Tăng trưởng thương mại Việt Nam – ASEAN đang chậm lại
Tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Đông Nam Á (ASEAN) đang chậm lại trong vài năm gần đây mặc dù hàng rào thuế quan giữa các nước này đã được gỡ bỏ dần theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 17-5-2010.
Hiện Philippines là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng gạo của Việt Nam. Ảnh minh họa: TC.
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm 2014, ASEAN vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn ba của Việt Nam, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch ước đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thực tế của Tổng cục Hải quan cho thấy trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với các thị trường xuất khẩu chính khác, như Mỹ (ước đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 23%), EU (ước đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5%), và Trung Quốc (ước đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,2%).
Về nhập khẩu, Hàn Quốc đã vượt qua ASEAN trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN trong ba tháng đầu năm nay ước đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 2,1%.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, không phải chỉ trong quí 1 năm nay mà từ hơn hai năm qua, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong năm 2010 là 19,4%, 2011 là 28,8%, năm 2012 là 9,4% và 2013 là 3,5%.
Vào năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 18,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,4% và nhập khẩu đạt 21,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,7% so với năm 2012.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2013, mặc dù nhóm hàng điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN tăng cao, nhưng các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh, như gạo giảm 51,3%, và dầu thô giảm 14,4%. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Philippines giảm từ mức 1,1 triệu tấn trong năm 2012 xuống còn hơn 500 nghìn tấn, Indonesia giảm từ 930 nghìn tấn xuống còn 150 nghìn tấn.
Theo cam kết trong ATIGA, thuế suất của nhiều mặt hàng được buôn bán nội khối ASEAN đã giảm dần xuống 0%, bắt đầu từ ngày 17-5-2010. Trong đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ khoảng 93% tổng dòng thuế, tức đưa thuế suất xuống 0%, vào năm 2015 và một số dòng thuế được linh hoạt đến 2018 (giảm xuống 0% vào 2018).
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng như gạo, dầu thô, máy móc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây cũng là những mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong giai đoạn từ 2005-2009 – thời điểm trước khi có ATIGA.
Gần đây, nhóm hàng điện thoại di động Việt Nam xuất sang ASEAN tăng nhanh, trong hai tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm sắt thép cũng được Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong vài năm qua, nhưng đang giảm (giảm 10,8% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái) có thể do một số nước ASEAN khởi kiện chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có Thái Lan, Indonesia.
Hiện Malaysia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Singapore lần lượt là thị trường xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.
T.Thu
thời báo kinh tế sài gòn
|