Nhà đầu tư ít quan tâm cổ phần hóa DNNN
“Chính phủ đặt ra chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) đầy tham vọng nhưng chúng tôi khá dè dặt về kết quả thực hiện”.
Đó là nhận định của ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2014 vào sáng 1-4.
Cụ thể, ông Dominic Mellor giải thích: “Thực tế trong giai đoạn vừa qua (2011-2013), Việt Nam chỉ CPH được 99 DNNN. Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% nhưng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn chưa đủ để đảm bảo sự thành công của chương trình CPH”. Theo ông, điều quan trọng trong CPH hiện nay là sự quan tâm của các nhà đầu tư nhưng hiện nay các nhà đầu tư chưa quan tâm nhiều.
Còn ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB, lưu ý thêm: “Nếu chỉ đo lường tiến độ của CPH bằng số lượng DNNN được CPH và số vốn được thoái vốn mà các DNNN không tái cơ cấu hoạt động của mình để hoạt động hiệu quả hơn thì không thể thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Dominic Mellor nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng cứ CPH thì DN có thể phát triển đi lên. Hiện nay chất lượng quản trị DN củaViệt Nam còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực”. Theo ông Dominic Mellor, một lý do nữa gây thất vọng nhà đầu tư là việc tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong khi các tổ chức kinh tế đang kỳ vọng vào vai trò của khu vực tư nhân sẽ được công nhận rõ ràng hơn.
Trả lời báo chí về nhận định gần đây của một số chuyên gia độc lập cho rằng Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, ông Tomoyuki Kimura nói: “Tôi không rõ các chuyên gia dựa vào cơ sở nào mà đưa ra nhận định Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng trên cương vị của ADB tôi khẳng định điều này là không. Bởi lẽ dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,6% và năm 2015 là 5,8%. Với bối cảnh khó khăn chung như hiện nay thì những con số dự báo này cho thấy triển vọng kinh tế của Việt Nam là không quá tồi” - ông Tomoyuki khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Việt Nam cần nỗ lực tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng và đầu tư công thành công. Nếu không thực hiện được điều này thì khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất có thể.
Thu Hằng
pháp luật tphcm
|