Thứ Tư, 02/04/2014 09:49

Thoái vốn dưới mệnh giá: Minh bạch để tránh thất thoát

Cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và đề xuất các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) được phép mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) là những nội dung tại Nghị quyết số 15/NQ-CP (ngày 6-3 của Chính phủ), được dư luận hết sức quan tâm.

* Cẩn trọng khi thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá

* Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước: Chờ thời cắt lỗ

Cho rằng đây là giải pháp phù hợp, song các chuyên gia lưu ý cần có cơ chế để minh bạch thông tin trong quá trình thoái vốn nhằm tránh làm thất thoát thêm tài sản của Nhà nước cũng như làm phức tạp thêm vấn đề sở hữu chéo.

Phù hợp với thực tế

Nghị quyết số 15/NQ-CP cho phép “thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định”. Về nguyên tắc thị trường, những khoản đầu tư không hiệu quả cần phải được sớm thoái vốn, chấp nhận cắt lỗ. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là phải làm sao để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá không làm thất thoát thêm tài sản Nhà nước. Các chuyên gia tài chính cho rằng, nếu chúng ta công khai, minh bạch trong quá trình mua bán vốn thì có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng này.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Giám đốc Quản lý tín dụng, NHTMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho rằng, thoái vốn dưới mệnh giá là giải pháp hợp lý vào thời điểm này, bởi quy luật của thị trường là khi hàng hóa đắt thì ta bán đắt, còn hàng hóa rẻ thì bán rẻ. Theo ông Hiệp, chủ trương này góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong cổ phần hóa thời gian qua.

Nhận định đây là chủ trương tốt nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng trong bối cảnh khó khăn, hàng hóa đa phần đều xuống giá thì Nhà nước “mất” một chút cũng là điều đương nhiên.

“Chính phủ cho phép thoái vốn dưới mệnh giá nhưng trên cơ sở cân nhắc và có chọn lựa, không thoái vốn bằng mọi giá. Cái nào đang lỗ thì bán nhanh hơn, hoặc càng để càng lỗ thì mới thoái, cái nào đang lãi thì bán chậm hơn. Nhưng cái quan trọng là cần phải được minh bạch trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép bộ, ngành, địa phương được phép điều chỉnh lại vốn điều lệ sau khi thoái vốn xong, đây cũng là sự mềm dẻo, thiết thực, thuận lợi cho cổ phần hóa”, TS Nguyễn Minh Phong bình luận.

Cần công khai việc mua, bán vốn

Về chủ trương cho phép các NHTMNN là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV được mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành tại các công ty tài chính, NHTMCP của các DNNN, theo TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV, đây là giải pháp khả thi.

“Rõ ràng là các NHTMNN cũng hiểu những NH đối tác và công ty tài chính mà các tập đoàn, công ty Nhà nước đang góp vốn. Bên cạnh đó, về cơ bản số tiền không phải là nhiều nên với “room” này các NHTMNN có thể mua được”, ông Cấn Văn Lực nhận xét.

Ngoài ra, ông Lực cũng lưu ý một số vấn đề khi thực hiện chủ trương này. Ông Lực đề xuất các DNNN thoái vốn nên theo trình tự ưu tiên, trước hết họ tự mình tìm được đối tác để thoái vốn là tốt nhất, vì nó liên quan đến “thuận mua vừa bán”, tự nguyện. Hai mới đến các phương án bán lại cho NHTMNN, hoặc NHNN và cuối cùng là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

“Về giá cả, phải có công ty bên thứ ba định giá độc lập và điều quan trọng là phải đảm bảo được minh bạch, công khai các mua bán để tránh được việc tăng sở hữu chéo hoặc vấn đề sân sau như dư luận lo ngại, dù khả năng này ít xảy ra vì việc này chắc chắn sẽ phải minh bạch. Ngoài ra, sau khi các NHTMNN mua về rồi thì phải cân đối khả năng về tài chính của chính NH mình, ví dụ NH mua chỗ này và lại phải thoái chỗ khác, làm sao để phần vốn phát huy hiệu quả”- ông Lực nói.

Dưới góc độ khác, ông Hoàng Xuân Hiệp, Giám đốc Quản lý tín dụng, Ngân hàng Maritime Bank cho rằng, không nên quá lo ngại về sở hữu chéo bởi sở hữu chéo là hoàn toàn bình thường nếu nó công khai, minh bạch, vì nó làm tốt thêm vấn đề quản trị kinh doanh. “Vấn đề ở đây là nếu các ngân hàng quản trị tốt, công khai minh bạch thì sẽ làm thúc đẩy DN phát triển hơn. Vì sở hữu chéo nghĩa là nó có nhiều cái đầu cùng “đầu tư” vào vốn thì vẫn hơn 1 cái đầu”, ông Hiệp so sánh.

Chuyên gia kinh tế TS, Nguyễn Thị Hiền: Mặc dù Chính phủ cho phép thoái vốn dưới mệnh giá nhưng điều này vẫn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Có thể Nhà nước phải chịu bán lỗ các DNNN kém hiệu quả, thậm chí cho không, như bên Tây Đức ngày xưa bán nhà máy chỉ với 1 đồng Mark Đức. Tất nhiên nước ta không giàu như Tây Đức nhưng cũng phải chấp nhận bán rẻ một số DN. Nếu cứ thoái vốn dè dặt theo sổ sách thì không được. Trong quá trình này, thất thoát là không tránh khỏi nhưng làm tốt công khai, minh bạch, cho đấu thầu quang minh chính đại thì thất thoát không đáng kể so với cái lợi thu được. Mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014-2015 là thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước, nhưng đạt được mục tiêu này hay không thì còn phải chờ các giải pháp đưa ra và tình hình triển khai thực tế.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Cần thành lập một ủy ban quốc gia về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành. Cơ quan này có chức năng giám sát, thẩm định bổ trợ cho việc thoái vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với các đối tác và ngân hàng. Ngoài ra, dù Nghị quyết 15 của Chính phủ cho phép việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thể giao các NHTMNN mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, nhưng các DN nên chủ động tìm kiếm đối tác để bán cổ phần, cổ phiếu của mình. Giải pháp này sẽ giúp tăng vốn chủ sở hữu, vừa giảm gánh nặng cho ngân hàng. Bởi lẽ hiện nay, khối ngân hàng cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại hoạt động của mình.

L.B (ghi)


Hoài Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Dự án ODA: Đấu thầu, mua sắm luôn có kẽ hở (02/04/2014)

>   Cá tra bị áp thuế cao tại Mỹ (02/04/2014)

>   Xây dựng gấp kịch bản tăng trưởng? (02/04/2014)

>   "Chưa thể ngăn chặn triệt để xuất lậu khoáng sản" (01/04/2014)

>   Chính phủ đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT (01/04/2014)

>   Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra Việt (01/04/2014)

>   Thị trường lao động cần tận dụng giai đoạn dân số vàng (01/04/2014)

>   Tháng 4 sẽ ban hành quy định minh bạch giá điện (01/04/2014)

>   Casino tại Việt Nam: Cuộc đua ngầm đang quyết liệt (01/04/2014)

>   Lỗ lãi của phim Việt (01/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật