khác

>   Trực tuyến ĐHĐCĐ Eximbank: Ông Lê Hùng Dũng tiếp tục giữ chức Chủ tịch (28/04/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước: Chỉ niêm phong vàng khi có chứng cứ vi phạm (27/04/2014)

>   “Vùng tối” vay nợ nước ngoài (27/04/2014)

>   Ủy ban Kinh tế: Cần đánh giá tác động của Bitcoin (27/04/2014)

>   Vietinbank: Chủ tịch Phạm Huy Hùng thôi làm đại diện vốn Nhà nước (27/04/2014)

>   ĐHĐCĐ PVcomBank: Ẩn số báo cáo của ban kiểm soát (26/04/2014)

>   ĐHĐCĐ DongABank: Bất ngờ xuất hiện tờ trình sáp nhập, ông Cao Sỹ Kiêm làm Chủ tịch (26/04/2014)

>   Ngân hàng "bắn tin" cho doanh nghiệp trốn thuế (26/04/2014)

>   Ngân hàng Kiên Long dính líu gì tới đại án “Bầu Kiên”? (26/04/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước tính bơm hàng chục nghìn tỷ lãi suất thấp (25/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật