Đầu tư vào dệt và nhuộm vải vẫn kém hấp dẫn
Đến thời điểm này, đầu tư vào khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện vải tại Việt Nam vẫn còn ít mặc dù trong khoảng hai năm qua có nhiều các dự án mới cũng như các nhà đầu tư đến tìm cơ hội trong lĩnh vực dệt may.
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề một hội thảo giới thiệu công nghệ của Pháp cho ngành dệt và vải kỹ thuật hôm 3-4 tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, trong năm ngoái có nhiều nhà đầu tư tham gia vào ngành dệt may, nhưng chủ yếu vẫn vào khâu kéo sợi và may mặc. Có rất ít đầu tư vào khâu dệt vải, nhuộm và hoàn tất vải. (Quy trình dệt nhuộm thường qua ba công đoạn cơ bản là kéo sợi, dệt vải, nhuộm – hoàn thiện vải).
Với những dự án đầu tư mới trong kéo sợi, trong năm 2013 số lượng cọc sợi của ngành dệt may tăng thêm 1 triệu cọc. Tính đến hết năm 2013, toàn ngành có 6,1 triệu cọc sợi, sản xuất 720.000 tấn sợi xơ ngắn, 150.000 tấn sợi xơ dài và 1,4 tỉ mét vuông vải, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS).
Ông Tuấn cho rằng, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang chịu “nút thắt cổ chai” tại khâu sản xuất vải. Trong năm 2013, ngành may Việt Nam sử dụng 7,4 tỉ mét vuông vải, nhưng phải nhập đến 6 tỉ mét vuông vải. Hầu hết vải nhập khẩu được dùng để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Theo ông Tuấn, tình trạng này khiến ngành may lệ thuộc nhiều vào phương thức gia công (chiếm trên 70%) và các ngành thiết kế, thời trang ít có cơ hội phát triển.
Cũng theo báo cáo của VITAS, ngành dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp đôi về quy mô vào năm 2025, đạt doanh thu 46 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu là 40 tỉ đô la Mỹ. Có nghĩa là, đến lúc đó, để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước, toàn ngành cần có 12 triệu cọc sợi, 12 tỉ mét vuông vải và 5 triệu lao động (thay vì 2,5 triệu lao động như hiện nay).
Theo ông Tuấn, về lâu dài Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư sản xuất vải trên thế giới. Ông cho biết nhận định này không phải chỉ của riêng ông mà còn của nhiều nhà đầu tư.
Bởi lẽ, hiện tổng sản lượng vải trên thế giới là 170 tỉ mét vuông. Với tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may thế giới là 2%/năm, mỗi năm thế giới cần thêm 3,4 tỉ mét vuông. Trong khi đó, hiện nay các nhà đầu tư không đầu tư vào ngành dệt nhuộm của Trung Quốc nữa do các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thiếu hụt điện, giá nhân công cao.
Vậy dòng đầu tư vào sản xuất dệt nhuộm vải sẽ đi đâu? Ông Tuấn cho biết, đầu tư vào dệt nhuộm tại Pakistan thì có nhiều yếu tố không thuận lợi, còn đầu tư vào Bangladesh có nhiều rủi ro. Các nước châu Á khác như Thái Lan hiện nay không chủ trương phát triển dệt nhuộm, mà chuyển dần lên phân khúc cao hơn như thời trang và bán lẻ.
Do đó đầu tư vào sản xuất vải sẽ đổ về Việt Nam, ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong lĩnh vực dệt nhuộm, trong thời gian tới nhiều công ty tại Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc hiện đại nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm dệt nhuộm để xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Bảy công ty của Pháp hôm 3-4 tham gia một hội thảo tại TPHCM để giới thiệu về công nghệ mới dành cho ngành dệt và ngành vải kỹ thuật. Các công ty này gồm LAROCHE, N. SCHLUMBERGER, SUPERBA, VERDOL, STÄUBLI, Dollfus & Muller, và AESA. Hội thảo do cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp UBIFRANCE và UCMTF (Liên minh các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp) tổ chức.
Pháp là nước đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm, với các khách hàng tại hơn 115 quốc gia. Các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp có mặt trên thị trường với các thiết bị và công nghệ đặc biệt dành riêng cho một số đối tượng khách hàng nhất định (thị trường ngách).
|
T.Thu
TBKTSG
|