Dệt may xuất khẩu đối mặt với tiêu chuẩn môi trường khắt khe
Hiện có rất ít doanh nghiệp dệt may trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường bền vững mà các nhà nhập khẩu nước ngoài đưa ra. Và điều đó có thể gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu dệt may trong thời gian tới.
Tại hội thảo về các tiêu chuẩn môi trường ngành dệt may do Vinatex tổ chức chiều 5-5, ông Đặng Vũ Hùng, Phó Tổng giám đốc Vinatex, cho biết các nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn của nước ngoài ngày càng đặt nặng tiêu chuẩn về môi trường bền vững đối với các nhà sản xuất.
“Tiêu chuẩn về môi trường bền vững ngày càng khắt khe, được xem như ‘giấy thông hành’ cho doanh nghiệp dệt may muốn xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng được yêu cầu về môi trường bền vững từ các nhà nhập khẩu hàng may mặc nước ngoài,” ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước đây ‘giấy thông hành’ đối với các nhà sản xuất dệt may thường chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng trong thời gian sắp tới, nhiều nhà nhập khẩu sẽ đưa ra thêm các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, cụ thể như các tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, ngoài các sản phẩm chính thì các sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình sản xuất như bụi bông, sợi, vải phế phẩm cũng phải được xử lý triệt để hoặc tái chế để không ảnh hưởng đến môi trường.
“Nếu các doanh nghiệp dệt may trong nước không đáp ứng về tiêu chí về môi trường chắc chắn sẽ nằm ngoài cuộc chơi trong thời gian tới,” ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng thừa nhận ngay tại Vinatex nơi đang có khoảng 200 doanh nghiệp trực thuộc thì mới chỉ có khoảng 5-10% doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường bền vững từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Mục tiêu đến năm 2020 Vinatex đạt 30 – 40% số doanh nghiệp trong tập đoàn đạt được tiêu chuẩn môi trường bền vững.
Để đạt mục tiêu này, kinh phí được Vinatex đầu tư hoàn thiện các tiêu chuẩn về môi trường bền vững chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư phát triển mỗi năm của Vinatex khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng. Trong đó, tập đoàn sẽ tập trung vào hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cách nhiệt, tạo môi trường làm việc thông thoáng …
Trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may sẽ phát triển theo hai con đường gồm: hoàn thiện chuỗi sản xuất, đi từ sản xuất vải, sợi, nguyên liệu cho đến hoàn thiện; hai là nâng cao giá trị gia tăng qua việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh thiết kế, phân phối.
Muốn vậy, ngành dệt may phải phát triển chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm. Tuy nhiên, để tăng lượng vải sản xuất tại Việt Nam thì lại vướng rào cản về môi trường. Làm vải thì đụng đến nhuộm, địa phương nào cũng e ngại doanh nghiệp nhuộm, không có địa phương nào mặn mà với ngành nhuộm có mặt tại địa phương mình, theo ông Ân.
Trong khoảng 10 năm nữa, ít nhất Việt Nam phải sản xuất được 5 – 6 tỉ mét vải mỗi năm bởi chắc chắn nhu cầu nhập khẩu vải sẽ càng nhiều hơn vì hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới so với số lượng hiện nay.
Văn Nam
tbktsg
|