Thứ Ba, 27/05/2014 17:00

KCN Quang Minh để doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường?

Nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng đã 10 năm nay, Công ty Nam Đức - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh để cho hàng chục doanh nghiệp xả thải trực tiếp vào môi trường chứ không cho đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của KCN. Theo phản ánh của các doanh nghiệp này thì Công ty Nam Đức làm vậy để ép họ phải chấp nhận mức phí hạ tầng bất hợp lý.

Hơn thế, họ còn lần lượt bị Công ty Nam Đức đưa ra tòa để “xử ép”. Xung đột giữa chủ đầu tư KCN Quang Minh và các doanh nghiệp chậm nộp phí hạ tầng “nóng” tới mức đơn thư gửi đi kêu cứu đã “rải đều” khắp các ban, ngành từ Trung ương (T.Ư) tới địa phương, có doanh nghiệp “uất ức” còn định cùng công nhân giăng biểu ngữ phản đối trước tòa nhà của chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Quang Minh mỗi khi mưa xuống

Nơm nớp lo ô nhiễm

Dẫn nhóm phóng viên đi “thị sát” hệ thống xử lý nước thải của KCN, ông Nguyễn Thành Phúc, đại diện Công ty Galaxy Việt Nam cho biết, trong Quy hoạch tổng thể KCN Quang Minh có hạng mục hồ điều hòa nhưng Công ty Nam Đức đã “hô biến” chiếc hồ này. Hệ quả là, các doanh nghiệp thuê đất trong KCN cứ đến tháng 6, tháng 7 dương lịch là “nơm nớp” sợ ngập và phải hoạt động cầm chừng. “Mấy năm trước Công ty Thép Đinh Lê hay bản thân Công ty Galaxy chúng tôi từng bị ngập hỏng hết thiết bị, hàng hóa” - ông Phúc nói.

Ngoài nỗi “sợ mưa”, ông Phí Văn Hoan - Giám đốc Công ty Ngân Giang cho biết ông cũng như hàng chục doanh nghiệp khác gần 10 năm nay “sống trong căng thẳng” vì lúc nào cũng lo vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là pháp luật về môi trường.

“Chúng tôi biết việc xả nước thải công nghiệp ra môi trường xung quanh là vi phạm pháp luật nhưng ai cho chúng tôi được chấp hành pháp luật đây khi mà chủ đầu tư KCN - Công ty Nam Đức không cho chúng tôi đấu nối ống xả thải vào hệ thống cống ngầm của KCN” - ông Hoan và ông Phúc đều bức xúc phản ảnh.

Theo khảo sát của phóng viên Báo PLVN, trước đây có khoảng 40 doanh nghiệp vì không đồng ý với mức phí hạ tầng áp đặt của Công ty Nam Đức nên không chịu nộp phí hạ tầng và các doanh nghiệp này đều không được ký hợp đồng xả thải, tất cả đều xả thằng vào môi trường. Gần đây, Công ty Nam Đức đã kiện nhiều doanh nghiệp ra tòa và qua nhiều con đường khác nhau, một số doanh nghiệp đã “cắn răng” nộp phí để được xả thải, một số khác gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng “xin” được ký hợp đồng xả thải và trả phí xả thải trước trong lúc chờ đợi việc tranh chấp mức phí hạ tầng nhưng Công ty Nam Đức không chấp nhận.

“Nhiều doanh nghiệp bị Công ty Nam Đức gây khó khăn, bịt cổng, bịt cống thoát nước, thậm chí khi các doanh nghiệp lên xin các thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng bị từ chối với lý do chưa nộp phí hạ tầng… nên đã phải chấp nhận ký hợp đồng và thanh toán tiền hạ tầng theo Quyết định 3937, một số doanh nghiệp như chúng tôi phản ứng quyết liệt thì bị đưa ra Tòa, sau đó Tòa tuyên một bản án thiếu thuyết phục và chúng tôi đã kháng án, kiện lại Công ty Nam Đức. Chúng tôi quyết không để “cái sai nọ chồng lên cái sai kia”, Văn bản 3937 cần phải được sửa đổi, Công ty Nam Đức không thể ép chúng tôi nộp tiền hạ tầng cho cả phần họ chưa đầu tư đồng bộ, càng không thể ép chúng tôi phải vi phạm pháp luật môi trường khi cố tình lấy hợp đồng xả thải ra để “đối trọng” với chúng tôi” - ông Tăng Bá Cường, Công ty PHT nhấn mạnh.

Không cho doanh nghiệp nợ phí hạ tầng đấu nối vào hệ thống xả thải chung, Công ty Nam Đức còn bị “cáo buộc” hệ thống thu gom nước thải bề mặt tại KCN Quang Minh “có vấn đề”. “KCN này bị ngập là do hệ thống thu gom nước thải bề mặt (nước mưa) không có lối thoát, rãnh nước vừa nhỏ, vừa cao không đúng với thiết kế chuẩn. Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã từng đề cập tới hệ thống thu gom nước thải này. Theo thiết kế, hệ thống này phải có một đường thoát nước ra sông Cà Lồ và một đường nữa là ra Đầm Vạc nhưng do phía Công ty Nam Đức không giải tỏa được mặt bằng nên không làm được đường thoát ra phía đầm và sông” - ông Phúc phân tích.

Không được ký hợp đồng xả thải với chủ đầu tư KCN, các doanh nghiệp nói trên phải “tự xả lấy”, xả loanh quanh khu vực ống lọc của doanh nghiệp mình. Rãnh nước thải đục ngầu, bốc mùi nồng nặc quanh các xưởng sản xuất của các doanh nghiệp nói trên cùng với hiện tượng nước bề mặt không thoát, dồn ứ làm ngập nhiều nơi trong KCN Quang Minh là “chuyện thường ngày” diễn ra cả 10 năm nay.

10 năm theo kiện

Từng “khai hoang” KCN Quang Minh từ khi còn là vùng đất heo hút, tự tay xây từng chiếc cổng, đổ xi măng lát từng con đường, nhóm doanh nghiệp quyết liệt “chống mức phí áp đặt của Công ty Nam Đức” 10 năm qua đã không ngần ngại gõ từng cánh cửa với hy vọng có đơn vị đứng ra làm “trọng tài” phân xử công minh.

Ngồi nhẩm đếm với phóng viên, ông Cường, ông Phúc, ông Hoan và nhiều vị giám đốc khác cho biết không còn nơi nào họ không gửi đơn, từ Thủ tướng Chính phủ tới Chủ tịch nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính, Bộ TN&MT… và mới đây nhất là Ban Nội chính TƯ.

“Trong đơn thư, chúng tôi khẩn thiết đề nghị làm rõ những sai phạm của Công ty Nam Đức và những bất hợp lý của Quyết định 3937. Chúng tôi khẳng định nếu chúng tôi sai thì cơ quan quản lý cứ việc phạt theo đúng pháp luật, nhưng Công ty Nam Đức vi phạm tại sao không bị xử lý mà để họ ngang ngược gây sức ép với doanh nghiệp - chính là đối tác của họ, thậm chí còn dắt chúng tôi ra “đáo tụng đình” - ông Cường nói và buồn rầu cho biết, đơn đi mà hồi âm không lại, các cơ quan chức năng cứ im lặng để sự việc trôi đi, mặc doanh nghiệp và chủ đầu tư “chiến đấu” lẫn nhau.

“Ngay cả công an kinh tế nhận đơn của chúng tôi và đã tới từng doanh nghiệp lấy thông tin, ghi nhận tình hình nhưng sau đó họ cũng không hồi âm khiến doanh nghiệp hết sức thất vọng và hồ nghi” - ông Phúc tiếp lời.

Nỗi hồ nghi càng lớn hơn khi UBND thành phố Hà Nội rồi Ban Quản lý các KCN - chế xuất Hà Nội nhắc nhở, có văn bản yêu cầu Công ty Nam Đức đàm phán với doanh nghiệp chậm nộp phí hạ tầng để có thể giải quyết việc ký hợp đồng xả thải trước khi thực hiện nghĩa vụ nộp phí hạ tầng (đang có tranh chấp về mức phí) nhưng Công ty Nam Đức vẫn không chấp hành.

“Theo kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng như Sở TN&MT thì thiết kế hạ hầng của KCN Quang Minh đã bị Công ty Nam Đức thay đổi so với thiết kế được duyệt. Chính vì sai thiết kế, Công ty Nam Đức có cho các DN đấu nối vào cũng chỉ thải được nước mặt sinh hoạt, còn nước thải công nghiệp thì không thể. Nhà máy xử lý nước thải của Công ty Nam Đức hiện mới chỉ vận hành có một mô đun trong khi theo thiết kế phải là 3 mô đun mới đủ để tất cả các doanh nghiệp ở đây xả thải. Chúng tôi nghi vấn đây chính là nguyên nhân khiến Công ty Nam Đức bất chấp quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, trì hoãn ký hợp đồng xả thải để ép chúng tôi phải nộp phí hạ tầng” -ông Cường nhận định.

Những mâu thuẫn đang ngày một căng thẳng trong KCN Quang Minh cho thấy hoạt động tổ chức xây dựng và quản lý KCN này rất thiếu minh bạch. Chính quyền địa phương đã không tổ chức đấu thầu công khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng, không công bố quy hoạch hạ tầng, giá cả, chất lượng dịch vụ và khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN đã không giải quyết dứt điểm, minh bạch. Các doanh nghiệp không được ký hợp đồng xả thải khẳng định: hành vi của Công ty Nam Đức đang gián tiếp gây thất thu cho Nhà nước và là nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường trong KCN Quang Minh mà hệ quả là người dân sống ven sông Cà Lồ, người dân sống cạnh KCN và chính những công nhân làm việc tại KCN này phải hứng chịu.

Liệu đây chỉ là “lỗi cơ chế” hay còn uẩn khúc nào khác? PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ngân Hà

pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   “Luật Biểu tình là yêu cầu cấp thiết, khách quan” (27/05/2014)

>   Giàn khoan Hải Dương - 981 dịch chuyển về phía đông nam đảo Tri Tôn 25 hải lý (27/05/2014)

>   Bầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho 4 tội danh (27/05/2014)

>   Thôi đường sắt cao tốc, vẫn xin 1,8 tỉ USD sửa đường (27/05/2014)

>   Chóng mặt với phí cầu đường! (27/05/2014)

>   Con dấu cũ của ĐH Hùng Vương không bị chiếm đoạt (26/05/2014)

>   Chi phí y tế sẽ ngày càng lớn do dân số bị lão hóa nhanh (26/05/2014)

>   Tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam (26/05/2014)

>   Bầu Kiên: “Tôi không thiếu tiền để phải đi chiếm đoạt” (26/05/2014)

>   Mỹ nên bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam (26/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật