Bao giờ dừng nạn “chảy máu” khoáng sản?
Khoáng sản vẫn thất thoát và chảy máu do xuất lậu, xuất thô. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn vấn nạn trên?
Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cho rằng: "Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi và phức tạp nên chưa thể ngăn chặn một cách triệt, đặc biệt chính sách thu hút khoáng sản của Trung Quốc đã kích thích buôn lậu khoáng sản”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương đã kèm theo lời "hứa”: Năm 2015 về cơ bản không để xảy ra tình trạng xuất lậu khoáng sản.
Cũng theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2012 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp khai khoáng, luyện kim phải thu hẹp sản xuất, tồn kho lớn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Trên tuyến biên giới đường bộ, các chủ đầu nậu móc nối với đối tượng ở hai bên biên giới hình thành đường dây, tổ chức chặt chẽ trong ngoài biên giới mua bán, tập kết hàng hóa, sau đó sử dụng xe ô tô, xe cải tiến, ngựa thồ vận chuyển theo đường mòn, đường tắt, sông suối, hai bên cánh gà cửa khẩu, nhất là khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh địa bàn trọng điểm gồm: Lào Cai; Cao Bằng; Hà Giang.
Trên tuyến biển, tình hình gian lận thương mại trong xuất khẩu và xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp. Sau khi bị lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, đối tượng đã thay đổi thủ đoạn vận chuyển; quặng sắt không vận chuyển xuất lậu từ các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La và các tỉnh miền Trung, miền Nam đi thẳng sang Trung Quốc mà tập kết tại các bến bãi hoạt động không phép thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình; chờ dịp để sau đó vận chuyển sang Trung Quốc.
Đáng lưu ý, lợi dụng quy định được phép xuất khẩu khoáng sản đang tồn kho một số doanh nghiệp đã "lách luật” như việc khai báo khống số lượng quặng đang tồn kho để được tiếp tục xuất khẩu, nhưng thực chất là tiếp tục khai thác tại các mỏ đã được cấp phép trước đó hoặc mua gom, hợp thức hóa giấy tờ thành lô hàng tồn kho để xuất khẩu.
Khoáng sản vẫn thẩm lậu qua biên giới là vậy. Ngân sách Nhà nước bị thất thu. Nhưng xem ra ngăn chặn "vấn nạn” trên cũng là bài toán không phải một sớm một chiều.
Làm sao để ngăn chặn tình trạng chảy máu khoáng sản? khi nào khắc phục được? Và trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào? là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công thương. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vai trò và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trước tình trạng khai thác và xuất khẩu lậu khoáng sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: "Khoáng sản ở nước ta rất phong phú nhưng số lượng khoáng sản có trữ lượng lớn thì không nhiều và nằm rải rác ở các địa phương tập trung ở các tỉnh miền núi, biên giới. Đây chính là lý do dẫn đến công tác quản lý nhà nước có nhiều khó khăn”.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, mặc dù đã tiến hành các biện pháp hết sức quyết liệt như vậy, nhưng vẫn chưa hạn chế được hoàn toàn tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản ở một số địa phương. "Trước tình hình này, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các địa phương, Bộ Tài nguyên và môi trường tiến hành công tác kiểm tra kiểm soát xử lý vi phạm, thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ để năm 2015 về cơ bản không để xảy ra tình trạng xuất lậu khoáng sản”-Bộ trưởng Hoàng hứa.
T.Dương
Đại đoàn kết
|