CPI tháng 4 sẽ không diễn biến bất thường
Bà Đỗ Thị Ngọc- Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.
Đánh giá của bà về CPI quý I/2014? Việc CPI tăng thấp sẽ tác động như thế nào đến kinh tế thị trường?
Với con số âm 0,44% cho thấy, CPI tháng 3/2014 giảm khá sâu dẫn đến CPI cả quý I/2014 chỉ tăng 0,8% so với tháng 12/2013. Chỉ số giá tháng 3 giảm khá mạnh do nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm; giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết; bên cạnh đó người dân cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.
CPI 3 tháng đầu năm có tốc độ tăng tương đối thấp trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,27%. Đây là một tín hiệu lạc quan CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành… kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Với mức tăng 0,69% của tháng 1 và 0,55% của tháng 2, tháng 3 giảm 0,44%, tính chung tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của 3 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong 13 năm qua và thấp xa so với CPI bình quân cùng kỳ trong 12 năm trước. |
Tuy nhiên CPI quý I/2014 có mức tăng khá thấp so với quý I các năm trước do các nguyên nhân như: Tình hình thời tiết thuận lợi nên lượng nông sản dồi dào, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết, sau Tết giá trở về mặt bằng trước đó; ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết như một số năm trước đây; người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày.
Có nhiều ý kiến lo ngại, CPI tăng thấp là do cầu yếu, sức mua giảm. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?
CPI tăng thấp nên nhiều người cho rằng sức cầu của nền kinh tế yếu, tuy nhiên, lo ngại này có vẻ không có cơ sở, bởi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 5,1% so với năm trước, cao hơn mức 4,3% của 3 tháng đầu năm 2013 và mức 5,09% của năm 2012. Trong 2 năm trở lại đây, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, theo tôi còn có nguyên nhân quan trọng nữa là tâm lý của người tiêu dùng không mua hàng tích trữ vào các dịp lễ, tết, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ và cân nhắc hơn. Khi tâm lý, thái độ của người tiêu dùng có sự thay đổi, nên người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán như những năm trước đây.
Bà dự báo ra sao về chỉ số CPI tháng 4 và theo bà, yếu tố nào sẽ tác động đến CPI tháng 4?
Theo quy luật tiêu dùng của nhiều năm, tốc độ tăng CPI trong tháng 4 thường có xu hướng tăng nhẹ hoặc ổn định (trừ những năm 2008, 2011) quy luật tiêu dùng bị phá vỡ do chịu ảnh hưởng các đợt lạm phát hai con số, nguyên nhân từ sự tăng mức lương tối thiểu, tăng giá hàng hóa quốc tế, chính sách kích cầu, chính sách quản lý tỷ giá, độ mở của nền kinh tế nước ta, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2006.
Với giá cả các mặt hàng chiến lược như: xăng, dầu, điện… vẫn giữ được ổn định như hiện nay có thể dự báo CPI tháng 4 tới không diễn biến bất thường.
Xin cảm ơn bà!
Thu Phương
Công thương
|