Điều bất ngờ sau quyết định tách MobiFone khỏi VNPT
Việc Chính phủ chấp thuận tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên vì trước đó, vấn đề này đã được bàn đến nhiều trên các mặt báo.
MobiFone vốn được coi là gà đẻ trứng vàng của VNPT, với lợi nhuận chiếm khoảng 60 - 70% của toàn tập đoàn VNPT, vì thế khi tách ra đồng nghĩa với việc VNPT mất đi nguồn thu chủ chốt.
|
Nếu có bất ngờ, chỉ là việc MobiFone “ra đi” mà không phải “nặng gánh hai vai”.
Tại cuộc họp báo của Chính phủ vừa diễn ra hôm 1/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói, MobiFone tách ra khỏi VNPT mà không phải kèm bất cứ doanh nghiệp nào của tập đoàn và sẽ phải tiến hành nhanh việc cổ phần hóa.
Song trước đó, trong đề án tái cơ cấu VNPT, tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách MobiFone ra khỏi VNPT, đồng thời khoảng 60 doanh nghiệp (trong đó có nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ) của VNPT cũng sẽ chuyển sở hữu sang MobiFone.
Theo tờ trình số 14697 của Bộ Tài chính ký ngày 29/10/2013, trong 62 công ty mà VNPT dự kiến chuyển phần vốn góp, trong năm 2012 đã có nhiều doanh nghiệp chịu lỗ. Trong đó, nặng gánh nhất là Công ty Tài chính Bưu điện trong năm 2012 lỗ 635 tỷ đồng, còn hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 cũng trong năm này lỗ 411 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành.
Khi đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc chuyển giao vệ tinh Vinasat 1 và 2 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho hạ tầng mạng quốc gia nói chung, hoạt động doanh thu của MobiFone nói riêng, vì hai vệ tinh này không chỉ phục vụ kinh doanh mà còn đảm nhận vai trò phục vụ an ninh quốc phòng cho quốc gia.
Việc mang theo nhiều đơn vị làm ăn kém hiệu quả liệu sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của MobiFone? Vấn đề này từng được Cục Viễn thông, VNPT cũng như MobiFone nhìn nhận khá chi tiết tại một cuộc một tọa đàm về tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam, hồi tháng 2/2014.
Khi đó, có ý kiến nói rằng MobiFone vốn được coi là gà đẻ trứng vàng của VNPT, với lợi nhuận chiếm khoảng 60 - 70% của toàn tập đoàn VNPT, vì thế khi tách ra đồng nghĩa với việc VNPT mất đi nguồn thu chủ chốt. Và nếu MobiFone tách ra nhưng không gánh vác bớt những đơn vị làm ăn yếu kém, thì VNPT đã khó lại chồng lên khó.
Nên, sau khi biết MobiFone tách khỏi VNPT mà không phải mang theo gánh nặng nào, một nhà quản lý thuộc VNPT nói với VnEconomy: “Biết làm sao. Chỉ còn cách cố gắng, được đến đâu hay đến đó, hy vọng tập đoàn sẽ vượt qua”.
Cho dù, theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, việc MobiFone tách ra để thực hiện cổ phần hóa ngay là một phương án rất hợp lý, bởi vì khi MobiFone không phải gánh các đơn vị làm ăn thua lỗ, yếu kém thì giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ “sạch” hơn, sáng hơn, từ đó việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng có lợi và khả năng thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Cũng tại cuộc tọa đàm nói trên, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), người từng là Tổng giám đốc VNPT, nhìn nhận việc tách MobiFone ra sẽ là thiệt thòi rất lớn cho VNPT, tuy vậy mọi việc đã trở thành “vạn bất đắc dĩ”.
Theo ông, VNPT sẽ khó khăn hơn, nhất là một hai năm đầu, nhưng sẽ vẫn chịu đựng nổi, chứ không bị sốc quá lớn về mặt tài chính. Ông tin rằng, những năm sau VNPT sẽ tốt lên.
Nhưng, đấy là quan điểm của ông Trực khi vẫn còn phương án MobiFone tách ra và kèm theo nhiều đơn vị yếu kém của VNPT.
Nhã Cầm
Vneconomy
|