“Vênh” quyền lợi doanh nghiệp - nông dân
Triển khai thí điểm từ năm 2011, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã dần phát triển và hình thành từ năm 2014. Tuy nhiên, những bất ổn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa được giải quyết.
Tình trạng doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng với nông dân lại tiếp diễn, gây mất lòng tin - Ảnh minh họa.
|
Tại hội thảo “Hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp và đại diện nông dân, vừa diễn ra cuối tháng 3, còn nhiều ý kiến tranh luận.
Sáu “điểm nghẽn” khó tháo gỡ
Mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty thuốc bảo vệ thực vật triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang, có sự đầu tư lớn bởi các quỹ nước ngoài đầu tư với số tiền lên đến hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, mô hình vẫn bộc lộ những khó khăn thách thức trong triển khai do khả năng sinh lời thấp và rủi ro cao khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, nếu đầu tư xây dựng thêm nhà máy xay xát và kho chứa, thì một năm chỉ làm hai vụ không sử dụng nhiều và cũng không thể đủ ngân sách để đầu tư. Đó là lý do không thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thị trường để đầu tư cho mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ hai, do đặc điểm gieo xạ đồng loạt và thu hoạch đồng loạt nên lúa phải sấy cùng lúc nên chất lượng sấy không đồng đều và ổn định do phải sấy ở nhiều cơ sở với chất lượng khác nhau.
Thứ ba, thay vì đầu tư cho xây dựng nhà máy sấy thì chi phí cơ hội để đầu tư sang lĩnh vực khác sẽ tốt hơn và có khả năng sinh lời cao hơn lại sử dụng hiệu suất tốt hơn.
Thứ tư, chỉ cần một hợp đồng đầu ra mất khả năng thanh toán hay vụ mùa bị ảnh hưởng bởi thời tiết và thiên tai cũng sẽ ảnh hưởng đến các cam kết triển khai cánh đồng mẫu lớn. Chưa kể doanh nghiệp sản xuất lại không phải là nhà phân phối lúa gạo nên không kiểm soát được thị trường đầu ra.
Thứ năm, ngân hàng không muốn cho doanh nghiệp vay để mua lúa và phân đạm cung cấp cho nông dân vì họ có thể phá hợp đồng để bán lúa với giá cao hơn cho thương lái hoặc người nông dân bị mất mùa. Khi đó ngân hàng không có khả năng thu hồi tiền từ doanh nghiệp do không có tài sản thế chấp.
Thứ sáu, các doanh nghiệp vùng Đồng bằng song Cửu Long hoàn toàn không tính đến vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và các biện pháp phòng tránh thiên tai.
Cuối cùng, do Việt Nam chưa phát triển thị trường tương lai nên các công cụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp đều thua lỗ. Điều này không có ai đảm bảo cho nông dân hay doanh nghiệp khi bị mất mùa hay thiên tai.
Phá vỡ hợp đồng, ai chịu trách nhiệm?
Theo phản ánh của đại diện nông dân tỉnh Đồng Tháp tham dự tại hội thảo, từ vụ lúa đông xuân 2013-2014, các doanh nghiệp đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với nông dân. Thế nhưng tình trạng doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng với nông dân lại tiếp diễn, gây mất lòng tin.
Đơn cử ở xã Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp, nông dân thu hoạch lúa trong tình thế bán đổ bán tháo. Lúa chín rực ngoài đồng, thất thoát nhiều, năng suất giảm. Trong khi đó, thương lái ra sức ép giá dù giá lúa hiện nay đang thấp. Sở dĩ nông dân rơi vào tình cảnh này là do Công ty Cổ phần Docimexco không thực hiện hợp đồng mua lúa đã ký kết đầu vụ.
Công ty Cổ phần Docimexco đã ký hợp đồng thu mua lúa của các Hợp tác xã ở huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự với tổng diện tích trên 1.300ha. Nguyên nhân chính dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng là do giữa hai bên không thống nhất cách thức tính độ thuần của lúa và thỏa thuận về giá cả. Công ty mua lúa thấp hơn từ 200-300 đ/kg so với giá thị trường. Việc doanh nghiệp và người nông dân không tìm được tiếng nói chung cho thấy, sự cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ giữa các bên còn yếu, chưa bền chặt.
Lâu nay, việc doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng với nông dân và ngược lại nông dân không bán lúa cho doanh nghiệp vẫn diễn ra. Điều này cho thấy cung cách làm ăn thiếu sòng phẳng, chỉ thấy lợi trước mắt của cả đôi bên. Trong lộ trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn hay tái cơ cấu nông nghiệp, vấn nạn này hiện là một cản trở lớn. Hơn lúc nào hết, việc áp dụng chế tài đủ mạnh xử lý vi phạm, tạo cơ sở pháp lý nhằm xây dựng mối liên kết bền chặt, hiệu quả đang là mong mỏi lớn của cả doanh nghiệp lẫn nông dân.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm Hơp tác xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết vụ đông xuân 2013-2014, toàn bộ diện tích 1.200 ha của Hơp tác xã được 4 doanh nghiệp đăng ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết mua lúa cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 100 đ/kg đối với giống IR 50404 và 200 đ/kg đối với giống OM 6976.
Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch xong thì có 2 trong số 4 doanh nghiệp đã phá vỡ hợp đồng. Doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm của nông dân nhờ đó mà doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để xây dựng kho bãi, hệ thống xay xát, sấy..., trong khi doanh nghiệp không thực sự quan tâm bao tiêu sản phẩm, gây bức xúc cho nông dân. “Vấn đề cốt lõi vẫn là không có quy định xử lý rõ ràng trong những trường hợp tranh chấp”, ông Nguyễn Văn Đời khẳng định.
Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ không lớn được nếu không cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Thực tế những gì đang diễn ra ở nhiều địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long, cánh đồng mẫu lớn chỉ tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp, còn lợi nhuận của nông dân tăng không đáng kể, một chuyên gia nhận định: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn ó nguy cơ bị phá sản bởi chính sách hoàn toàn không đặt vai trò lợi ích nhà đầu tư vốn hay chủ ngân hàng cho vay. Người ta sẽ đầu tư tiền vào nơi nào có khả năng sinh lời cao nhất và rủi ro thấp nhất. Cũng tương tự, cho vay phải tính đến khả năng có thể thu hồi vốn tốt nhất”.
Anh Tuấn
vneconomy
|