Thứ Năm, 03/04/2014 09:00

Nhà đầu tư ngoại kỳ vọng gì ở các đợt IPO sắp tới?

Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng gì từ các đợt IPO mạnh mẽ trong 2 năm tới? Ngành nghề nào sẽ được họ quan tâm nhiều nhất?

Trong cuộc trao đổi dưới đây, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, đã chia sẻ góc nhìn của một tổ chức nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam.

Từng tham gia nhiều cuộc đấu giá cổ phần, mối quan tâm nhất của tổ chức đầu tư nước ngoài như VinaCapital khi tham gia các phiên IPO là gì, thưa ông?

Quan tâm đầu tiên đối với chúng tôi là lãnh đạo doanh nghiệp được đấu giá, xem lợi ích và sự cam kết của những người lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự đồng hành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp hay không.

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc cán bộ công nhân viên và lãnh đạo trong công ty có quan tâm và tham gia mua cổ phần của chính doanh nghiệp của họ hay không.

Đồng thời, những chỉ tiêu kinh doanh và các cam kết của các cơ quan chủ quản giao cho doanh nghiệp trong việc tăng trưởng kết quả kinh doanh, doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp cũng là yếu tố hết sức quan trọng khi đánh giá tiềm năng tăng trưởng và tiềm năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp và khoản đầu tư.

Một yếu tố quan trọng khác mà chúng tôi sẽ đánh giá là quy mô doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp ở mức giá khởi điểm có phù hợp hay không. Chúng tôi sẽ tham gia đấu giá nếu ở giá khởi điểm doanh nghiệp đã được định giá hợp lý chứ không cao hơn mức đánh giá của chúng tôi.

Đồng thời, quy mô doanh nghiệp phải lớn hơn mức tối thiểu quy định theo chiến lược đầu tư của quỹ để có thể tạo ra mức thanh khoản phù hợp cho khoản đầu tư của chúng tôi.

Theo ông, những doanh nghiệp đấu giá vừa qua đã thực sự hấp dẫn chưa?

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp tạo điều kiện cho ban điều hành trở thành cổ đông, đồng thời cũng là nhà đầu tư của công ty. Vì vậy, việc này giúp cho cả hai cùng phát triển tối đa lợi ích của mình mà trong đó: Vinamilk, Dược Hậu Giang là một trong những ví dụ điển hình trong thời gian qua.

Theo tôi, những doanh nghiệp đấu giá vừa qua thực sự hấp dẫn. Quy mô doanh nghiệp đấu giá cũng rất quan trọng để tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Theo quan sát của chúng tôi, trong những năm gần đây có xu hướng các “doanh nghiệp chị em, mẹ con” trong cùng một tập đoàn đều được cổ phần hóa và niêm yết.

Điều này có vẻ như không giống với xu hướng đã diễn ra trên thị trường chứng khoán thế giới từ trước tới nay, khi hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thế giới chỉ niêm yết công ty tập đoàn, và các công ty con chỉ ở dưới dạng doanh nghiệp liên doanh với đối tác hoặc 100% sở hữu bởi công ty mẹ.

Việc niêm yết/cổ phần các “doanh nghiệp chị em và mẹ con” làm quy mô các doanh nghiệp bị xé nhỏ, làm mất đi tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Đồng thời, sở hữu chồng chéo giữa “công ty mẹ/con, chị em” làm nhà đầu tư đặt dấu hỏi về sự minh bạch cũng như rủi ro trong việc chuyển hóa lợi nhuận giữa các công ty, và vì thế mà người ta ngần ngại khi chọn công ty vào danh mục đầu tư.

Nếu sàn giao dịch bao gồm một số lớn các cổ phiếu thiếu hấp dẫn sẽ làm giảm/mất đi tính hấp dẫn và chất lượng cả thị trường nói chung và vì thế làm thấp đi mức độ thu hút đối với dòng vốn đầu tư từ các quỹ trên thế giới.

Vậy đâu là những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp có kế hoạch IPO và lên sàn trong năm nay?

Dòng tiền đầu tư vào Việt Nam đang tăng so với năm trước, nên tôi cho rằng các doanh nghiệp đang có cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu cho hoạt động kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả với các doanh nghiệp của châu Á.

Hoặc bán bớt phần vốn nhà nước theo chiến lược cổ phần hoá để tăng ngân sách đầu tư của quốc gia cho những dự án, ngành trọng điểm cần sự kiểm soát và đầu tư của chính phủ, đặc biệt là nhu cầu về y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng hiện nay đang trở nên rất cấp thiết.

Làm thế nào để hài hòa lợi ích của Nhà nước, cán bộ công nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ là một trong những thử thách mà doanh nghiệp IPO có thể vượt qua để có được cơ hội vàng cùng phát triển.

Một nền tảng nhà đầu tư tốt, với chiến lược đầu tư dài hạn song hành cùng doanh nghiệp và có những hỗ trợ về mặt hoạt động và chiến lược kinh doanh sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, sự kết hợp với lực lượng đầu tư cá nhân ở một tỷ trọng vừa phải sẽ giúp cho cổ phiếu khi giao dịch trên thị trường có tính thanh khoản tốt và hấp dẫn.

Theo ông, để tăng tính hấp dẫn và thành công cho các phiên đấu giá cổ phần, cần có những hỗ trợ gì từ chính sách và từ bản thân doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tình hình thị trường chứng khoán khó khăn như hiện nay, giá cổ phiếu trên sàn niêm yết đang giảm khá mạnh, nhiều cổ phiếu giá niêm yết còn thấp hơn giá khi IPO?

Định giá phù hợp là tiêu chí vô cùng quan trọng để IPO thành công cho doanh nghiệp và tạo nên một cổ phiếu giao dịch hấp dẫn trên thị trường sau khi IPO, vì nó tạo sức hút với các nhà đầu tư tổ chức, tạo mặt bằng tăng trưởng cho giá cổ phiếu, theo đó đem lại nhiều lợi ích cho cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp để họ quan tâm đến việc đầu tư vào chính doanh nghiệp của họ và hết mình vì sự phát triển tốt nhất của doanh nghiệp.

Việc minh bạch hóa các cam kết và thực hiện các cam kết của các cơ quan chủ quan, cổ đông Nhà nước khi cổ phần hóa cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Vậy, những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia trong năm 2014?

Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nền tảng và hiệu quả luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như: Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, Mobifone.

Ngoài ra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng các công trình hạ tầng như: Cienco cũng thu hút sự quan tâm trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2014.

H.Xuân - T.Uyên

Vneconomy

Các tin tức khác

>   03/04: Bản tin 20 giờ qua (03/04/2014)

>   NTL: Phân công nhiệm vụ Ban kiểm soát (02/04/2014)

>   DTT: 14/04 GDKHQ tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2014 (02/04/2014)

>   HCM: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tải ngày 31/03/2014 (02/04/2014)

>   HOSE: Loại LCG và NVN thuộc chỉ số VNSmallcap (02/04/2014)

>   VN-Index tăng mạnh thứ 2 thế giới trong quý 1 (02/04/2014)

>   BTH vào diện bị kiểm soát từ 03/04 (02/04/2014)

>   CID vào diện bị cảnh báo (02/04/2014)

>   PTG: 16/04 GDKHQ nhận cổ phiếu thưởng (02/04/2014)

>   PTKT phiên chiều 02/04: HNX-Index đã phá vỡ MA ngắn hạn (02/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật