Thứ Hai, 26/05/2014 18:04

Bầu Kiên: “Tôi không thiếu tiền để phải đi chiếm đoạt”

Chiều 26/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Các luật sư tiếp tục đưa ra câu hỏi cho các bị cáo và người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

* Bầu Kiên ‘cãi tội’ cho 2 bị cáo khác

“Không có ai ở VN có thể lừa được anh Long”

Theo cáo trạng, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát).

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa

Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng.

Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.

ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý.

Sau đó, ACBI vẫn ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỉ đồng.

Cáo trạng cho rằng, các bị cáo biết rõ cổ phần thế chấp nhưng vẫn bán cho Công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát nên bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Kiên nói: “Anh Long với nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, tôi không nghĩ có ai ở VN có thể lừa được anh Long. Tôi và anh Long từng hợp tác nhiều dự án, 7 cty, chưa bao giờ có tranh chấp nào xảy ra trong qúa khứ.

Tôi tin vào năng lực quản trị của anh Long và anh Long phải biết mọi việc cấp dưới của anh làm dù với lý do gì. Tôi hoàn toàn tin anh Long biết chuyện 20 triệu cổ phiếu đã được thế chấp”.

Tiếp tục trình bày, bị cáo Kiên cho rằng, mình không thiếu tiền để phải đi chiếm đoạt tiền của bất kỳ người nào.

Cũng theo lời khai của Nguyễn Đức Kiên, bị cáo này luôn ý thức thực hiện các cam kết, đã yêu cầu ACB họp để tiến hành giải chấp.

Trong hồ sơ điều tra không có những tài liệu chứng minh việc này. Đây là lý do mà ngay từ đầu phiên tòa, bị cáo này đã yêu cầu bổ sung một số bút lục lời khai của chị Đinh Ngọc Lâm, GĐ ACB chi nhánh Thăng Long.

Bầu Kiên nhận mình là bị hại

Trả lời câu hỏi của luật sư: “Trong trường hợp ACB không giải chấp số 20 triệu cổ phiếu, thì anh có phương án gì?”, bị cáo Kiên đáp: “Nếu anh Long không phải là bạn tôi, nếu tập thể ban lãnh đạo Hoà Phát không phải là bạn tôi thì tôi có thể xác định ngay với cơ quan điều tra, tôi là người bị hại trong trường hợp mua bán cổ phiếu giữa ACBI và Công ty CP Thép Hoà Phát vì 2 lý do.

Thứ nhất, Công ty CP thép Hoà Phát đã tự động xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu khi không đủ điều kiện. Thứ hai, Công ty CP TNHH MTV Thép Hoà Phát đã đăng ký sở hữu cổ phần ngay khi chưa chuyển tiền cho Công ty ACBI.

Nhưng là chủ tịch công ty, tôi ý thức được rằng, việc kiện bạn bè hoặc tố cáo người khác lừa đảo là hành vi nghiêm trọng nên do đó, trong suốt 21 tháng qua, tôi không hề có ý kiến nào khác.

Tôi chỉ nói với cơ quan điều tra, trong quá trình hợp đồng có sai sót của anh Dương trong việc xác nhận chuyển nhượng. Còn nếu trong thực tế, tôi hoàn toàn có quyền kiện công ty CP TNHH MTV Thép Hoà Phát đã tự ý chuyển nhượng cổ phiếu của tôi, của công ty ACBI khi chưa chuyển tiền và chưa được sự đồng ý của chúng tôi. Song, tôi thực sự nghĩ rằng điều đó là không cần thiết và đây không phải là một vụ kiện hình sự mà đây chỉ là một sai sót rất nhỏ trong quá trình thực hiện hợp đồng”.

Bị cáo Kiên tiếp tục trả lời thẩm vấn:

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, giữa các bên có phát sinh mâu thuẫn gì không?

- Cho đến 20/8/2012 chưa có bất kỳ tranh chấp nào, tôi cũng chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào của CP TNHH MTV Thép Hoà Phát về cổ phiếu.

Đồng thời, toàn bộ cổ phần của Công ty Bất động sản Hoà Phát ACB hiện nay chưa chuyển lại cho tôi sau khi đã thoái vốn tại công ty này.

- Đến 20/8/2012, hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần vẫn đang tồn tại đúng không?

- Cho đến 20/8/2012, hợp đồng vẫn đang có giá trị pháp lý và hai bên đang thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Tại thời điểm thực hiện giao dịch với Thép Hoà Phát, phía Tập đoàn Hoà Phát đang quản lý của anh bao nhiêu tài sản

- Tổng hợp thì tôi cần có sổ sách mới nói được. Tôi nói 1 ví dụ, Hoà Phát đang quản lý 600 tỉ tại công ty Bất động sản Vinaconex Việt Nam.

- Tại thời điểm chuyển tiền cho Thép Hoà Phát, tài chính của anh thế nào? Có nợ nần ai không?

- Tôi kinh doanh gần 30 năm, cho tới ngày tôi bị bắt, tôi không có bất kỳ khoản vay cá nhân nào, của tôi, vợ tôi ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Tôi không vay nợ bất kỳ ai. Và tài sản của tôi nếu như không xảy ra vụ án này thì là nhiều ngàn tỉ đồng, nên tôi không có bất kỳ khó khăn tài chính nào.

Ngày mai (27/5), phiên tòa tiếp tục diễn ra.

T.Nhung

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Mỹ nên bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam (26/05/2014)

>   6 cơ quan Trung ương phải bỏ tiền tỷ thuê trụ sở (26/05/2014)

>   Nguy cơ mất nhà vì vay lãi 30%/tháng (26/05/2014)

>   Bầu Kiên ‘cãi tội’ cho 2 bị cáo khác (26/05/2014)

>   Kiện Trung Quốc, "chúng ta sẽ đập nát sự tự tin của họ" (26/05/2014)

>   Án treo cho tội tham nhũng đã giảm 50% (26/05/2014)

>   Báo Canada: Trung Quốc điều 3 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đến đảo Hải Nam (26/05/2014)

>   Giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển (26/05/2014)

>   EVN đặt báo động đỏ vì thời tiết quá nóng (26/05/2014)

>   Những láng giềng "khổ sở" vì Trung Quốc (25/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật