Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay nông nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Đồng Nai đạt 12.970 tỷ đồng, trong đó hơn 1.780 tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản.
Với những quy định mới, mức vay không tài sản thế chấp sẽ được điều chỉnh tăng (cụ thể mức vay từ 10 triệu đồng được nâng lên 50 triệu đồng với cá nhân; từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng với trang trại; 100 triệu đồng lên 500 triệu đồng với hợp tác xã) đã mở rộng thêm cơ hội cho nông dân tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, ngay sau khi hạ trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại lớn trong tỉnh là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MHB giảm lãi suất tối đa về 8%/năm đối với các khoản vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm... Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng.
Theo ông Mạnh, hiện nay, trước tình hình khó khăn về thị trường, nợ xấu gia tăng, một số ngân hàng cũng đang tính toán việc gia hạn nợ, giãn nợ, giảm một phần lãi suất với những khoản nợ xấu, góp phần gỡ khó cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai cho biết, lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vừa được điều chỉnh giảm thêm 1%/năm so đầu tháng Ba vừa qua; theo đó lãi suất cho vay nông nghiệp sau điều chỉnh chỉ còn 8%/năm, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, một số ngân hàng ngày càng quan tâm, ưu đãi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Theo ông Trinh, hiện nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất dồi dào. Tuy nhu cầu vay vốn những tháng đầu năm không cao nhưng tính đến cuối tháng Hai năm nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng vẫn đạt gần 6.970 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lãnh đạo Agribank tỉnh cho rằng, tuy mức lãi suất đã giảm, nhưng về cơ chế cho vay vẫn phải tuân thủ theo quy định đã có. Như vậy, những đối tượng đã vay trước khi lãi suất giảm vẫn phải trả theo mức lãi suất đã thỏa thuận. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều nông dân, đơn vị đang còn nợ ngân hàng sẽ khó đủ điều kiện vay thêm vốn mới với mức lãi suất thấp.
Riêng về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai cho biết, đến nay toàn tỉnh chưa có trường hợp nào được giải ngân theo quyết định này mặc dù quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 có nhiều điểm mới “cởi trói” cho Quyết định 63/2010/QĐ-TTg vì không còn hạn chế máy móc, thiết bị phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.
Nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan tâm đến nguồn vốn vay có nhiều ưu đãi này, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải ngân. Trong 3 năm thực hiện cho vay theo Quyết định 63, toàn tỉnh cũng chỉ có 3 trường hợp được giải ngân với doanh số cho vay trên 800 triệu đồng.
Lê Hiền
vietnam+
|