Đừng bắt DNNN cõng cả chính sách
Vai trò của Chính phủ trong việc kinh doanh, đầu tư thông qua các DNNN sẽ giảm đi đáng kể nếu một dự luật được thông qua tới đây.
DNNN phải được tách bạch chức năng kinh doanh và xã hội. Ảnh TL SGT.
|
Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo ngày 5-4, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch đề nghị: “Tới đây, Chính phủ chỉ được kinh doanh cái gì được cho phép, chứ không phải cái gì không cấm”.
Ông cho rằng, khi đã là doanh nghiệp, thì các DNNN phải kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay các DNNN vẫn phải vừa làm kinh doanh vì lợi nhuận, vừa phải phục vụ các mục tiêu chính trị. Tới đây, các doanh nghiệp công ích phải được sắp xếp lại thành các doanh nghiệp phi lợi nhuận.
Theo nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, cần phải tách bạch giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng điều hành ở doanh nghiệp nhà nước.
“Dù là DNNN chăng nữa nó cũng phải có quyền tự chủ. DNNN 100% vốn sản xuất ra các sản phẩm để cung cấp cho Chính phủ”, ông nói.
Ông Tá ví dụ, EVN đang cấp điện cho miền núi với chi phí cao hơn, nhưng lại không thể bán giá cao hơn được. Lẽ ra, Chính phủ cần hỗ trợ người dân, thay vì bắt EVN gánh chi phí này.
“Đừng bắt DNNN cõng cả chính sách, phải tách bạch mới đảm bảo được quyền tự chủ của họ”, ông Tá nói.
Dự thảo Luật bao gồm 6 chương, 54 điều. Mục tiêu của luật là phân định và làm rõ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật cũng nhằm khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải.
Tư Hoàng
thời báo kinh tế sài gòn
|