Chủ Nhật, 06/04/2014 22:52

Tái cơ cấu DNNN khối Trung ương: Tiến độ chậm, kết quả hạn chế

Giai đoạn 2011- 2013, mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tuy nhiên tái cơ cấu DNNN khối DN Trung ương (TƯ) còn nhiều hạn chế, tiến độ thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại DN còn chậm, còn có nhiều hạn chế trong đổi mới công tác quản trị DN.

Để về đích đúng hẹn, các DNNN cần có lộ trình tái cơ cấu hợp lý (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Thanh

Chỉ CPH được 10/80 DN trực thuộc

Tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN khối DN TƯ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN TƯ cho biết, 28 đơn vị thuộc Đảng ủy Khối DN TƯ đã xây dựng xong đề án tái cơ cấu, trong đó đề án của 24 đơn vị đã được phê duyệt. Kết quả sắp xếp DN của 24 đơn vị có đề án được phê duyệt đã có những kết quả nhất định. Theo đó, 24 DN được tổ chức theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, trong đó 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, có 9 công ty mẹ cần tiến hành CPH. Đến nay có 3 công ty mẹ đã CPH là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty (TCT) Thép Việt Nam. Trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ CPH các công ty mẹ còn lại, gồm: Tập đoàn Dệt may, TCT Hàng không, TCT Hàng hải, TCT Sông Đà, TCT Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, TCT Công nghiệp Xi măng.

Trong 3 năm qua, các đơn vị trong diện phải tái cơ cấu đã có những cải thiện trong kết quả sản xuất kinh doanh. So với 2011, tổng doanh thu năm 2013 tăng 8,3% lên 1.804.821 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 34% lên 1.034.588 tỷ đồng, tổng lợi nhuận tăng lên 25,7% lên 90.396 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng 25,3% (lên 297.023 tỷ đồng)... Vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển. Nộp ngân sách tiếp tục tăng, năm 2013 các đơn vị nộp gần 300 ngàn tỷ đồng, tương đương 36,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu DNNN khối DN TƯ còn nhiều hạn chế. Tiến độ thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại DN còn chậm. Điển hình như TCT Lương thực miền Bắc, TCT Đường sắt Việt Nam.

Theo báo cáo, tổng số DN trực thuộc của 24 đơn vị cần CPH theo đề án tái cơ cấu là 80 DN, số đã xúc tiến triển khai CPH là 50 DN, số đã hoàn thành CPH là 10 DN. Đây là con số rất khiêm tốn. Từ nay đến hết năm 2015 cần hoàn thành CPH 70 DN còn lại. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề đối với khối các DN TƯ. Nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh tế tài chính khó khăn, thị trường chứng khoán giảm sâu không thuận lợi cho CPH. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là các đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu. Công tác quản trị DN đổi mới còn chậm, tại một số tập đoàn, TCT, năng lực quản trị chưa tương xứng với quy mô, vị trí của đơn vị, công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro còn lỏng lẻo...

Về thoái vốn, tổng số DN cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước theo đề án là 642 DN, tuy vậy số đã thực hiện thoái vốn xong kể từ khi đề án được phê duyệt là 167 DN, tổng số vốn thu về đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến 2015 còn phải tiếp tục thoái vốn tại 472 DN.

Cần vạch ra lộ trình cụ thể, hợp lý

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, trong thời gian tới, phải xác định phạm vi DN thế nào cho vừa phải, chỉ giữ cổ phần của Nhà nước ở những khâu, những lĩnh vực quan trọng. Các DNNN trong diện phải tái cơ cấu cần xây dựng lộ trình tái cơ cấu, CPH một cách cụ thể, hợp lý. Đổi mới quản trị DN là vấn đề rất hệ trọng, cần được chú ý. Ngoài ra, cần cơ cấu lại nhân lực, cụ thể là kiện toàn đội ngũ lãnh đạo bằng cách lựa chọn đúng, trúng, cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, đồng thời sắp xếp nhân lực hợp lý, hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, CPH DNNN, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Đổi mới DN cho rằng, thời gian chúng ta còn rất ít, khối lượng DNNN cần tái cơ cấu, CPH nhiều, nếu không có bước đi thích hợp thì sẽ không kịp tiến độ. Hiện nay chúng ta còn hơn 430 DN cần CPH, thời gian chỉ còn 21 tháng. Vì vậy, các DN cần vạch ra lộ trình cụ thể, để làm sao ngày 31-12-2015 chúng ta sẽ kết thúc được tái cơ cấu, CPH các DNNN. Căn cứ vào lộ trình, nếu xuất hiện những khó khăn gì thì DN cần đề xuất để giải quyết ngay.

Về vấn đề thoái vốn đối với các khoản vốn đầu tư chéo giữa các tập đoàn, TCT, ngân hàng, đại diện Đảng ủy Khối DN TƯ đề xuất cho phép các đơn vị này được mua lại, chuyển nhượng số vốn đang góp theo giá trị sổ sách hoặc tự thỏa thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn. Đối với một số khoản đầu tư nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này, hoặc đơn vị do Chính phủ chỉ định.

Đại diện Đảng ủy Khối DN TƯ cho rằng để đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra đối với DNNN, về lâu dài cần thống nhất trách nhiệm và đầu mối giám sát về một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN của Chính phủ. Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư Nhà nước vào DN.

Hoài Anh

Hải quan

Các tin tức khác

>   Lý do khiến các Cienco ế hàng chục triệu cổ phần (04/04/2014)

>   Bình quân mỗi ngày IPO một doanh nghiệp Nhà nước (04/04/2014)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN: Xóa bỏ sự đặc lợi, độc quyền (03/04/2014)

>   Nhà đầu tư ngoại kỳ vọng gì ở các đợt IPO sắp tới? (03/04/2014)

>   Năm 2014, Hà Nội sẽ cổ phần hóa 27 DN, bộ phận DN trực thuộc (03/04/2014)

>   MobiFone 'cõng' bao nhiêu nợ khi ra riêng? (02/04/2014)

>   Nhà đầu tư ít quan tâm cổ phần hóa DNNN (02/04/2014)

>   'Năm 2015 sẽ chào bán cổ phiếu SBIC ra công chúng' (31/03/2014)

>   Nhìn lại kết quả cổ phần hóa DNNN trong Quý I (30/03/2014)

>   Quyết liệt cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp GTVT (29/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật