Thứ Ba, 13/05/2014 21:15

Hàng rào kỹ thuật: Lưu ý cho các DN xuất khẩu thủy sản vào EU

Hàng rào kỹ thuật chính là yếu tố quan trọng mà các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần vượt qua để góp phần tăng sức cạnh tranh của các DN Việt tại thị trường EU.

Các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về ATTP để đáp ứng yêu cầu của EU.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-EU do VCCI và Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 13/5, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI TPHCM, cho biết đối với DN xuất khẩu, mối quan tâm hàng đầu là cơ hội tiếp cận thị trường và quá trình khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường đó.

Vì vậy, nắm bắt được những yêu cầu, quy định và cả những rào cản của thị trường mà DN đang tiếp cận, xâm nhập để từ đó có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tiến tới đầu tư công nghệ cho DN nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường có vai trò vô cùng quan trọng.

Theo thống kê của Cục quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Bộ NNPTNT), trong 3 năm qua, sản lượng mặt hàng thủy sản cả nước xuất khẩu vào thị trường EU luôn đứng vị trí số 1.

Riêng tại khu vực TPHCM, năm 2010 xuất khẩu vào EU đạt 135,3 triệu USD, chiếm 39,5%, năm 2011 đạt 132,7 triệu USD, chiếm 38,7%, năm 2012 đạt 106 triệu USD, chiếm 34% và năm 2013 đạt 102,6 triệu USD, chiếm 34,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM về thủy sản. Hiện tại cả nước có 446 DN thủy sản có đầy đủ các tiêu chuẩn được xuất khẩu hàng vào EU.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Sinh, Trưởng phòng Chất lượng Thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 4 (NAFIQAD), bên cạnh các yêu cầu về hàng rào thương mại như áp đặt mức thuế, quy định về số lượng các mặt hàng nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu dưới giá thành, quy định về ATTP động vật và thực vật… thì hàng rào về kỹ thuật cũng đang là rào cản lớn đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU.

Hiện nay, các sản phẩm thủy sản khi xuất vào EU thường được kiểm soát, khống chế bởi 2 Hiệp định TBT (Hiệp định hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) và SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật). Theo đó, bên cạnh đạt các yêu cầu về ATTP (các sản phẩm không chứa đựng mối nguy vật lý, sinh học, hóa học) thì giữa nước xuất khẩu và EU phải có những luật lệ tương đương (chương trình mang tầm quốc gia). Đây cũng là một thách thức lớn đối với các DN nuôi, chế biến thủy hải sản của chúng ta.

Những yêu cầu “khắt khe”

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, trước tiên để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, DN đó phải được nằm trong danh sách các DN xuất khẩu được EU công nhận. Tiếp đến, trước khi xuất khẩu hàng hóa phải có giấy chứng nhận vệ sinh của cơ quan thẩm quyền. Với những sản phẩm có khai thác tự nhiên cần tuân thủ các quy định đánh bắt. Ngay cả với những DN nhập khẩu nguyên liệu về gia công, chế biến rồi xuất sang EU thì cũng cần chú ý xuất xứ và chủng loại của nguyên liệu đó phải nằm trong danh sách được EU công nhận.

Hàng hóa khi đã xuất khẩu phải có giấy chứng nhận vệ sinh của cơ quan thẩm quyền, khi xuất khẩu vào EU phải qua sự kiểm tra của trung tâm hàng hóa tại biên giới. Trong đó, tên nhà máy, khối lượng, cảng đến, số hiệu container, mã số hàng hóa phải được cập nhật trên hệ thống của trung tâm hàng hóa biên giới thì mới được nhập vào thị trường EU.

Ông Ngô Văn Sinh lưu ý, hiện nay có rất nhiều lô hàng của Việt Nam khi vào EU đã đạt hết các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng do chưa thể hiện thông tin một cách đầy đủ, chính xác trên bao bì đối với từng lô hàng thủy sản về tất cả các thông số như tên khoa học, xuất xứ của sản phẩm… và các thông tin có liên quan tới sản phẩm nên bị trả lại.

Bên cạnh đó, hàng hóa phải có mã số lô hàng (LOT No.) cụ thể. Đặc biệt, khi có sự thay đổi về thông tin của DN thì phải thông báo kịp thời cho EU để điều chỉnh thông tin trên hệ thống. Có thực hiện đúng, đủ các hàng rào kỹ thuật nêu trên mới giúp hàng hóa thủy sản Việt nhanh chóng thông quan để xâm nhập sâu rộng vào thị trường EU.

Ông Lê Kỳ Anh, Chuyên viên Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết tại Cổng thông tin Công cụ hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU cho các DN Việt Nam (Export Helpdesk), ngoài việc đưa ra các thông tin về thuế nhập khẩu của từng nước, các loại thuế trong nội địa của sản phẩm như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, các DN Việt Nam có thể có những thông tin chính xác và kịp thời về các tiêu chuẩn kỹ thuật, thương mại của từng loại sản phẩm, từng ngành với những thông tin giải thích cụ thể, chi tiết.

Để mặt hàng thủy sản của Việt Nam tiến sâu, rộng hơn nữa vào thị trường EU, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, sắp tới Việt Nam sẽ hoàn thiện các văn bản kiểm soát an toàn dịch bệnh phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn của EU. Đầu tư phát triển công nghệ cao cho sản xuất chế biến phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kiểm soát các yếu tố đầu vào của quá trình nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển nuôi bền vững bằng việc áp dụng chứng nhận GAP cho từng hộ nuôi nguyên liệu thủy sản, đầu tư kiểm soát an toàn thực phẩm từ nuôi trồng đến bàn ăn, từ tàu cá đến nhà máy và người tiêu dùng.

Thanh Thủy

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Lập Ban chỉ đạo Điều hành giá (13/05/2014)

>   Ô nhiễm ở dự án bò sữa TH True Milk: 700 hộ dân phải di dời (13/05/2014)

>   Ngành thép tăng trưởng, sao vẫn khó? (13/05/2014)

>   VN chủ động tham gia Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (13/05/2014)

>   FDI nhìn từ Bắc Ninh (13/05/2014)

>   Công ty Hong Kong xây dựng nhà máy kéo sợi ở Long An (13/05/2014)

>   Các nước xử lý thoái vốn ra sao? (13/05/2014)

>   Xuất khẩu của VN sang Mỹ dự báo đứng đầu ASEAN (13/05/2014)

>   Giảm dần sự phụ thuộc (13/05/2014)

>   Doanh nghiệp chăn nuôi nội đuối sức (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật