Dệt may đón đầu TPP: Chủ động về nguồn nguyên phụ liệu
Một trong những yêu cầu đối với hàng may mặc của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (sản phẩm khi XK sang các nước thuộc TPP phải sử dụng mọi nguyên vật liệu được làm tại các nước thuộc TPP), chính vì thế các DN đều nỗ lực chủ động về nguồn nguyên phụ liệu (NPL), ưu tiên hàng nội địa.
Những khó khăn về nguồn NPL
Hiện một số DN có vốn đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch tham gia thị trường NPL tại Việt Nam như:
- Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) với nhà máy sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại Nam Định;
- Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) đã đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất sợi tại tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 40 triệu USD và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 160 triệu USD để trở thành nhà máy sợi lớn nhất châu Á;
- Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất sợi thứ 4 ở Việt Nam với tổng vốn 300 triệu USD tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), DN dệt may nước ta vẫn còn trong tình trạng thừa đơn hàng, thiếu NPL. Tổng kim ngạch NK NPL dệt may năm 2013 ước đạt 13,58 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm 2012. Trong đó, giá trị NK bông tăng 33,4%, NK vải tăng 19,3%, NK xơ, sợi dệt các loại tăng 8% giá trị. BSC dự báo NK NPL năm 2014 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2013, trong khi nhiều DN cho biết đã nhận được đơn hàng đến hết quý II-2014.
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP may XK Việt Thái, Thái Bình cho biết: “Lộ trình để các DN dệt may có thể gia nhập vào TPP trong thời gian tới là rất khó khăn với những yêu cầu, quy tắc từ Hiệp định TPP. Riêng về NPL, việc sử dụng nguồn hàng nội địa vẫn chưa có nhiều khả quan do NPL đến từ Trung Quốc chiếm 60-70%, các DN NPL trong nước chưa đủ sức đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, thủ tục để mua hàng trong nước lại khó hơn việc NK do những thủ tục rườm rà, khó khăn trong khâu vận chuyển”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Thủy - Đại diện Thương mại Công ty TNHH Coats Phong Phú (thành viên Tập đoàn Coats Holding Ltd.) cho biết, lượng đơn hàng đặt mua NPL tại Coats Phong Phú năm 2014 đã tăng khoảng 30% so với năm 2013. Tuy nhiên, hiện khoảng 60% nguồn hàng được lấy từ nhà máy tại TP.HCM sản xuất, còn lại vẫn phải NK từ Tập đoàn tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hungary..., là những nước không thuộc TPP.
Nỗ lực của các DN
Để theo kịp và đón đầu khi Hiệp định TPP được ký kết, các DN chuyên về NPL trong nước đã và đang tích cực mở rộng và tăng trưởng sản xuất. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Công ty TNHH Coats Phong Phú đã có sự chuẩn bị từ 2 năm trước bằng việc tăng quy mô nhà xưởng thêm khoảng 30%. Trong năm 2013, tuy không xây thêm nhà xưởng nhưng công ty lại đầu tư hàng triệu USD vào việc mua trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Những bước phát triển vừa qua đã phản ánh đúng định hướng của công ty nhằm tăng lượng đơn hàng, kêu gọi nhiều khách hàng mới”, bà Thủy cho biết.
Để nâng cao tính cạnh tranh, các DN trong nước, đặc biệt là các công ty dệt may lớn đang nỗ lực để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ khâu NPL. Theo kế hoạch trong năm 2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ tiến hành đầu tư phát triển 57 dự án bao gồm 5 dự án sợi, 8 dự án dệt, 24 dự án may, 2 dự án bông trang trại… Vinatex đã kêu gọi các DN thành viên trong ngành, bao gồm cả DN khối FDI cùng tập trung đầu tư phát triển sản xuất NPL.
Chính nhờ những sự đầu tư như thế nên các DN NPL trong nước đã có những tín hiệu khả quan, có khả năng XK một lượng đơn hàng sang các thị trường lân cận như Myanmar, Campuchia, Bangladesh. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2013, dệt may Việt Nam đã XK 564 triệu USD giá trị các sản phẩm khuy, cúc, mác, chỉ…; 2,12 tỷ USD xơ, sợi dệt các loại, tăng 15,1% so với năm 2012. So với tổng kim ngạch XK trên 20 tỷ USD của toàn ngành dệt may thì đây không phải là con số lớn, nhưng nếu xét trong bối cảnh dệt may còn thiếu nguồn NPL nội địa thì đây là kết quả đáng ghi nhận từ việc tăng cường nội địa hóa NPL.
Nếu chỉ tập trung vào sản xuất hàng may mặc, các DN dệt may đều xây dựng kế hoạch để thuận lợi cho những hội nhập sau này, không chỉ riêng TPP. Theo đại diện của Công ty CP may Sơn Hà, DN từ khi biết thông tin đàm phán gia nhập TPP đã chuyển sang chủ động đặt mua, tự cung ứng NPL trong nước. Hiện tại, DN đã chủ động được nguồn NPL lên đến 70% thay vì chỉ có 20% như trước kia. Bên cạnh đó, DN đã chú trọng hơn vào khâu quản lý, kiểm soát để đáp ứng yêu cầu của khách hàng đối với nguồn NPL. Đối với các mặt hàng NPL NK, thay vì nhập về từ Trung Quốc, hiện DN chuyển hướng nhập từ các nước thuộc thành viên TPP hoặc thuộc khối ASEAN, luôn yêu cầu DN NK phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng.
Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (MayVietTien):
Khi gia nhập TPP, một trong những yêu cầu đầu tiên đó là việc sử dụng nguyên liệu vải được tạo ra từ bông hoặc sợi của Việt Nam, hoặc là của các nước TPP. Tôi cho rằng các DN Việt Nam cần nắm bắt và tuân thủ vấn đề này để được hưởng ưu đãi từ TPP. Theo đó, các DN cần phải liên kết hợp tác với các nhà sản xuất NPL tại Việt Nam để sử dụng nguồn lực tại chỗ, đáp ứng được yêu cầu của TPP. Thời gian qua Việt Tiến đã chuẩn bị nhiều giải pháp trong đó có đầu tư liên kết các nhà cung ứng NPL...
Ông Nguyễn Như Bảo, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân:
Khi gia nhập TPP, dệt may Việt Nam phải đảm bảo quy tắc xuất xứ “từ sợi”. Với Công ty Dệt kim Đông Xuân, chúng tôi có thuận lợi do từ trước đến nay công ty đã có dây chuyền khép kín, đã chủ động được từ khâu dệt, xử lý vải và cắt may, là một trong số ít DN ở Việt Nam làm từ đầu đến cuối. Theo quy tắc xuất xứ mới này, Công ty Đông Xuân còn một công đoạn nữa, đó là kéo sợi. Đối với công đoạn này, hiện nay Công ty cũng chấp thuận đầu tư, triển khai dây chuyền kéo sợi, đáp ứng nhu cầu sợi phục vụ công đoạn dệt, may cho Công ty và cũng là để khép kín dây chuyền sản xuất. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi đầu tư vào công đoạn này là sợi là lĩnh vực mới đối với Đông Xuân, vì thế sẽ mất thời gian đầu tư về khoa học công nghệ, con người… và nhiều vấn đề khác đặt ra.
H.Aanh - P.Thu (ghi)
|
Hương Dịu
hải quan
|