Chi phí y tế sẽ ngày càng lớn do dân số bị lão hóa nhanh
Theo điều tra của Tổng cục Dân số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí điều trị cho người già thường cao hơn từ 8 đến 10 lần so với mức trung bình do đó gánh nặng chi phí y tế ở Việt Nam ngày càng lớn bởi Việt Nam đang nằm trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Người già vẫn đang phải tự lao động để kiếm sống hoặc sống nhờ sự hỗ trợ của con cái - Ảnh: Thùy Dung
|
Tại hội thảo Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam diễn ra ngày 26-5, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, cho hay tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với tỉ lệ dân số già gia tăng.
“Đặc biệt, người cao tuổi Việt Nam được kỳ vọng sống lâu, nhưng không khỏe mạnh,” ông Tân nhấn mạnh.
Theo giáo sư Phạm Thắng, Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương, già hóa dân số đang đặt ra thách thức rất lớn cho ngành y tế khi chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ; số người cao tuổi chiếm 10% dân số nhưng sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một bệnh viện chuyên về lão khoa và số bệnh viện có khoa lão khoa rất ít. Trong khi đó, điều kiện chăm sóc cho người cao tuổi rất khác, đòi hỏi có hệ thống thiết kế khác so với người trẻ.
Ông Thắng đề xuất mỗi bệnh viện, trừ bệnh viên nhi, nên thành lập một khoa lão với quy mô khoảng 10% số giường bệnh, cơ sở vật chất phù hợp với người cao tuổi, thành lập bộ môn lão khoa tại các trường đại học y…
Theo ông Tân, có nhiều nguyên nhân khiến dân số nước ta bị lão hóa nhanh.
Một là do mức sinh giảm nhanh từ năm 1998 đến nay; tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong giảm rõ rệt qua các năm; đồng thời tuổi thọ người dân tăng cao nhờ những thành tựu của y học. Nếu như năm 1960 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 40 và thế giới là 48 thì đến năm 2010 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã vượt mức tuổi thọ trung bình thế giới 4 tuổi, đạt 73 tuổi.
Tuy nhiên, đa số người cao tuổi lại có cuộc sống rất chật vật. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, hiện có trên 70% số người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình; chỉ có hơn 25,5% sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội; 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu.
Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỉ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân nhiều gấp 2,2 lần so với nam giới…
Hơn nữa, ông Tân cho hay, đời sống của người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn khi có tới 18% người cao tuổi sống dưới mức đói nghèo, kể cả ở thành thị và nông thôn; hơn một phần tư số người cao tuổi theo cảm quan cho rằng mức sống của họ đang ngày càng giảm.
|
Thùy Dung
tbktsg
|