Nợ công đã "vọt" lên 98,2% GDP?
Nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP.
Góp phần tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ trong điều hành Kinh tế vĩ mô 2014 – 2015 do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 19/12, TS Phạm Thế Anh nhận định, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách.
Nợ của các doanh nghiệp 100% đã tương được 52,5% GDP
|
Theo ông, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới chính là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Dẫn Báo cáo số 490/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 25/11/2013, ông Thế Anh cho biết, tổng nợ của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 đã lên gần 1.550 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.
Nếu loại trừ phần có thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của DNNN không được chính phủ bảo lãnh.
Do vậy, theo ông, nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế.
Trong khi đi đó, theo Bản tin Nợ công số 2 xuất bản đợt gần nhất vào tháng 10/2013 của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam vẫn chỉ đang ở mưc 55,7% GDP - nằm dưới mức trần (65% GDP) đặt ra bởi Quốc hội và trong ngưỡng an toàn khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các DNNN 100% vốn nhà nước nợ 52,5% GDP
Luật quản lý nợ công của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 quy định nợ của DNNN không được hạch toán và không thuộc phạm vi quản lý của nợ công. Tuy nhiên, theo TS Phạm Thế Anh, trong bối cảnh nhiều DNNN làm ăn thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản, đe doạ nghiêm trọng tới an ninh tài chính quốc gia thì nợ của DNNN cần phải được phân tích kĩ, bất kể chúng có được Chính phủ bảo lãnh hay không.
Tính đến 31/12/2012, tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 342,7 ngàn tỉ đồng, tương đương 11,6% GDP. Trong đó, 5,1% GDP là bảo lãnh vay nước ngoài và 6,5% GDP là bảo lãnh vay trong nước.
Cùng với đó là các khoản nợ từ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, nợ từ Ngân hàng Phát triển, nợ từ các ngân hàng thương mại, và nợ chéo lẫn nhau của các DNNN trong khi một số DNNN lớn rơi vào thua lỗ nhưng lại không thể để chúng phá sản. Đến hết năm 2012 có tới 11,4% GDP nợ nước ngoài, mà trong đó phần lớn là nợ của DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh.
Con số cập nhật gần nhất theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngày 25/11/2013, tổng nợ của DNNN tính đến 31/12/2012 là gần 1.682 ngàn tỉ đồng. Trong đó, nợ của các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là gần 1.550 ngàn tỉ đồng, tương đương 52,5% GDP. Dù không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty này khi làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn hay đứng trước nguy cơ phá sản.
Tác giả dẫn đến một số ví dụ điển hình cần tới sự hỗ trợ của nhà nước trong thời gian gần đây là khoản nợ nước ngoài trị giá 600 triệu USD của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nợ nước ngoài hàng chục triệu USD của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), hay nợ hàng ngàn tỉ đồng của Công ty Xi măng Đồng Bành…
105 Tập đoàn, Tổng công ty chiếm 80% tổng nợ DNNN
Quan sát của tác giả cho thấy, nợ của DNNN phần lớn tập trung vào các tập đoàn (TĐ) và tổng công ty (TCT) nhà nước. Mặc dù số lượng chỉ có 105 doanh nghiệp, nhưng các TĐ và TCT nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1.349 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 80% tổng nợ của DNNN.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này là 1,46 lần. Tuy nhiên, có tới 48 TĐ và TCT có hệ số này lớn hơn 3 lần. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức báo động như TCT Lắp máy Việt Nam (53,19 lần), TCT Xây dựng Bạch Đằng (20,97 lần), TCT Xây dựng Công trình Giao thông 8 (20,02 lần), TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1 (18,41 lần), TCT Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc (14,04 lần), TCT Xây dựng Hà Nội (12,15 lần) TCT Sông Đà (9,19) lần…
Nhiều doanh nghiệp có nợ nước ngoài lớn như EVN nợ 112,6 ngàn tỉ đồng, Vietnam Airlines nợ 27,8 ngàn tỉ đồng, PVN nợ 15,9 ngàn tỉ đồng, TCT Đầu tư Phát triển đường cao tốc nợ 14,3 ngàn tỉ đồng, TCT Cảng hàng không nợ 7,5 ngàn tỉ đồng, VNPT nợ 6,9 ngàn tỉ đồng…
Trong khi đó, tổng lỗ luỹ kế tính đến 13/12/2012 của các TĐ và TCT là vào khoảng 29.000 tỉ đồng. TS Phạm Thế Anh cảnh báo, đây là nhóm doanh nghiệp mà nợ của chúng rất có thể nhà nước phải đứng ra gánh chịu thay do chúng quá lớn để có thể cho phá sản.
Ông cũng đánh giá, tuy bị đánh giá là kém hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro lớn, nhưng các hoạt động tái cấu trúc DNNN của Chính phủ trong những năm gần đây mới chỉ dừng lại ở công tác tổ chức sắp xếp lại và rút vốn đầu tư ngoài ngành. Mới đây, đề án tái cấu trúc DNNN của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2015 cũng đã được phê duyệt, dự kiến SCIC sẽ thực hiện thoái vốn tại 376 doanh nghiệp.
Cơ cấu nợ của khối DNNN tại 31/12/2012
|
Thế nhưng theo TS Phạm Thế Anh, tiến trình cổ phần hoá và cải cách DNNN cần phải được tiến hành một cách thực chất thay vì hình thức nếu như không muốn nợ của khu vực này trở thành mối đe doạ thực sự đối với an toàn nợ công quốc gia trong tương lai.
Bích Diệp
dân trí
|