Bước đi âm thầm của ngân hàng ngoại
Trước nghi vấn HSBC thoái vốn khỏi Techcombank, đại diện của hai ngân hàng này đều khẳng định chưa có kế hoạch này. Thế nhưng, những động thái mới nhất của HSBC cho thấy việc thoái vốn là hoàn toàn có thể.
* HSBC rút khỏi HĐQT Techcombank
Quá trình hợp tác chiến lược giữa HSBC và Techcombank
|
Giấc mơ đẹp Techcombank
Giống như nhiều ngân hàng nội khác, Techcombank ở giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng đã mở rộng vòng tay chào đón cổ đông chiến lược là một ngân hàng ngoại: HSBC.
Năm 2005, HSBC mua lại 10% vốn điều lệ của Techcombank. Đến năm 2007, 2009, HSBC lần lượt tăng tỉ lệ nắm giữ lên mức 15% và 20%. Điều đáng nói là ngân hàng này luôn gia tăng tỉ lệ nắm giữ lên mức kịch trần ngay sau khi được Chính phủ cho phép (và Techcombank là ngân hàng đầu tiên được duyệt). Mức giá giao dịch của Techcombank lúc đó được cho là cao gấp đôi so với giá thị trường.
Những động thái này cho thấy Techcombank rất hấp dẫn trong mắt của HSBC. Theo đánh giá của tập đoàn HSBC mẹ trong báo cáo thường niên năm 2006, Techcombank là ngân hàng lớn thứ ba trong nhóm ngân hàng cổ phần thương mại lúc bấy giờ.
Techcombank trong giai đoạn này quả thực là một ngân hàng mạnh. Các ngân hàng trong nước được hưởng lợi rất nhiều trong chu kỳ kinh tế tăng trưởng nóng này và Techcombank không phải là ngoại lệ.
Ngân hàng này bắt đầu mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch và triển khai nhiều loại sản phẩm mới. Tính đến cuối năm 2007, đây là ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn thứ hai trong khối ngân hàng thương mại cổ phần với gần 130 chi nhánh và phòng giao dịch (xếp sau Sacombank với 211 chi nhánh và phòng giao dịch).
Ngoài yếu tố chu kỳ kinh tế, Techcombank tăng trưởng nhanh còn nhờ việc xây dựng vững chắc hệ thống ngay từ ban đầu. Chủ trương này đã có từ thời ông Nguyễn Đức Vinh còn điều hành Ngân hàng. Và cũng giống như nhiều ngân hàng nội khác, Techcombank nương nhờ vào một ngân hàng ngoại để củng cố thêm hệ thống của mình.
Sau khi vào Techcombank, HSBC ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật lần đầu vào năm 2006 và lần thứ hai vào năm 2009 với thời hạn hỗ trợ 5 năm. Nhận định về kết quả của 2 đợt hỗ trợ kỹ thuật này, ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết: “Một phần nhờ vào sự hỗ trợ của HSBC, Techcombank đã xây dựng được hệ thống và đội ngũ nhân sự mạnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển cao hơn trong tương lai”.
Theo đó, trong nhiều năm, HSBC đã cử chuyên gia sang Techcombank để trực tiếp tham gia các hoạt động. Những chuyên gia này lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí như Giám đốc khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân, Giám đốc khối Vận hành hệ thống, Giám đốc Marketing, đồng Giám đốc Trung tâm Thẻ và tín dụng tiêu dùng, Giám đốc Trung tâm Quản lý thu nợ và kiếm soát rủi ro tín dụng cá nhân và cả chuyên gia tư vấn cho mảng quản trị hệ thống thông tin.
Thế nhưng, thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật này sẽ không có lần ký thứ ba.
Bước đi âm thầm của người khổng lồ
Đại diện HSBC và Techcombank cho biết hai bên đã thống nhất không ký tiếp thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật, khi thỏa thuận hết hiệu lực vào tháng 6 tới. Việc ngừng hỗ trợ lẫn nhau mang 2 ý nghĩa. Một là Techcombank đã đủ lông đủ cánh và hai là đối tác HSBC đang thực hiện chiến lược mới.
Những diễn biến gần đây cho thấy khả năng HSBC có chiến lược mới ở Việt Nam là có thể xảy ra. Cùng thời điểm này, trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2014 vừa qua, HSBC không cử đại diện nào tham gia Hội đồng Quản trị mới của Techcombank nhiệm kỳ 2014-2019. Việc một cổ đông chiến lược rút người khỏi Hội đồng Quản trị thường cho thấy dấu hiệu thoái vốn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Trước nghi vấn này, Techcombank cho biết cổ đông lớn HSBC chưa có kế hoạch thoái vốn, trong khi đại diện của HSBC lại từ chối trả lời về khả năng này. Hiện tại, HSBC là cổ đông lớn với tỉ lệ nắm giữ 19,4%.
Giống như HSBC, ANZ và Standard Chartered là những ngân hàng ngoại thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài ngay từ lúc mới được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Hai ngân hàng này đã lần lượt tham gia Sacombank và ACB vào năm 2005. Có một điểm chung là cả 3 ngân hàng nội được các tổ chức nước ngoài này lựa chọn đều là ngân hàng tư nhân hàng đầu trên thị trường lúc bấy giờ.
Trên thực tế, mục đích của các ngân hàng toàn cầu tham gia ngân hàng nội là để tìm hiểu thị trường, chứ không đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính.
Dù vậy, nói cho công bằng, mọi hợp tác chiến lược đều mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với ngân hàng nước ngoài, đó là hiểu được tập quán kinh doanh và tâm lý khách hàng ở Việt Nam. Đối với ngân hàng nội, ngân hàng quốc tế mang lại cho họ sản phẩm và dịch vụ tiên tiến với kinh nghiệm quản trị rủi ro, kèm theo đó là chuẩn mực về điều hành hoạt động ngân hàng.
Sau khi thoái vốn khỏi Sacombank từ năm 2011, ANZ đang lựa chọn con đường tăng trưởng theo phương thức tự thân. Bằng chứng là trong năm qua, ngân hàng này đã giới thiệu thêm một số sản phẩm mới.
Còn HSBC, bên cạnh việc rút người khỏi Hội đồng Quản trị Techcombank, ngân hàng nước ngoài này vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 7.528 tỉ đồng, trước đó là 3.000 tỉ đồng từ khi thành lập vào năm 2009.
Động thái tăng vốn cho thấy HSBC đang dự định mở rộng quy mô hoạt động. Việc tăng vốn cho phép được gia tăng dư nợ, mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch đồng thời đảm bảo được các yêu cầu an toàn trong hoạt động.
Việc ngân hàng nước ngoài đang dần mở rộng các hoạt động ở thị trường Việt nam là nhờ vào lộ trình mở cửa khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Theo lộ trình này, ngân hàng nước ngoài được đối xử công bằng như các ngân hàng thương mại khác kể từ năm 2011. Việt Nam đã cam kết mở cửa 11/12 hoạt động dịch vụ ngân hàng trừ hoạt động có liên quan đến chứng khoán.
Thế nhưng, những ngân hàng nước ngoài này cũng đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật khác. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức vào tháng 6 năm ngoái, một trong những kiến nghị của các ngân hàng nước ngoài là xem xét lại Thông tư 21/2013 quy định về việc mở chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại.
Theo đó, điều 11 trong Thông tư quy định ngân hàng không được mở thêm quá 2 lần số lượng chi nhánh, phòng giao dịch hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội. Điều này có nghĩa ngân hàng nước ngoài, vốn đã có ít chi nhánh, sẽ không được cấp phép mở thêm nhiều chi nhánh.
Hoạt động của ngân hàng ngoại ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ đụng phải rào cản nhất định. Thế nhưng, diễn biến trên cho thấy ngân hàng ngoại vẫn đang có những bước đi âm thầm để mở rộng thị trường, trong khi các ngân hàng nội vẫn còn đang loay hoay với việc xử lý nợ xấu.
Thanh Phong
Nhịp cầu đầu tư
|