Bỏ ngỏ kế hoạch lên sàn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công bố của NHNN, năm 2014 tất cả các NHTM buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa nhiều NH có kế hoạch lên sàn trong năm 2014.
Lên sàn giám sát “sức khỏe” NH
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các NHTMCP dứt khoát phải lên sàn chứng khoán để giao dịch công khai minh bạch, từ đó mới hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Đầu năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và NHNN cũng đã làm việc về việc chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các NHTM và đạt được những thỏa thuận bước đầu, theo đó những NH đủ điều kiện sẽ sớm triển khai niêm yết lên sàn. Xung quanh vấn đề này, nhiều cổ đông các NHTM cũng đồng tình thúc đẩy các NHTM lên sàn là điều cần thiết.
Việc lên sàn là cách tốt nhất để NH minh bạch, công khai và tuân thủ kỷ luật thị trường. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu, hiện đại hóa hệ thống NH, vừa có thể tạo ra một khối lượng hàng hóa có chất lượng cao ra thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh
|
Thực tế sau khi tiến hành thực hiện đề án tái cơ cấu từ cuối năm 2011 đến nay, số lượng các NHTMCP đã giảm từ 41 xuống còn 37 NH. Tuy nhiên, tái cơ cấu thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất mà các NH đang thực hiện chỉ mới giải quyết được một phần tình trạng sở hữu chéo, trong khi nợ xấu vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Hiện nay, để tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu, NHNN đang tập trung một nhiệm vụ quan trọng là lành mạnh hóa hoạt động của các NHTM. Song muốn thực hiện được điều này, tất cả các NH cần phải niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi cơ chế thị trường chứng khoán sẽ tạo ra công cụ giám sát “sức khỏe” NH hiệu quả nhất thông qua áp lực của công chúng, nhà đầu tư lẫn những quy định chặt chẽ của thị trường chứng khoán.
Một chuyên gia NH cho rằng, đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực NH là dựa vào niềm tin, chỉ cần NH tạo được niềm tin đối với khách hàng, với nhà đầu tư cơ hội thành công sẽ rất lớn. Trong khi niềm tin có thể được tạo dựng thông qua việc niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bởi lên sàn ngoài việc được hưởng những lợi ích của doanh nghiệp niêm yết, NH còn có thể minh bạch hóa thông tin, tạo dựng được sự tin tưởng của người gửi tiền lẫn nhà đầu tư. Hiện nay cổ phiếu của các NH niêm yết đều cao hơn so với NH chưa niêm yết (cổ phần giao dịch trên thị trường OTC) vì sự minh bạch về quy mô hoạt động, quy mô tài chính.
Phải có quy định, chế tài
Đến nay sau khi BIDV chính thức niêm yết tại sàn TPHCM, toàn hệ thống chỉ mới có 9 NH niêm yết. Trong khi đó, cuối năm 2013, Navibank đã có công văn xin hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với lý do giao dịch không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Trước đó, cổ phiếu của Navibank liên tục bị nằm trong diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ và diện cảnh báo do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2013 soát xét quá 10 ngày và nhiều lần vi phạm quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có quy định, chế tài các NH lên sàn hay rời sàn khó có thể buộc các NH lên sàn trong năm 2014 như dự kiến.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2014, trả lời cổ đông về niêm yết trên sàn chứng khoán, SCB cho biết đang tập trung và lên kế hoạch để khi có điều kiện tốt nhất sẽ niêm yết trên sàn. Dự kiến của Hội đồng quản trị SCB, sau khi hoàn tất xong giai đoạn 3 năm của đề án tái cơ cấu, NH này sẽ tiến hành niêm yết trên sàn, tức vào khoảng năm 2016.
Trong khi đó, nhiều NHTMCP khác dù cũng có kế hoạch nhưng đã lùi và không xác định thời hạn. Chẳng hạn NHTMCP Đông Á, dù đã đưa ra kế hoạch niêm yết và thông qua từ trước năm 2008, nhưng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới năm 2008, thị trường chứng khoán bị tác động mạnh, nên NH này đã lùi niêm yết cho đến nay.
DongABank từng đưa ra kế hoạch niêm yết lên sàn từ trước năm 2008
nhưng đến nay vẫn chưa xác định thời điểm lên sàn.
|
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một khi tất cả các NH niêm yết mới có thể tạo ra sự minh bạch và lành mạnh hóa toàn hệ thống. Bởi vì khi NH niêm yết, những người tham gia hội đồng quản trị muốn bán cổ phiếu phải khai báo cụ thể và NH có áp lực để thay đổi chất lượng, quy mô hoạt động. Chính vì vậy các ông chủ những NH niêm yết lo sợ thông qua thị trường họ mất quyền kiểm soát.
“Theo tôi nên phân biệt ra 2 loại, NH niêm yết là NH công cộng, còn NH không niêm yết là NH tư. Từ đó khi cấp phép cho các NH phải có phân biệt đối xử giữa NH mang tính công cộng và NH mang tính tư còn bởi hiện nay Luật Tổ chức tín dụng hơi cào bằng nên chưa khuyến khích được các NH lên sàn” - ông Lịch nói.
Đỗ Linh
Sài Gòn đầu tư
|