Vẫn có cơ hội để thoát
Câu chuyện Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa đang thu hút sự quan tâm của dư luận (xem thêm các bài tranh luận trên www.kinhtesaigon.vn). TBKTSG đã phỏng vấn TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, xung quanh nhận định này.
Ông Võ Trí Thành
|
TBKTSG: Gần đây, Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno nhận định rằng, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình với nhiều lập luận chứng minh. Ông nghĩ gì về điều đó?
Ông Võ Trí Thành: Nhận xét của Giáo sư Ohno là một cảnh báo, và các phân tích của ông cũng có cơ sở. Giáo sư đã theo chương trình công nghiệp hóa ở Việt Nam hơn chục năm nay rồi, nên có thể ông ấy cảm thấy chán nản về kế hoạch hành động và thực thi rất chậm. Ở góc độ này, thì ông ấy có điểm đúng.
Nhưng bản thân tôi không thích từ “đã”. Tôi nghĩ là nên dùng từ “có nguy cơ”. Xét về mặt kinh tế chính trị, nhận định “đã” là hỏng. Nói “có nguy cơ” thì còn cơ hội để thoát. Con người Việt Nam phải có niềm tin, chứ không chúng ta làm gì nữa, cải cách làm gì nữa. Dù còn vô vàn khó khăn, nhưng niềm tin ấy có cơ sở.
Ngay cả ông ấy nhận định như thế, thì mình vẫn có cơ hội để thoát. Nó phụ thuộc vào ý chí chính trị, quyết tâm cải cách, lựa chọn chính sách, và thực thi trên thực tế của Việt Nam. Ta thấy có le lói do một số quyết tâm, và nỗ lực hơn gần đây.
TBKTSG: Từ quan sát của mình, ông thấy những động lực nào để đất nước có thể có tăng trưởng tốt hơn?
Thứ nhất, vẫn phải là tư tưởng phát triển đã. Những nước nghèo như Việt Nam cần phải tăng trưởng ở tốc độ cao, nhưng không phải là 9-10% như Trung Quốc. Tăng trưởng cao như thế, Việt Nam không đủ năng lực để quản lý các vấn đề xã hội và môi trường. Bà Susan Adam, cố trưởng đại diện IMF, nói với tôi và ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại), là tăng trưởng 9-10% như Trung Quốc không phải là tương lai của thế giới. Đó là sự thất bại. Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5-7%, nhưng phải hài hòa.
Thứ hai, Việt Nam phải cải cách không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả chính trị.
Thứ ba, Việt Nam phải là một phần của thế giới, dù rất thách thức. Hội nhập sẽ tạo sức ép để cải cách.
Thứ tư, từ chính tiềm năng của mình. Ví dụ, chúng ta vẫn đang có thế hệ vàng trong thập kỷ trước mắt, và có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ. Hơn nữa, nước ta ở vùng rất năng động, đang chuyển mình.
TBKTSG: Ý tôi đang hỏi những vận động thực tế hiện nay là gì?
Chính phủ đã nhận ra những điểm yếu và muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định để Việt Nam cải cách, thay đổi cách thức tăng trưởng. Cách thức chỉ dựa vào nguồn lực, đầu vào, vốn, lao động phổ thông đã giảm dần, và hết đà. Bây giờ là quá độ để tiến tới các nhân tố mới nhằm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả hơn, lao động có kỹ năng hơn, công nghệ áp dụng tốt hơn. Điều này liên quan đến cải cách ba lĩnh vực thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực. Vấn đề là làm nổi không. Có vấn đề về ý chí chính trị. Có chương trình thực thi, nhưng hành động trên thực tế thì rất chậm chạp. Còn những cái khác thì phụ thuộc vào dài hạn. Ví dụ cải cách thể chế mới chỉ bắt đầu...
Chi phí nguồn lực đang thiếu, nhưng không có nghĩa là không thể có. Trước đây mình đầu tư trên 40% GDP, tiết kiệm trên 30% GDP, khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư trên 10% GDP và được đáp ứng bằng các nguồn FDI, ODA, kiều hối. Gần đây, đầu tư chỉ còn 30% GDP, và tiết kiệm cũng khoảng như vậy. Vậy tại sao vẫn phải dựa vào nước ngoài? Vì một phần rất lớn của phần tiết kiệm là dưới dạng tài sản tài chính. Người dân không đưa nó vào sản xuất kinh doanh để tạo ra tăng trưởng. Có nghĩa là có vấn đề lòng tin ngay trong chính người Việt Nam.
TBKTSG: Liên quan đến điểm này, vì sao lãi suất đã xuống thấp như năm 2005, rồi các chỉ số vĩ mô đã dần ổn định trở lại, mà người dân không đầu tư?
Muốn đầu tư họ phải nhìn ra cơ hội. Trước mắt thì tổng cầu giảm rất mạnh. Nhìn vào tiết kiệm, đầu tư, xuất khẩu thì trừ một vài công ty, hay một vài lĩnh vực, nhìn chung tổng thể vẫn rất yếu. Hơn nữa, chuyện nợ xấu đang là điểm nghẽn rất lớn thì dòng tiền không thể ra được.
Để xử lý vấn đề tiếp cận vốn, thì giảm lãi suất từ 7% xuống 6% không có tác dụng nhiều. Người ta đầu tư vì kỳ vọng trong tương lai. Họ có thấy ổn định tiếp không, tích cực hơn không, và quan trọng hơn, cải cách có mạnh hơn không thì mới làm chứ.
TBKTSG: Tăng trưởng đang thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ, và nếu đà này sẽ có nguy cơ về xã hội, về an sinh?
Những nước nghèo như Việt Nam ai cũng thích tăng trưởng. Có tăng trưởng mới có công ăn việc làm và thu nhập. Thế nhưng nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng như mấy năm trước, thì rất không bền vững. Tăng trưởng 5-5,5% là thấp so với tiềm năng của nước ta, nhưng không phải 9-10% đã là tốt.
Để tăng trưởng bền vững phải có những tiền đề. Phải ổn định vĩ mô. Ổn định là tiền đề đầu tiên để cơ cấu lại nền kinh tế. Trong nỗ lực ổn định, thì Chính phủ cố làm cho kinh tế phục hồi dần. Đây là bài toán cực kỳ khó khăn về điều hành, về nghệ thuật ứng xử. Chẳng hạn, khi cứu, thì có thể lại cứu chính cái mô hình cũ anh đang muốn thay đổi. Làm sao vẫn phải phục hồi để có công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng vẫn phải tạo nền tảng chuyển đổi.
Vấn đề là làm sao vượt qua được khó khăn về kinh tế chính trị, lợi ích nhóm... và liệu Việt Nam có làm được không? Tôi không dám trả lời là 100%, nhưng nhiều người, không chỉ tôi, vẫn tin là có thể. Vì khi đã chỉ ra những vấn đề, thì đó chính là cách để vượt qua.
Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26-3 tại Hà Nội, Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno đã khẳng định bẫy thu nhập trung bình không còn là một “nguy cơ xa xôi”, mà “đã trở thành thực tế” ở Việt Nam.
Nhận xét trên là rất đáng chú ý do ông đã có gần 20 năm nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là chính sách công nghiệp hóa ở Việt Nam. Ông đưa ra năm luận cứ cho nhận định trên bao gồm tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng, và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra. Ông sử dụng nhiều số liệu, biểu đồ cho từng luận cứ trên. Ngoài ra những phân tích trên, ông khẳng định, bằng chứng cho thấy đất nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất phong phú.
|
Tư Hoàng
Thời báo kinh tế sài gòn
|