Tỷ giá: Mục tiêu rõ ràng, thị trường vững tin
Thống đốc NHNN khẳng định từ giờ đến cuối năm tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định và nếu có phải điều chỉnh sẽ chỉ ở mức 1%.
Tỷ giá ổn định, giới đầu cơ không vui
Đầu năm nay, NHNN đưa ra thông điệp về việc tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định nhưng linh hoạt, không cố định, đồng thời dự báo tỷ giá nếu có điều chỉnh sẽ không quá 2% cho cả năm. Tuy nhiên đến nay, sau gần 5 tháng với tình hình thị trường “êm ả”, Thống đốc NHNN khẳng định thêm từ giờ đến cuối năm tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định và nếu có phải điều chỉnh sẽ chỉ ở mức 1%.
Nhìn lại hơn 2 năm qua, có thể thấy một trong những dấu ấn thành công trong điều hành CSTT của NHNN chính là điều hành tỷ giá. "Điều hành tỷ giá có sự định hướng rõ ràng, các giải pháp thực hiện nhất quán, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất, đảm bảo nâng cao lòng tin vào VND, giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng cường dự trữ ngoại hối Nhà nước” – TS. Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận xét.
Trước đây, tỷ giá thường xuyên biến động, áp lực tăng tỷ giá là thường xuyên, xu hướng chuyển dịch từ việc nắm giữ VND sang USD tạo sức ép tăng cầu ngoại tệ, NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, làm dự trữ ngoại hối (DTNH) giảm xuống mức thấp, gây khó khăn cho việc điều hành và ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên từ cuối năm 2011 đến nay, mục tiêu và các biện pháp điều hành tỷ giá luôn được đặt ra rõ ràng, thể hiện ở việc ngay từ đầu mỗi năm NHNN đều đưa ra các thông điệp điều hành cho cả năm.
Đơn cử, những tháng cuối năm 2011, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá không quá 1%; năm 2012 và năm 2013 đều đặt mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3%. Cùng với đó là các biện pháp quyết liệt để đạt được các mục tiêu đặt ra và thực tế các mục tiêu này cuối cùng đã đạt được.
Mức độ đô la hóa giảm đáng kể giai đoạn 2006 – 2013
|
Chính mục tiêu điều hành minh bạch, chủ động và quyết liệt trong suốt thời gian qua đã giúp giảm mạnh kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam, đồng thời gần như “triệt tiêu” được tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ biến động trên thị trường chợ đen để kiếm lời. Sở dĩ muốn nhấn mạnh đến ý này vì thậm chí đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013, vẫn còn rất nhiều người tin rằng, các biện pháp điều hành tỷ giá của NHNN mang tính cưỡng ép hành chính nên sẽ không duy trì được sự ổn định trong thời gian dài và chắc chắn tỷ giá sẽ có những biến động lớn nên hiện tượng găm giữ ngoại tệ vẫn còn. Đến nay đã đủ thời gian để khẳng định, tình trạng găm giữ ngoại tệ, chủ yếu là USD, để chờ tỷ giá biến động đã được hóa giải.
Một chuyên gia đã chỉ ra, trong chiến lược chống đô la hóa, việc NHNN siết chặt lại các đối tượng được vay ngoại tệ là một “đòn” mạnh đánh vào giới đầu cơ. Bởi trước đây, nhiều DN không có nguồn thu ngoại tệ, không có nhu cầu ngoại tệ cũng vay ngoại tệ dẫn tới áp lực “cầu giả”. Còn trên thị trường mua bán ngoại tệ bây giờ chỉ còn lại các nhu cầu thật, yếu tố đầu cơ được loại bỏ nên thị trường đã lành mạnh hơn rất nhiều. Từ các thành viên thị trường đến từng người dân, có lẽ ai cũng vui mừng trước thực tế này, trừ giới đầu cơ và những đối tượng trước đây đã từng coi ngoại tệ là một kênh “lướt sóng” để kiếm lời.
Cần nhìn trong tổng thể
Cùng với đó, lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam tăng lên, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm xuống đáng kể. Công tác điều hành tỷ giá cũng được gắn kết chặt chẽ với điều hành thị trường nội tệ, đặc biệt là lãi suất, từ đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối, phản ánh qua việc hoạt động của thị trường tự do bị thu hẹp, DTNH quốc gia liên tục tăng... Đến nay, mức DTNH đã đạt trên 35 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Nguồn dự trữ này không những để phục vụ rất tốt cho nền kinh tế mà còn tạo ra vị thế và tiềm năng đối ngoại của đồng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, huy động vốn bằng VND tiếp tục tăng, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm so với đầu năm. Cụ thể tính đến 22/4/2014, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%. NHNN cho biết, việc tăng trưởng huy động vốn bằng VND cao trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống TCTD tăng lên.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất là chủ trương điều hành tỷ giá ổn định nhưng không cố định và luôn đặt mục tiêu giữ tỷ giá biến động không lớn trong gần 3 năm qua đã tạo niềm tin cho thị trường, nhất là các dòng vốn bên ngoài muốn chọn Việt Nam để đầu tư. Đồng thời, việc NHNN điều hành mở và phát ra thông điệp rõ ràng như thời gian qua cũng gây dựng lòng tin vững chắc cho cộng đồng DN, tạo điều kiện cho các DN chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Cũng có những quan điểm cho rằng, vẫn cần phá giá tiền đồng để hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung - Phó tổng Giám đốc, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối Ngân hàng VIB không đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, thực tế thời gian qua, tỷ giá ổn định nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt. Trước đây, chúng ta thường xuyên phải phá giá mạnh mà xuất khẩu cũng không tăng trưởng khá hơn. Vậy nếu nói phá giá hỗ trợ cho xuất khẩu tốt thì cần tính toán và lượng hóa chính xác mỗi % phá giá sẽ hỗ trợ tăng thêm bao nhiêu % xuất khẩu. Còn nếu không chứng minh được thì chính sách điều hành tỷ giá hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Bởi, như thực tiễn hơn 2 năm vừa qua đã chứng minh, cái được của tỷ giá ổn định lớn hơn cái mất rất nhiều. Trong đó 2 điểm nổi lên có thể thấy rõ nhất là: Thứ nhất, DN chủ động trong chiến lược kinh doanh; Thứ hai, Việt Nam trở thành một trong những nơi thu hút được tốt các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp nước ngoài khi họ không còn lo ngại về rủi ro tỷ giá.
Cũng theo ông Trung: “Ở một thị trường khi mà cung và cầu chưa ở mức hoàn thiện thì điều hành tỷ giá theo mục tiêu như cách hiện nay của NHNN là đúng hướng. Còn nếu thả nổi tỷ giá hoàn toàn thì nhiều khả năng sẽ thất bại”.
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ
Sự điều hành CSTT của NHNN những năm gần đây đã chủ động định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ. Tiêu biểu nhất là việc từng bước giảm lãi suất cho vay VND phục vụ sản xuất kinh doanh từ trên 20%/năm của những năm 2011, 2012 về mức dưới 15%/năm vào đầu năm 2013 và dưới 13%/năm vào cuối năm 2013… Hoạt động cho vay ngoại tệ cũng giảm đáng kể so với những năm 2011, 2012. Cùng đó, NHNN kiểm soát chặt chẽ và giữ vững sự ổn định của tỷ giá…
Đây là những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi. Chính nhờ sự ổn định của CSTT đã tạo điều kiện cho DN xây dựng chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh dài hạn mà không lo ngại nhiều về rủi ro tỷ giá. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự điều hành CSTT linh hoạt và ổn định như thời gian gần đây, các DN sẽ từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, trở thành những DN phát triển bền vững trong những năm tới.
Trong hơn 2 năm qua, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cũng đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất veston với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng và đã được Vietinbank Đà Nẵng và VietcomBank cho vay vốn.
Hiện Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, quy mô lớn nhất khu vực miền Trung, có 7.600 lao động và đạt doanh thu năm 2013 trên 2.550 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD. Năm 2014, DN đặt mục tiêu doanh thu trên 3.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam:
Sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối trong thời gian vừa qua đã góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao niềm tin của người dân vào tiền đồng và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta còn có những nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, FII, ODA… giúp cho nguồn cung ngoại tệ dồi dào trên thị trường. Để giúp tỷ giá ổn định và hỗ trợ xuất khẩu, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ vào làm cho nội tệ không tăng giá so với đồng USD, vừa tăng dự trữ ngoại hối, giúp NHNN có nhiều nguồn lực và công cụ để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.
NHNN cũng đã kết hợp chính sách quản lý ngoại hối và tiền tệ một cách linh hoạt hài hòa thông qua việc bơm hút tiền đồng một cách nhịp nhàng trên thị trường mở, kênh phát hành tín phiếu để có thể điều hành tỷ giá linh hoạt và ổn định.
Bên cạnh việc sử dụng các công cụ, chính sách ngoại hối và tiền tệ, NHNN thường xuyên trao đổi thông tin với báo đài và các thành viên thị trường, qua đó giúp thị trường hiểu rõ hơn định hướng điều hành tỷ giá. Thông qua định hướng của NHNN, người dân và các DN có thể yên tâm về sự ổn định của tỷ giá và tiền đồng, từ đó các DN có thể lên kế hoạch và thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh của mình.
|
Anh Tuấn
thời báo ngân hàng
|